Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: H.H.
- Kể từ sau sự cố cầu Cần Thơ, 10 ngày qua, tâm trạng của ông thế nào?- Vụ sập nhịp cầu ở Cần Thơ là một sự kiện đau lòng, là sự cố lớn nhất trong ngành giao thông. Trong những đêm đầu ở Cần Thơ tôi đã thức trắng, những ngày sau đó giấc ngủ cũng chập chờn. Nhiều cán bộ đồng sự của tôi cũng vậy.
- Với tư cách là người đứng đầu Bộ GTVT (chủ đầu tư công trình cầu Cần Thơ) ông đã nhiều lần xin lỗi và nhận trách nhiệm. Xin được hỏi, trách nhiệm cụ thể của cá nhân ông trong vụ việc này là gì?
- Trách nhiệm chủ đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải đầu tư) nằm ở việc lựa chọn nhà thầu, thành lập ban quản lý dự án. Gói thầu cầu Cần Thơ đã được giao cho 3 nhà thầu nổi tiếng của Nhật Bản, đã từng thực hiện nhiều công trình ở Việt Nam. Nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm về thiết kế thi công, lựa chọn nhà thầu phụ.
Ngay từ đầu khi xảy ra vụ cố tôi đã nhận trách nhiệm về quản lý nhà nước. Hiện, Thủ tướng đã quyết định thành lập Ủy ban quốc gia điều tra nguyên nhân sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ. Từ nguyên nhân ấy, Ủy ban sẽ xem xét trách nhiệm của Bộ GTVT và của cá nhân bộ trưởng đến đâu. Tôi sẽ chịu trách nhiệm đến cùng.
- Hiện có rất nhiều ý kiến về nguyên nhân sự cố như khâu thi công, thiết kế, năng lực các nhà thầu phụ.... Với thời gian dài ở Cần Thơ, theo ông, đâu là nguyên nhân của vụ việc?
- Khâu thi công là một trong những nghi vấn đang được xem xét, và cách đặt vấn đề này cũng có logic vì sự cố xảy ra trong quá trình đang thi công.
Về thư cảnh báo của một kỹ sư Nhật (thuộc tư vấn giám sát), theo tôi được biết, những ý kiến xác đáng của lá thư đã được nhà thầu chấp thuận xử lý. Nhưng việc tiếp thu như thế nào xử lý đến đâu thì còn phải điều tra.
Sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra sáng 26/9. Ảnh: Giao Thi |
- Sau vụ sập cầu tâm lý của cán bộ, công nhân đang xuống thấp, một số người đã bỏ việc. Bộ GTVT sẽ giải bài toán tiến độ xây dựng cầu Cần Thơ như thế nào?
- Trước khi xảy ra sự cố, tiến độ gói thầu 2 luôn đảm bảo, thậm chí còn vượt một chút. Nếu Ủy ban quốc gia sớm có kết luận về nguyên nhân vụ việc, tiến độ hoàn thành cầu Cần Thơ sẽ không chậm nhiều. Phía Nhật Bản cam kết sẽ cử thêm các chuyên gia, điều thêm thiết bị đến công trường.
Tôi không coi sự cố xây dựng vừa qua là PMU18, bởi tính chất vụ việc khác nhau. Với tinh thần như vậy chúng tôi sẽ xốc lại không khí làm việc bình thường.
- Sau những sự việc vừa qua, bộ trưởng đã rút ra bài học gì?
- Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ phải rà soát toàn bộ hệ thống, từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư các dự án, lựa chọn nhà thầu, quản lý nhà thầu phụ, chức trách tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát. Trong quá trình thi công phải rà soát lại quy định về trách nhiệm của nhà thầu chính. Bộ đã giao cho các chuyên gia hàng đầu để thực hiện, những vấn đề nào còn sơ sót thì phải sửa đổi.
- Từng có cảnh báo về tình trạng nhiều cầu yếu, thậm chí có cầu như Đồng Nai nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Sau tai họa cầu Cần Thơ, vì sao Bộ vẫn không tính đến việc rà soát và thực hiện phương án khắc phục tình trạng các cây cầu yếu trong toàn quốc?
- Chúng tôi đã có kế hoạch này. Sang năm chúng tôi sẽ thực hiện dự án 2 giai đoạn với nội dung chính là rà soát toàn bộ 150 cây cầu trên toàn quốc. Những cầu nào cần phải thay thế sẽ thay thế. Nội dung này sẽ kéo dài trong khoảng 2-3 năm.
- Công an đã khởi tố vụ án. Nhưng việc có khởi tố bị can hay không phải phụ thuộc vào Uỷ ban điều tra. Trong bối cảnh thực tế nhà thầu thi công là nước ngoài thì điều này nên hiểu thế nào, thưa ông?
- Vì đối tượng nhà thầu là nước ngoài nên chúng ta cũng phải cân nhắc và hết sức thận trọng. Song tôi có thể khẳng định mọi việc sẽ được thực hiện trên cơ sở tôn trọng những quy định của pháp luật. Nếu cơ quan điều tra có đủ cơ sở để khởi tố bị can thì dù đối tượng là ai cũng sẽ phải tuân thủ quy định của luật pháp.
- Ông có thể nói gì về việc 2 ngày trước khi xảy ra sự cố, ngày 24/9, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã thị sát cầu Cần Thơ, nhưng dường như đã không có một dấu hiệu nào cảnh báo?
- Đúng là anh Đức có vào cầu Cần Thơ trước khi xảy ra sự cố. Nhưng cũng như các đoàn nghiệm thu khác của nhà nước, việc kiểm tra ở đây không phải là đi sâu vào chi tiết kỹ thuật, mà chủ yếu là xem tiến độ thực hiện, nghe phản ánh những vướng mắc để có thể xử lý. Các vấn đề kỹ thuật thì cơ quan tư vấn, giám sát chịu trách nhiệm.
- Thiệt hại kinh tế trực tiếp từ tai hoạ cầu Cần Thơ là bao nhiêu, thưa ông?
- Thú thực là hiện chúng tôi cũng chưa tính được mức độ thiệt hại kinh tế chính xác. Điều này sẽ phải chờ kết quả từ Uỷ ban điều tra Quốc gia. Tôi chỉ xin nhắc lại, đây là sự cố lớn nhất chưa từng có trong lịch sử ngành giao thông.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản: Sự cố xảy ra phải có nguyên nhân, khi làm rõ nguyên nhân sẽ xử lý trách nhiệm cá nhân. Thủ tướng đã yêu cầu Ủy ban điều tra phải làm rõ nguyên nhân ở tất cả khía cạnh: chỉ đạo điều hành, thiết kế, thi công. Trên cơ sở kết luận của Ủy ban điều tra sẽ quy trách nhiệm, xử lý cá nhân. |
Việt Anh thực hiện