Từ ngày 17 đến 22/6, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 12 (SOMTC 13), với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên. Các nước đối tác đối thoại gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Australia, New Zealand, Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Theo Tổng Cục Phòng chống tội phạm (Bộ Công an), tại Việt Nam chưa xảy ra khủng bố quốc tế. Song từ đầu năm 2012 đến nay, tội phạm này diễn biến phức tạp, lan rộng hầu hết các châu lục, gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia.
Việt Nam cũng đang bị tội phạm công nghệ cao tấn công nhằm vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, mua bán ngoại tệ qua Internet... Qua điều tra hơn 260 đầu mối vụ án, tổng thiệt hại do tội phạm công nghệ cao gây ra ước tính trên 2.000 tỷ đồng.
Một số băng nhóm người nước ngoài nhập cảnh nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, trộm cắp bằng thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông đường truyền tốc độ cao. Đây là lĩnh vực nhạy cảm, hoạt động tội phạm diễn biến phức tạp, số tiền bị chiếm đoạt thường rất lớn. Trong hầu hết các vụ việc xảy ra, khi cơ quan công an nhận được thông tin thì các nghi can cầm đầu đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc nơi kinh doanh.
Tội phạm công nghệ cao còn tấn công bằng phần mềm gián điệp và tổ chức ngày càng chặt chẽ hơn nhằm trộm cắp, phá hoại cơ sở dữ liệu, đưa thông tin nhạy cảm trái phép lên mạng Internet hoặc gây tê liệt hệ thống. Trong 3 tháng đầu năm 2013, công an xử lý 17 vụ việc mới, xác minh giải quyết 22 đầu vụ. Trong số này, nhà chức trách khởi tố hai vụ án; tạm giam 34 bị can.
Trung tướng Đỗ Kim Tuyến. Ảnh: Nguyễn Đông |
Theo trung tướng Đỗ Kim Tuyến (Tổng Cục phó Tổng cục phòng chống tội phạm), tội phạm rửa tiền ở Việt Nam dù còn khá "mới mẻ" nhưng đang là thực trạng đáng lo ngại. Cùng với sự gia tăng thương mại và đầu tư quốc tế đa dạng với nhiều hình thức kinh doanh khác nhau; chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm "rửa tiền hoạt động", trong đó có các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
Qua thông tin liên quan các giao dịch đáng ngờ tại Việt Nam, từ năm ngoái đến nay, công an đã tiếp nhận xử lý 650 báo cáo, trong đó điều tra 2 vụ, thanh tra 4 vụ.
Về cướp biển, Bộ Công an phối hợp với cơ quan chức năng xử lý 15 lượt thông tin về hàng hải, điều tra 2 vụ trộm và cướp tài sản tại các cảng biển Việt Nam; phối hợp với Malaysia và Singapore tổ chức truy tìm và trấn áp, bắt giữ thành công vụ cướp biển có sự tham gia của 11 người quốc tịch Indonesia, giải cứu thành công tàu ZAFIRAH bị tấn công trên biển Indonesia.
Tội phạm buôn bán ma túy cũng đáng báo động khi từ tháng 1/2012 đến tháng 3, cảnh sát phát hiện, bắt giữ hơn 19.000 vụ với gần 30.000 người phạm tội.
Nguyễn Đông