Nhà tôi khi xưa ở cạnh quốc lộ 1, đoạn đường chạy ngang thị xã. Khu vực này cứ đi chừng một km là lại có một quán cà phê, những chỗ đông đúc thì vài ba quán ngay cạnh nhau. Quán nào cũng có dàn loa chơi nhạc ầm ầm.
Những bài nhạc đó tôi nhớ hoài, tới nỗi bây giờ có thể hát đúng từng câu, từng chữ. Hầu hết các bài hát đó tôi cũng chẳng biết tên là gì, tác giả là ai, hay được sáng tác lúc nào, ở đâu?
Nội dung bài hát thì na ná như nhau: những mối tình dang dở, những câu chuyện tình đơn phương, nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà, những mong ước bình thường trong cuộc sống.
Cứ lâu lâu tôi lại được nghe bài hát mới. Đó là các cuốn băng cassette được phát hành "có tem" và được các quán cà phê mua về. Một cuốn băng, họ thường phát một lần trong trong một đêm rồi sau đó lại phát nhạc vàng. Các anh công an phường thi thoảng đến phạt rồi lại thôi, dần dà chỉ nhắc nhở "Ở trên đang siết chặt"... Khi đấy thì các quán lại lôi các băng nhạc có tem kia ra phát.
Mà cái món nhạc có tem đó là gì? Tôi không biết. Có lẽ những bài hát đó... dở quá nên tôi nghe hoài mà có nhớ được gì đâu. Mãi mới có một bài nghe tàm tạm, đó là bài Mưa bụi. Sau đó thì dòng nhạc trữ tình và các bài hát nhạc Hoa lời Việt phát triển, tôi mới được nghe những bài như Giọt sương trên mi mắt.
Đó là sự phát triển của dòng nhạc vàng trong tâm trí của tôi, bắt đầu từ cuối những năm 80 đến cuối những năm 90. Bây giờ thì nhạc vàng vẫn lưu hành, người ta gọi là Bolero.
Bolero thì cũng là một dòng nhạc, kiểu như rock chẳng hạn. Còn nội dung thì tùy, cái tên Bolero có lẽ cũng chỉ là một cách để hợp thức hóa những bài hát mà ai cũng nghe, ai cũng hát, còn có cấp phép hay không thì không ai biết.
Cho nên tôi cảm thấy buồn cười khi nghe nói tới chuyện cấp phép hay thu hồi giấy phép lưu hành. Những bài hát bị Cục Nghệ thuật Biểu diễn đem ra xem xét ấy, vì một cái lý do kỳ cục nào đấy mà lũ trẻ 8x đều đã nghe, đã hát, nhưng chỉ biết tên có vài bài. Còn dị bản thì chả biết cái nào là cái nào.
Bản Biển nhớ chẳng hạn, có chỗ thì hát "ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang", có chỗ thì lại "ngày mưa tháng nắng còn buồn, vẳng tai nghe ngóng tin xa". Lúc này thì không biết bản nào là bản gốc, nhưng chắc chắn một trong hai là sai. Còn vì sao không ai chịu thẩm định và cấm cái dị bản cho đừng sai lệch ý của tác giả thì... ai cũng có cách hiểu của họ.
Cái sự cấp phép lưu hành đó đòi hỏi một tiền đề khiến cho sự cấp phép hoàn toàn vô dụng. Để cấp phép thì phải có người xin. Các nhạc sĩ đương hành nghề thì họ còn có thể đi xin, chứ các nhạc sĩ đã mất từ lâu, hay già yếu quá không còn muốn làm gì, hay đơn giản hơn là họ chả buồn đi xin cấp phép thì chúng ta làm gì?
Nếu dùng cái logic kỳ lạ đó thì nhiều bài hát trong những vở tuồng cải lương, những bản vọng cổ, hay những câu hát quan họ chắc đều không được lưu hành, bởi vì đâu có ai đi xin giấy phép cho họ. Các tác giả ấy nhiều người đã quy tiên hay thậm chí không biết tác giả là ai nữa.
Những việc cấp phép và dừng lưu hành các bản nhạc vì vậy chẳng có hiệu quả gì. Đối với phần đông người dân đã nghe và hát những bài hát đó thì họ đâu thể bỏ chúng ra khỏi đầu. Còn với những ai chưa nghe thì họ sẽ... kéo nhau đi nghe. Ngày xưa, khi người ta dùng băng cassette mà các bài hát đó vẫn được hòa âm, thu âm thì ngày nay chúng cứ tràn lan trên mạng internet.
Chắc vì vậy mà mấy hôm nay người Việt Nam nào gặp tôi cũng hỏi là có biết bài Con đường xưa em đi không. Khi tôi nghe nói tới việc cấm lưu hành các dị bản bài hát này, tôi lắc đầu ngạc nhiên. Chả là tôi cứ nghĩ bài hát này nằm trong danh sách nhạc vàng và vẫn bị cấm cho tới bây giờ chứ.
>> Xem thêm: Tác giả 'We don’t talk anymore - Remix' ám chỉ Sơn Tùng đạo nhạc
Video được xem nhiều: Chàng trai bắt được ổ cá trăm con dưới gốc rạ
Chia sẻ video, bài viết của bạn tại đây.