Vậy tôi nên làm gì?
Luật sư tư vấn
Trước hết, việc tranh chấp quyền sử dụng đất cần các bên tự thương lượng, hòa giải trên tinh thần có tình, có lý để giữ gìn quan hệ láng giềng tình nghĩa, đoàn kết. Để việc thương lượng, giải quyết tranh chấp đạt kết quả thì hai bên cần thực hiện một số công việc sau:
Tìm hiểu nguồn gốc thửa đất, qua hàng xóm, cán bộ địa chính, trưởng thôn... Đây là thông tin tham khảo nhưng có ý nghĩa giúp các bên hình dung quá trình hình thành, sử dụng thửa đất của các chủ đất trước đó, tránh hiểu lầm không đáng có.
Mời công ty đo đạc địa chính đo lại diện tích thực tế của 2 thửa đất. Mốc giới của mỗi thửa đất sẽ do chính người đang sử dụng đất chỉ dẫn cho kỹ thuật viên đo đạc trước sự chứng kiến của hộ giáp ranh mà đang có tranh chấp. Kết quả của việc đo đạc là bản Hồ sơ kỹ thuật thửa đất mà trên đó thể hiện chính xác tọa độ của thửa đất. Sau đó, các chủ đất sẽ tự so sánh để biết diện tích thực tế có phù hợp với diện tích trên giấy chứng nhận của mỗi hộ hay không.
Tiếp theo, một trong các bên đề nghị cán bộ địa chính cung cấp bản đồ địa chính qua các thời kỳ cũng như sổ mục kê (ghi chép tên người sử dụng đất, số thửa, tờ bản đồ, thời điểm bắt đầu sử dụng, mục đích sử dụng đất, các thông tin ghi chú khác). Đây là những dữ liệu quan trọng xác định có việc cấp chồng lấn hay không.
Kiểm tra biên lai nộp thuế của mỗi bên để xác định nghĩa vụ của người sử dụng đất. Trên biên lai nộp thuế sẽ thể hiện loại đất, diện tích, số tiền thuế phải nộp, kỳ nộp thuế, thời điểm nộp. Về nguyên tắc, người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp thuế bất luận nguồn gốc sử dụng đất là do khai hoang, lấn chiếm, được nhà nước giao hay nhận chuyển nhượng của người khác... Nói cách khác cứ sử dụng đất thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật. Do đó, việc nộp thuế cũng không đồng nghĩa được nhà nước xác nhận người nộp thuế có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với diện tích đất nộp thuế. Tuy nhiên, các biên lai nộp thuế có giá trị chứng minh trong trường hợp hồ sơ, sổ sách đã thất lạc hoặc không được lưu trữ.
Nếu công tác kiểm tra nói trên vẫn chưa làm rõ được việc cấp sổ có bị chồng lấn hay không thì cần kiểm tra hồ sơ kê khai khi cấp giấy chứng nhận của mỗi bên. Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận được sao lưu trong hồ sơ địa chính của UBND cấp xã. Phòng Tài nguyên và môi trường thuộc UBND cấp huyện lưu trữ, quản lý hồ sơ gốc xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thông thường, trong hồ sơ sẽ có chữ ký của các hộ giáp ranh đối với thửa đất xin cấp cấp giấy chứng nhận.
Sau khi thực hiện các công việc nói trên mà thấy có căn cứ rõ ràng xác định việc cấp giấy chứng nhận có sự chồng lấn, các bên làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại giấy chứng nhận (đăng ký biến động) theo quy định tại Điều 106 Luật Đất đai cho phù hợp với hiện trạng sử dụng.
Trường hợp không làm rõ được nội dung tranh chấp thì bên có yêu cầu có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu TAND cấp huyện nơi có đất giải quyết. Sau khi thụ lý hồ sơ, tòa án sẽ xác minh các thông tin nói trên để có căn cứ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Giấy chứng nhận của bạn được tòa án xác định có chồng lấn (diện tích thực tế nhỏ hơn so với với tích trên giấy chứng nhận), bạn có quyền yêu cầu người đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn trước đây trả lại cho bạn số tiền tương ứng với phần diện tích bị thu hẹp cũng như các thiệt hại (như mặt tiền thửa đất bị thu hẹp hoặc thửa đất không còn vuông vắn, khó khăn trong việc xây dựng hoặc chuyển nhượng cho người khác... dẫn đến làm giảm giá trị của cả thửa đất), nếu như trước đây họ có lỗi trong việc sử dụng, kê khai với diện tích bị chồng lấn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội