Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết như trên khi báo cáo Quốc hội công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022, sáng 8/11.
Từ đầu năm đến nay, toàn quốc xảy ra hơn 40.700 vụ phạm tội về trật tự xã hội, hơn 1.000 người chết, 9.000 người bị thương, thiệt hại 2.300 tỷ đồng. Các loại tội phạm như hiếp dâm, xâm hại trẻ em, cướp tài sản, trộm cắp, đánh bạc đều giảm.
Tuy nhiên, một số loại tội phạm gây bức xúc xã hội có chiều hướng gia tăng. Tội phạm giết người tăng 13%; số vụ giết người thân tăng gần 5%. Một số người dùng ma túy dẫn tới ảo giác, người có tiền sử bệnh tâm thần giết người, gây lo lắng, bất an cho người dân. Đơn cử như vụ Đặng Ngọc Long dùng gậy gỗ đánh chết bố đẻ, sau đó phân xác ở Lào Cai; Trần Văn Bình giết vợ ở Phú Yên.
Tội phạm tín dụng đen hoạt động tinh vi dưới dạng hợp đồng thế chấp tài sản, hỗ trợ tài chính, vay tiền qua ứng dụng trên điện thoại di động. Số vụ xâm hại trẻ tuy giảm nhưng số vụ cưỡng dâm, dâm ô có xu hướng tăng, một số vụ xảy ra trong thời gian dài. Đơn cử, vụ chú họ hiếp dâm cháu gái 10 tuổi và giáo viên chủ nhiệm hiếp dâm học sinh lớp 5 tại Thái Bình; bốn công nhân hiếp dâm bé gái 13 tuổi tại Bắc Giang; người quen của ông bà hiếp dâm cháu gái 8 tuổi tại Hải Phòng...
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, tội phạm xâm hại trẻ em tuy có giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Một số vụ đối tượng phạm tội thực hiện hành vi dã man như xâm hại tình dục, xâm hại thân thể, tính mạng; cá biệt có vụ việc chỉ khi có hậu quả chết người mới bị phát hiện, xử lý.
Đó là vụ Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái ở TP HCM có hành vi giết người và hành hạ người khác; vụ Nguyễn Trường Giang ở Hà Nam có hành vi nhốt cháu bé 3 tuổi vào tủ cấp đông; vụ Nguyễn Trung Huyên ở Hà Nội có hành vi đóng đinh vào đầu cháu bé 3 tuổi gây tử vong...
Bà Chu Thị Hồng Thái (Phó chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn) cho biết rất lo lắng khi tội phạm giết người có xu hướng tăng. Vụ ba cô con gái dùng xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên gần đây "đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức xã hội xuống cấp".
"Phải chăng các quy định pháp luật chưa nghiêm minh, nên những kẻ gây án bất chấp luân thường đạo lý để vi phạm pháp luật", nữ đại biểu nói, kiến nghị Chính phủ đánh giá nguyên nhân gia tăng tội phạm giết người thời gian gần đây, nhất là các vụ giết người thân để có biện pháp phòng ngừa.
Theo bà Thái, các cơ quan cần đánh giá hình phạt với tội giết người đã đủ sức răn đe hay chưa. Nhiều vụ giết người xuất phát từ mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày, nhất là có người lạm dụng rượu bia gây mất kiểm soát, gây ra các vụ án thương tâm. Những người này phải được đưa vào diện thường xuyên theo dõi.
"Lực lượng công an xã cần kịp thời hòa giải các tranh chấp ngay từ đầu. Cơ quan chức năng cần lựa chọn một số vụ án giết người điểm để xét xử lưu động, nhằm giáo dục, cảnh tỉnh", bà Thái đề xuất.
Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cũng lo ngại trước tình trạng đối tượng phạm tội là người bị tâm thần chiếm tỷ lệ tương đối cao. Loại tội phạm này chủ yếu xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe như tội cố ý gây thương tích và tội giết người. Tuy nhiên sau khi khởi tố vụ án để điều tra, thường phải đình chỉ vì lý do không cấu thành tội phạm.
"Nguyên nhân dẫn đến loại tội phạm này gia tăng chủ yếu là do người tâm thần bị gia đình ruồng bỏ, xã hội không quan tâm, đặc biệt là sự quản lý không chặt chẽ của cấp chính quyền địa phương", ông Huấn nói, đề nghị Chính phủ ban hành quy định về cơ chế quản lý đối với người tâm thần, các cơ quan kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu phát bệnh và tham mưu cho chính quyền địa phương ra quyết định bắt buộc chữa bệnh.
Phó đoàn Đồng Tháp, ông Phạm Văn Hòa cũng bày tỏ bất an khi có loại tội phạm phát sinh mới như giết người do ghen tuông, tình ái, án mạng trong gia đình... Ông kiến nghị đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là giáo dục nhận thức về pháp luật cho giới trẻ trong nhà trường và ngoài xã hội.
Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận về công tác tư pháp năm 2022.
Viết Tuân - Sơn Hà