Khi còn là cô bé học tiểu học, tôi ước mơ mình sẽ trở thành cô giáo, chỉ vì lý do đơn giản: được chấm bài cho học sinh! Tôi đã miệt mài tập viết những con số từ một đến mười và ký hiệu đúng, sai để tập chấm điểm sao cho giống thầy cô mình. Ước mơ ấy lớn cùng tôi cho đến khi xảy ra những biến cố của gia đình.
Năm tôi học lớp Sáu, hạnh phúc của gia đình tôi bị đổ vỡ. Bố - thần tượng của tôi - đã bỏ vợ và bốn đứa con thơ để đi theo một người phụ nữ khác. Gia đình ly tán và suy sụp. Không chịu nổi nỗi đau mất mát, mẹ đã đưa bốn chị em tôi chuyển từ miền Bắc vào Nam sinh sống. Một mình trên đất khách quê người, mẹ đã phải lao mình để kiếm tiền nuôi chị em tôi ăn học. Khó khăn chồng chất khó khăn. Có những khi không có đủ tiền để đóng tiền thuê nhà, mấy mẹ con phải dùng bột mì làm bánh ăn trừ cơm. Dù phải chịu bao nhiêu tủi cực, mẹ vẫn quyết tâm lo cho chị em tôi ăn học đàng hoàng.
Bốn năm sau, mẹ đưa chị em chúng tôi về thăm quê. Biết được việc này, bố tôi đã làm đơn đòi ly dị. Mẹ tôi vẫn muốn tha thứ và mong bố quay về để chúng tôi có đủ bố, đủ mẹ. Nhưng đáp lại điều ấy là khuôn mặt lạnh lùng đến vô cảm của bố. Tòa xử bố mẹ tôi ly dị, bốn chị em tôi theo mẹ. Chứng kiến tất cả những gì diễn ra tại phiên tòa, tôi uất ức đến nghẹn lời. Tôi biết, bố đã "làm việc" trước với Hội đồng xét xử vì rằng bố quen biết và dùng tiền mua chuộc họ. Không biết số tiền bố bỏ ra bao nhiêu để đổi lại phán quyết mỗi tháng chu cấp cho mẹ tôi 100.000 ngàn đồng nuôi bốn đứa con giữa đất Sài Gòn đắt đỏ. Lúc ấy, trong đầu cô bé học lớp Mười đã đặt ra bao nhiêu câu hỏi: Tại sao có thể có những bất công như vậy? Tại sao một người cha lại có thể làm thế với những đứa con của mình? Tại sao những người giữ cán cân công lý lại có thể vì tiền mà làm sai trái... Trong khoảnh khắc ấy, trong tôi hình thành một ước muốn: Ước gì tôi có đủ mạnh để có thể chống lại những bất công ấy. Và tôi đã nghĩ đến hình ảnh của một luật sư.
Suốt những năm tháng sau này, bao nhiêu vất vả khó khăn của mẹ cũng có kết quả. Anh trai tôi thi đậu đại học Kinh tế còn tôi thi đậu đại học Luật. Nỗi mừng vui chưa được bao nhiêu thì nỗi lo lại ập đến. Lấy tiền đâu để mẹ tôi có thể nuôi hai đứa học đại học cùng một lúc? Vả lại tôi còn đứa em nhỏ đang học lớp Tám. Trằn trọc mấy đêm liền, tôi quyết định nói với mẹ: "Mẹ đừng lo, chỉ cần con được đi học, con sẽ cố gắng tự lo cho mình". Hành trang để tôi bước vào giảng đường đại học được gói gọn trong hai chữ "quyết tâm".
Trong những năm tháng sinh viên, tôi gần như bỏ hết những cuộc vui của bạn bè, lao vào dạy thêm để kiếm tiền đi học. Có những lúc muốn bỏ cuộc nhưng rồi ý chí phải trở thành một luật sư lại thôi thúc tôi cố gắng. Ngày tốt nghiệp tôi đã khóc, khóc vì tôi đã không phụ công lao của mẹ và khóc vì đã hoàn thành được bước đầu ước mơ của mình. Giờ đây, để trở thành một luật sư chính thức, tôi phải trải qua lớp học nghiệp vụ và mười tám tháng tập sự. Tôi biết còn nhiều khó khăn ở phía trước: vừa đi làm phụ giúp gia đình, vừa đi học; mặt khác, tôi sẽ phải đối diện với khó khăn của nghề, nhưng tôi tin mình sẽ đi đến đích để trở thành một luật sư tốt. Rồi một ngày, tôi sẽ đứng tại Tòa và tự tin nói: "Tôi, Luật sư Hà Thanh Loan... Tôi đến đây để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của tôi...".
Hà Thanh Loan