Mặt nạ silicon thường được thấy trong các phim tội phạm, hành động của Hollywood, song đang trở thành tâm điểm chú ý ở Trung Quốc sau những vụ việc gần đây liên quan đến tội phạm đeo chúng.
Hồi tháng 3, bốn ngôi nhà ở Thượng Hải đã bị đột nhập và hơn 100.000 nhân dân tệ (350 triệu đồng) đồ vật có giá trị đã bị đánh cắp. Khi cảnh sát xác định được nghi phạm chính, họ phát hiện ra rằng đạo chích 40 tuổi này có một chiếc mặt nạ silicon siêu chân thực, được sử dụng để cải trang thành một người đàn ông lớn tuổi.
Tháng trước, cảnh sát cũng điều tra một loạt vụ trộm ở tỉnh Giang Tô, đã xác định được một người đàn ông cải trang thành công nhân điện bằng cách sử dụng một chiếc mặt nạ siêu thực để giảm thiểu nguy cơ bị nhận dạng.
Các chuyên gia đã đưa ra lời kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn vì lo ngại chúng có thể trở thành phương thức hoạt động của những kẻ vi phạm pháp luật, đặc biệt là khi xét đến việc chúng dễ tiếp cận đến mức nào.
"Làm mặt nạ silicon siêu thực không phải là sai, điều quan trọng là phải quản lý việc sử dụng chúng", luật sư Liu Jiong từ Đại học Hạ Môn nói.
Một vấn đề khác với mặt nạ silicon ở Trung Quốc là chúng được bán rộng rãi thông qua những người bán hàng trực tuyến. Nhà sản xuất luôn cố gắng đảm bảo sản phẩm có kích thước cụ thể theo yêu cầu của người mua và trông giống thật nhất có thể.
Một số doanh nghiệp trên các nền tảng như Taobao bán mặt nạ silicon giống người nổi tiếng. Trong khi những doanh nghiệp khác sẽ chấp nhận bất kỳ đơn đặt hàng nào miễn là khách hàng có thể cung cấp tất cả các chi tiết cần thiết để tạo ra mặt nạ như ảnh, số đo và thậm chí là bản quét 3D.
"Sau khi bạn đặt hàng, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn đến điểm quét 3D tại địa phương. Nếu bạn không thể đến, hãy cung cấp ảnh, số đo đầu và hình ảnh khuôn mặt 360 độ", một người bán hàng trực tuyến tư vấn cho khách hàng.
Không phải ai cũng mua mặt nạ silicon siêu thực với mục đích phạm tội. Một số người chỉ muốn đùa giỡn với mặt nạ của những người nổi tiếng mà họ yêu thích, chơi khăm bạn bè hoặc chỉ đơn giản là tò mò về họ.
Nhưng tạp chí Shine tiết lộ rằng những sản phẩm đắt tiền hơn trong thị trường ngách này thường được mua cho những mục đích rất cụ thể: mở khóa điện thoại của vợ/chồng bằng nhận dạng khuôn mặt, bỏ qua hệ thống nhận dạng khuôn mặt có độ trung thực thấp hoặc chấm công tại nơi làm việc khi làm việc tại nhà.
Mặt nạ silicon chất lượng cao có thể có giá lên tới 23.000 nhân dân tệ (80 triệu đồng) và mất tới một tháng để sản xuất, nhưng một số người bán thậm chí còn đảm bảo hoàn lại tiền nếu mặt nạ không vượt qua được nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại thông minh.
Một số khách hàng trên Taobao xác nhận rằng mặt nạ hoạt động với một số hệ thống nhận dạng khuôn mặt trên điện thoại thông minh, nhưng lại gặp khó khăn với phần mềm tập trung vào các bài kiểm tra màu mắt và da.
Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất mà tội phạm sử dụng mặt nạ silicon để thực hiện các hoạt động bất chính. Tuy nhiên, khả năng sử dụng những hình thức ngụy trang như vậy để vượt qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt là một vấn đề lớn ở nơi diễn ra việc giám sát hầu hết ở khắp mọi nơi như đất nước này.
Cụ thể, tháng 8 năm ngoái, cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định giám sát việc sử dụng và bảo mật công nghệ nhận dạng khuôn mặt - công nghệ đã được sử dụng rộng rãi trên khắp Trung Quốc, cho mọi thứ, từ thu gom rác đến máy phát giấy vệ sinh.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng những sản phẩm này có thể giúp tội phạm trốn tránh nhận dạng hoặc thậm chí tạo điều kiện cho hành vi trộm cắp danh tính hoặc mạo danh bằng cách vượt qua hệ thống nhận dạng khuôn mặt.
Mối đe dọa này rõ ràng, khiến một số trang web thương mại điện tử đã kiểm duyệt các tìm kiếm về mặt nạ silicon.
Các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc như Taobao và Pinduduo hiện đã hạn chế tìm kiếm những loại mặt nạ như vậy.
Hải Thư (Theo CNA, ODD)