Được "nhân viên y tế" dặn dò, cụ bà đặt tiền trước cửa nhà để tránh lây nhiễm cho người lấy. Khi cụ nhận ra điều bất thường và chạy ra, số tiền đã không cánh mà bay.
Các chiêu lừa đảo lợi dụng Covid-19 như trên không còn hiếm gặp. Kẻ gian lợi dụng sự sợ hãi, hoảng loạn, và tâm lý đổ lỗi, từ đó làm tăng gánh nặng cho cơ quan chấp pháp vốn đang phải gồng mình bảo vệ những công dân dễ bị tổn thương.
Ở nhiều nơi, cuộc sống thường ngày gần như đã "dừng lại" với mục đích ngăn cản dịch bệnh, một số loại tội phạm vì thế cũng giảm dần. Nhưng số các vụ lừa đảo được ghi nhận liên quan Covid-19 và mối lo ngại về tội phạm thù hận lại có xu hướng gia tăng.
Tại Mỹ vào tháng 2, một thiếu niên người Mỹ gốc châu Á ở thành phố Los Angeles đã bị bạn học bắt nạt và quy kết mang mầm bệnh trong người. Tới đầu tháng 3, tại tâm dịch New York, một hành khách châu Á đi tàu điện ngầm đã bị chửi bới và xịt dung dịch khử mùi.
Theo Liên minh Chống bôi nhọ – tổ chức theo dõi hoạt động của các nhóm thù hận (nhóm người có thái độ thù địch với người thuộc chủng tộc, giới tính, quốc tịch, xu hướng giới... nhất định), nCoV là nguồn cơn làm gia tăng thông điệp phân biệt chủng tộc.
Tội phạm không chỉ dừng lại ở thông điệp. Hàng trăm chiếc khẩu trang đã bị ăn trộm tại thành phố Portland, bang Oregon trong lúc nhân viên y tế đang thiếu thốn. Một số người ở bang Pennsylvania, Illinois, và Missouri đã tự nhận nhiễm Covid-19 và đe dọa ho vào người khác. Nhà chức trách bang Texas cũng đã khởi tố với người đăng tin mình nhiễm Covid-19 sai sự thật trên mạng xã hội. Một số người thậm chí ăn cắp giấy vệ sinh - mặt hàng bỗng trở nên khan hiếm trong đại dịch.
Các chiêu lừa đảo liên quan Covid-19 không chỉ ở Mỹ mà còn xảy ra tại nhiều nước trên thế giới. Cục Tình báo Lừa đảo Quốc gia (Anh) ghi nhận hơn 100 vụ lừa đảo có liên quan tới Covid-19, gây thiệt hại hơn 970.000 bảng Anh. Kẻ gian thường lừa nạn nhân mua thiết bị y tế qua mạng trực tuyến, thường nhắm vào những người dễ tổn thương hoặc bị cách biệt tại nhà.
Ở một số quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Việt Nam... một số kẻ vờ có nguồn hàng khẩu trang lớn và bắt người mua chuyển khoản trước toàn bộ. Sau khi thanh toán, người bán thường biến mất không dấu vết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Tại Nam Phi, một số kẻ loan tin ngân hàng dự trữ quốc gia đang thu hồi tiền giấy và tiền xu dính nCoV trên bề mặt để lừa nạn nhân giao nộp tài sản. Tại Kenya, cảnh sát đã đột kích triệt phá phòng khám rao bán bộ xét nghiệm nCoV giả.
Trước tình trạng tội phạm gia tăng, các nước cũng đặt ra biện pháp chống trả. Bộ Tư pháp Mỹ thiết lập đường dây nóng và lệnh cho công tố viên các địa phương bổ nhiệm người điều phối đặc biệt để ưu tiên truy tố những kẻ lợi dụng Covid-19 để lừa đảo. Ở tâm dịch New York, trưởng công tố viên bang cũng thiết lập đường dây nóng chuyên tiếp nhận tội phạm thù hận.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan khác cũng đang vào cuộc để vạch trần những lời khẳng định sai sự thật về phương thuốc chữa trị Covid-19, ví dụ như bạc, thuốc tẩy, tỏi, chuối,... có thể ngăn ngừa nCoV. WHO còn lập trang web để cảnh báo lừa đảo, ví dụ như kẻ gian giả danh nhân viên của WHO để lừa thông tin thẻ tín dụng,...
Quốc Đạt (Theo AP, The Time)