Tôi là con thứ hai trong một gia đình đông anh em ở một vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Phước. Tôi thật sự không hiểu nổi ước mơ giản đơn được đến trường của mình lại trở thành nỗi buồn của mẹ và người dân xung quanh.
Gia đình tôi mưu sinh bằng nghề nông dân, suốt ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Khi còn chưa đánh vần được mặt chữ thì chị em tôi đã phải theo bố mẹ lên nương từ rất sớm, nhỏ thì làm việc nhỏ chẳng hạn như lấp phân, bỏ lúa… Nhìn bố mẹ làm việc quần quật quanh năm mà vẫn không đủ ăn, tôi lại ước ao mình sẽ học thật giỏi để mai này thoát khỏi cảnh cơ cực. Tưởng chừng chỉ cần cố gắng thì ước mơ sẽ dễ dàng thực hiện như tâm trí một đứa trẻ thơ từng nghĩ, nào ngờ để đạt được điều đó, tôi đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn chờ sẵn.
Thời đó, do thái độ trọng nam khinh nữ, nên hầu hết các chị em gái chỉ học hết cấp II là phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ, rồi lấy chồng. Tôi lì lợm tìm mọi cách để được học tiếp cấp III. Tôi tận dụng ngày nghỉ đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống, còn đêm thì học miệt mài.
Có lần mẹ bắt nghỉ học, nhưng tôi vẫn ngoan cố không chịu nghỉ, nên mẹ mang hết sách vở ra đốt. Nhìn đống tro tàn, tôi buồn trong vô vọng. Thế là ngày đó đầu óc tôi cứ trống rỗng, đi lang thang trên con đường đến trường, đến lớp học. Tôi đứng bên góc đường nhìn theo các bạn vô lớp mà nước mắt tủi thân tuôn ra từng dòng. Khóc chán, tôi lại lang thang về nhà, đi từ xa đã thấy bố thấp thỏm đầu ngõ. Vừa thấy tôi, bố kéo tay vào góc bếp: “Con đi đâu cả ngày vậy? Trưa đi làm về bố biết chuyện vội đi mua thiếu cho con mấy cái này mà học tạm nè”. Tôi mừng rỡ ôm chầm lấy mấy quyển vở rồi cười toe toét cám ơn bố rối rít. 3 năm cấp III của tôi cũng trôi qua bởi có bố gom góp tiền lẻ phụ tôi đóng học phí.
Đến khi tôi ôn thi đại học thì bố bị bệnh nặng phải nhập viện mổ sỏi thận hai bên. Ca phẫu thuật thành công cũng là lúc gia đình công nợ chồng chất. Cả nhà tôi ai cũng nghỉ học đi làm kiếm tiền trả nợ. Lúc bấy giờ gác ước mơ sang một bên, tôi đi làm công nhân phụ giúp gia đình trả bớt nợ. Ngày trở về để ôn thi vào đại học là ngày tôi bị mẹ chửi một trận tơi bời, không chỉ thế mà từng ngày trôi qua tôi phải sống trong đau khổ vì sự khinh bỉ chê bai của người đời “Mơ mộng hão huyền? Con gái học làm gì cho lắm?”, rồi còn cả những trận đòn vô cớ từ mẹ sau mỗi lần tức giận. Lúc đó Tôi chỉ biết khóc cho vơi nỗi buồn, rồi lại lặng lẽ học bài.
Trước khi về ôn thi, tôi đã suy nghĩ kỹ và hạ quyết tâm, vì thế tôi không nhìn ai và bỏ ngoài tai mọi thứ gây cản trở niềm đam mê cháy bỏng. Nhưng không ngờ sự việc tồi tệ hơn tôi tưởng tượng. Có lúc không chịu được, tôi chạy ra ao nhỏ ở phía sau vườn tính gieo mình xuống dòng nước để thoát khỏi kiếp con nhà nghèo, song nghĩ đến công ơn của bố, tôi lại không đành lòng, thương biết bao cảnh bố giấu mẹ để lặng lẽ đi mua vở cho tôi. Bố vẫn thường thủ thỉ chuyện buồn vui và an ủi lúc tôi thất vọng nhất: “Con đừng lo, lúc nào bố cũng ủng hộ con. Nếu con đã quyết tâm thì hãy thực hiện ước mơ tới cùng, cố lên con gái! Bố tin con sẽ làm được”.
Ngày tôi đậu đại học, bố là người vui nhất. Cuộc sống nơi Sài thành tuy thiếu thốn, vất vả cảnh vừa học vừa làm, nhưng bù lại tôi cảm thấy thoải mái vì tránh được những đòn roi của mẹ và lời mỉa mai của người dân. 4 năm sau, tôi ra trường đạt bằng khá và nhanh chóng có việc làm. Giờ đây tôi có điều kiện giúp các em học hành tới nơi tới chốn, kinh tế gia đình cũng vực dậy rõ rệt.
Nghĩ lại quãng thời gian đó rất buồn nhưng tôi không trách mẹ. Tôi biết vì cuộc sống quá khó khăn nên mẹ mới như thế? Tôi cám ơn thượng đế đã ban cho tôi một người bố vĩ đại. Quả thật nếu không có bố chắc tôi đã gục ngã bao lần. Tôi cũng hãnh diện vì là người nữ đầu tiên trong làng dám vượt qua ranh giới dám sống với đam mê để đi đến thành công. Sau tôi, đã có rất nhiều các cô gái thành đạt trên con đường đã chọn, đặc biệt mẹ và mọi người đã thay đổi hoàn toàn thái độ phong kiến.
Chẳng có gì là không thể đúng không các bạn? Ước mơ thì rất nhiều nhưng điều quan trọng là chúng ta có dám nghĩ, dám làm, dám sống với ước mơ hay không? Tôi tin rằng chỉ cần kiên quyết cố gắng thực hiện theo đuổi đến cùng nhất định không từ bỏ ước mơ, chắc chắn một ngày không xa ước mơ sẽ thành hiện thực.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Khuyên