Tháng 11/2012, Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) kiểm tra một loạt các loại bánh mì kẹp thịt đông lạnh giá rẻ và bữa ăn sẵn từ các siêu thị và tìm thấy sản phẩm từ ngựa trong 1/3 số "thịt bò" đang được bày bán. Các mẫu hàng hoá này đa số từ "ông lớn" ngành bán lẻ, Tesco, thành lập năm 1919, doanh thu 77 tỷ USD năm 2021.
Do phát hiện rất nghiêm trọng và có khả năng gây thiệt hại lớn cho lợi ích thương mại toàn châu ÂU, FSAI đã dành 2 tháng để điều tra lại. Thời gian này, Tesco hứng chịu cơn thịnh nộ của người tiêu dùng khi thị phần giảm gần một nửa.
Không ai biết vụ gian lận này đã diễn ra bao lâu. Cuộc điều tra của Ireland đã xác định 3 nhà máy là nguồn cung cấp các sản phẩm thịt bò giả đều là công ty con của ABP Food Group, một trong những nhà chế biến thịt bò lớn nhất ở châu Âu .
ABP đổ lỗi cho các nhà cung cấp của mình, ở Hà Lan, Tây Ban Nha và Ba Lan. Phản ứng, chính phủ Ba Lan đã kiểm tra các lò giết mổ ngựa của họ và không tìm thấy bất thường nào.
Trong chuỗi hiệu ứng thịt bò giảm, một loạt các siêu thị khắp Ireland bắt đầu mang những khối thịt bò đông lạnh khổng lồ đi kiểm dịch. Cá biệt, một siêu thị ở Bắc Ireland đã cho thấy 80% số thịt bò trong cửa hàng của họ, đều là thịt ngựa. Các mẫu thịt bò giả, đều là sản phẩm của nhà cung ứng ABP.
FSA của Anh cũng yêu cầu kiểm tra tất c sản phẩm thịt bò trên toàn lãnh thổ. Tình hình ở Anh thậm chí còn đáng buồn hơn. "Thịt bò" trong các món đông lạnh chế biến sẵn tại các chuỗi siêu thị lớn nhất nước, gồm Tesco, Aldi và Findus, có tới 100% là thịt ngựa.
Số sản phẩm này thuộc về Comigel, nhà cung cấp thịt bò giá rẻ cho các siêu thị ở 16 quốc gia. Vụ bê bối từ Ireland và Anh đã nhanh chóng phủ bóng khắp châu Âu. Thịt bò giả lần lượt bị phanh phui ở Đức, Thụy Điển, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ... Hàng triệu người tiêu dùng khắp châu Âu quay lưng với các siêu thị, đổ ra đường biểu tình đòi các chính phủ ra tay quyết liệt hơn để bảo vệ người dân.
Giải thích về nguồn gốc vụ bê bối, FSA các nước cho rằng, ngành công nghiệp thực phẩm đã toàn cầu hóa cao độ trong những thập kỷ gần đây dẫn đến một vài "ông lớn" thống trị lĩnh vực chế biến thịt bò và siêu thị trên khắp châu Âu. Họ mua thịt từ bất kỳ đâu với giá rẻ nhất tại bất kỳ thời điểm nào.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, giá thức ăn gia súc, chi phí năng lượng đều tăng, chất gánh nặng cho các công ty cung ứng thịt bò. Người tiêu dùng cũng tìm lối thoát cho túi tiền eo hẹp của mình bằng cách mua các sản phẩm giá rẻ.
Ngành công nghiệp thịt đã "biến hoá" rất nhanh, bán những thứ "na ná" thịt bò với giá của thịt bò. Đây trở thành mảnh đất bạc tỷ màu mỡ cho các "ông lớn" ngành công nghiệp thực phẩm, nhưng ngược lại, cũng là một thi trường nhập nhèm, và ngày càng ít đạo đức.
Chế biến thịt giả được Interpol kết luận là "anh em ruột" với ma tuý, rửa tiền và tội phạm có tổ chức. Đây là thủ đoạn mới của mafia châu Âu. Xe ngựa vận chuyển ngựa đã được sử dụng làm vỏ bọc cho việc buôn lậu số lượng lớn cần sa giữa Anh và Bắc Ireland và ngược lại. Do hoạt động trấn áp băng đảng ma tuý của cảnh sát châu Âu diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các ông trùm chuyển sang buôn thịt bò giả để "bù lỗ".
Hơn 600 vụ bắt giữ với tang vật hơn 15.000 tấn thịt ngựa không rõ nguồn gốc, trị giá 58 triệu USD được Europol (Cơ quan Cảnh sát Liên minh Châu Âu) thu giữ thời gian này đã minh chứng cho điều đó. Tội phạm có tổ chức liên kết chặt chẽ từ các khâu trộm cắp ngựa, làm giả giấy tờ, vận chuyển ngựa, giết mổ trái phép,
Nhưng đến tận năm 2021, cảnh sát khắp châu Âu vẫn tiếp tục ghi nhận hàng trăm vụ bắt giữ thịt bò giả. Những ông trùm thực sự đứng sau "tội ác châu lục" này vẫn đang bị điều tra. Trong khi đó, đã có những tay buôn vặt vãnh đầu tiên phải ngồi tù.
Tháng 4/2015, Willy Selten, một tay buôn thịt ngựa 45 tuổi, người Hà Lan, bị tuyên án 2 năm 6 tháng tù với cáo buộc mua và chế biến không dưới 330 tấn thịt ngựa. Chỉ riêng trong năm 2011 và 2012, anh ta đã tổ chức dán nhãn thịt bò để bán cho hơn 500 công ty trên khắp châu Âu và hưởng lợi gấp 5 lần.
Ban đầu, các chính phủ trấn an, thịt ngựa không có nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, nhưng các nhà phân tích sức khoẻ cộng đồng hàng đầu của chính phủ Anh chỉ ra rằng không thể chắc chắn cho đến khi biết được nguồn gốc của thịt ngựa. Bộ trưởng Y tế nước này sau đó cảnh báo "có rủi ro, nhưng rất thấp".
Các bệnh ở ngựa thường được điều trị bằng một loại thuốc chống viêm gọi là phenylbutazone, hoặc "bute". Bute bị cấm trong chuỗi thức ăn của con người, vì trong một số trường hợp, nó có thể gây ra bệnh tật đe dọa tính mạng, thiếu máu bất sản hoặc suy tủy xương. Vì không biết điều gì gây ra bệnh, nên không thể thiết lập bất kỳ mức an toàn nào cho dư lượng bute trong thực phẩm của con người.
Châu Âu ban hành một loại giấy phép quản lý ngựa, trong đó ghi nhận bất kỳ lượng bute nào một con ngựa từng nạp vào cơ thể. Nhưng việc giấy phép giả tràn lan, người dân không thể biết, mình đã ăn bao nhiêu thịt ngựa chứa bute.
Kể từ vụ bê bối, chính phủ các nước thay đổi các quy định để giờ đây xác ngựa chỉ có thể được đem đi tiêu thụ sau khi chúng đã được kiểm tra về bute.
Khi "sacndal thịt ngựa" chưa kịp lắng xuống, bê bối chấn động thứ hai đã nổ ra, nhưng ở một ngành công nghiệp khác.
Tháng 8/2016, gã khổng lồ ngành công nghiệp dệt may, Welspun, đã sa vào một vụ bê bối xoay quanh một từ:" Bông Ai Cập". Vào thời điểm đó, Welspun đang sản xuất hơn 45 triệu mét bông cuộn mỗi năm, sản phẩm được quảng cáo là "100% bông Ai Cập" của họ nằm trong số những mặt hàng cotton đắt nhất thế giới. Trong giới dệt may, "bông Ai Cập" là một lời khoe khoang, một sự tự hào.
Nhưng hoá ra, nhãn hiệu lớn nhất không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Năm 2016, một cuộc điều tra nội bộ dẫn đến một phát hiện đáng kinh ngạc: hầu hết sản phẩm "100% bông Ai Cập" của Welspun đều kém chất lượng, và không có xuất xứ Ai Cập.
Nhiều chuỗi siêu thị hoàn lại tiền cho khách hàng và chấm dứt mối quan hệ với Welspun, hiệu ứng lan truyền trong ngành. Các nhà bán lẻ khác, kiểm tra các sản phẩm được Welspun cung cấp đều giả mạo bông Ai Cập.
Công ty bán hàng hóa của mình ở hơn 50 quốc gia và tạo ra doanh thu hàng năm gần một tỷ USD, giai đoạn này đã liên tiếp đối mặt các vụ kiện của người tiêu dùng về hàng giả. Tròn một tuần sau, Welspun mất hơn 700 triệu USD giá trị thị trường. Đó là "cơn đại hồng thủy" cho công ty.
Việc kinh doanh bông là một mê cung, và các chuỗi cung ứng sản phẩm ngày càng phát triển phức tạp. Một chiếc áo phông được bán ở New Delhi có thể được làm bằng bông trồng ở Ấn Độ, pha trộn với bông khác từ Australia, kéo thành sợi ở Việt Nam, dệt thành vải ở Thổ Nhĩ Kỳ, được công ty Na Uy mua và vận chuyển về lại Ấn Độ.
Trong nhiều năm, Welspun đã mua bông thô, sợi và vải được cho là có xuất xứ từ Ai Cập, từ hàng chục nhà cung cấp mà không biết bông không rõ xuất xứ đã len lỏi vào hệ thống của mình từ khi nào.
Nhiều năm gần đây, sự vỡ mộng của công chúng về các sản phẩm giả, gắc mác "100% nguyên chất", hữu cơ, không thuốc trừ sâu để bán giá "trên trời" đã âm ỉ và vụ bê bối của Welspun đánh dấu giọt nước tràn ly.
Điều mà Welspun có thể làm giờ chỉ là hứa hẹn với khách hàng của mình rằng tình trạng lừa đảo như vậy sẽ không thể xảy ra nữa. Nhưng thiện cảm của người tiêu dùng với ông lớn ngành dệt may, khi đó, đã gần như về 0.
Hải Thư (Theo The Guardian, NYT, CBC)