Tôi và vợ kết hôn mấy năm trước và có một con trai. Nhưng năm 2018 cô ấy bỏ đi để lại con cho tôi nuôi.
Tôi tìm hiểu thì biết mẹ vợ đã làm giấy tờ giả cho cô ấy đi xuất khẩu lao động. Bố mẹ tôi thấy cháu không giống bố thì ép đi xét nghiệm ADN. Kết quả làm tôi sốc vì cháu không cùng huyết thống.
Tôi rất đau buồn và xót cho con. Tôi đã gọi điện nhờ mẹ vợ nói cô ấy về ra tòa để giải quyết cuộc hôn nhân và đứa con này nhưng hai người cố trốn tránh. Tôi biết cô ấy đã về Việt Nam. Giờ tôi nên làm thế nào với con trai không cùng huyết thống?
Trần Minh Hiệp
Luật sư tư vấn
Theo khoản 1, 2 điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về ly hôn theo yêu cầu của một bên: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành, tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn, tòa án giải quyết cho ly hôn.
Như vậy, cô ấy đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ chung thủy của vợ chồng nên bạn có quyền yêu cầu ly hôn.
Bên cạnh đó theo khoản 1 điều 35 và khoản 1 điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, TAND cấp huyện nơi vợ bạn đang cư trú là nơi có thẩm quyền thụ lý vụ án ly hôn của bạn. Trước tiên bạn cần xác minh nơi cư trú của vợ mình.
Trường hợp không xác định được, bạn có thể làm đơn gửi đến xã, phường nơi cuối cùng người vợ cư trú để xác nhận rằng vợ bạn đã bỏ đi khỏi nơi cư trú (ít nhất là vắng mặt 6 tháng).
Quá thời hạn 6 tháng sau khi vợ bỏ đi, bạn có thể xin xác nhận của xã, phường sau đó gửi đơn tới tòa án nơi cư trú trước đây của vợ mình để yêu cầu tòa án tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú. Thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú phải được đăng trên báo hàng ngày của trung ương trong ba số liên tiếp và phát sóng trên đài Phát thanh hoặc Đài truyền hình của Trung ương ba lần trong ba ngày liên tiếp.
Sau khi ra thông báo tìm kiếm nhưng vẫn không xác định được thông tin của vợ và tính thời gian cô ấy bỏ đi đã biệt tích hai năm liền trở lên thì bạn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố vợ mất tích. Sau khi, tòa án tuyên bố vợ mất tích, bạn có thể thực hiện thủ tục ly hôn tại nơi mình cư trú.
Vấn đề nuôi con, theo khoản 1 điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Người con này được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên được xem là con chung của vợ chồng bạn.
Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 89 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Như vậy, khi tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn, bạn có thể xuất trình chứng cứ (kết quả xét nghiệm AND) để yêu cầu tòa án xác định cháu bé này không phải con đẻ của bạn. Trong trường hợp được tòa án tuyên cháu bé không phải con đẻ của bạn thì về mặt pháp lý, bạn không có quyền và nghĩa vụ gì với cháu bé.
Nếu bạn không muốn tiếp tục nuôi cháu bé, trong khi người mẹ lại trốn tránh, bạn có thể đề nghị chính quyền địa phương nơi cư trú của mẹ cháu bé hỗ trợ trong việc giao cháu bé cho giao cho ông bà ngoại cháu bé nuôi. Nếu vì một lý do nào đó mà ông bà ngoại cháu bé không nhận nuôi được cháu bé thì đề nghị chính quyền địa phương giao cháu bé cho một cơ sở trợ giúp xã hội để nuôi dưỡng, đồng thời kiến nghị xử lý người mẹ (nếu đã về Việt Nam) về hành vi "Bỏ rơi trẻ em". Đó là một hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại khoản 2 điều 6 Luật Trẻ em 2016 cũng như hành vi vi phạm nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên quy định tại điều 71 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.
Người mẹ có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền 100.000-300.000 đồng (theo điều 54 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013). Hoặc cô ấy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng (với mức phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm) theo quy định tại điều 186 Bộ luật Hình sự 2015.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội