Đây là một trong những số liệu được nêu sáng 6/9 khi Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 (kỳ báo cáo 1/10/2020-31/7/2021).
Theo báo cáo của Chính phủ, cơ quan chức năng phát hiện hơn 7.000 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế với trên 6.500 người, số người liên quan tăng 24%. Cơ quan chức năng đã chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Đặc biệt, nhiều việc xảy ra trong lĩnh vực y tế, giáo dục xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sơn La...; Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hoá, Quảng Ninh... đã bị khởi tố.
Một số cá nhân trong các cơ quan chức năng có hành vi "bảo kê", bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu đã bị xử lý. Ví dụ, trong vụ án buôn lậu xăng dầu tại Đồng Nai, Ngô Văn Thuỵ, Đội trưởng Kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, đã bị khởi tố. Tại vụ án sản xuất sách giáo khoa giả tại Hà Nội, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội và bốn thuộc cấp đã bị khởi tố.
Tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được Chính phủ nhận định "diễn ra rất phức tạp", nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai. Các vi phạm chủ yếu trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, xã hội hoá y tế và chỉ định thầu mua trang thiết bị y tế; tiêu cực, tham nhũng "vặt"...
Tội phạm gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, trong đó có lực lượng công an tăng đột biến trong năm 2020. Đa số hành vi xảy ra trong thời gian giãn cách xã hội.
Chính phủ cho hay, an ninh mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, nhất là hoạt động tấn công, phát tán mã độc, phần mềm gián điệp mạng nhằm vào hệ thống cổng, trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Lực lượng chức năng đã phát hiện trên 1.500 trang thông tin điện tử có tên miền ".vn" bị tin tặc tấn công, chèn biệt danh, thông điệp tin tặc. Trong số này có hơn 400 trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước...
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Theo báo cáo, trong kỳ, 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, 16 người bị xử lý hình sự; 35 trường hợp bị xử lý kỷ luật.
Qua việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 5.530 cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhà chức trách đã phát hiện sai phạm và xử lý 80 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Tỷ lệ này giảm 44,9% so với năm 2020. Năm 2021, 4 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 350 triệu đồng và 2 người bị xử lý do có vi phạm về kinh doanh trong thời hạn không được kinh doanh sau khi thôi giữ chức vụ...