Video về người phụ nữ trung niên ăn mặc phong phanh, bị chồng xích cổ trong nhà kho giữa thời tiết 0 độ C ở huyện Phụng Hiền, tỉnh Giang Tô tháng trước gây phẫn nộ khắp Trung Quốc. Giới chức ban đầu cho hay người phụ nữ mắc bệnh tâm thần, có 8 con với chồng và cuộc hôn nhân năm 1998 là hợp pháp, đồng thời không phải là nạn nhân của hành vi buôn người.
Tuy nhiên, sau khi dư luận lên án mạnh mẽ, chính quyền Phụng Hiền đã bắt người chồng và hai nghi phạm khác với cáo buộc buôn bán người. Vụ án làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về nạn tảo hôn, quyền phụ nữ và bảo vệ người tâm thần ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc hơn để ngăn chặn nạn mua bán người ở nước này.
![Người phụ nữ bị xích trong nhà kho ở huyện Phụng Hiền, tỉnh Giang Tô trong video hồi tháng 1. Ảnh:Hexun](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2022/02/21/2cf8d0de-decc-40a9-9b2c-15af79-2248-8215-1645427722.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6q3hgr659FN1-evfLHEc3A)
Người phụ nữ bị xích trong nhà kho ở huyện Phụng Hiền, tỉnh Giang Tô trong video hồi tháng 1. Ảnh:Hexun
Chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ ở Trung Quốc và quan niệm trọng nam khinh nữ đã dẫn tới mất cân bằng giới nghiêm trọng, khiến hàng chục triệu đàn ông Trung Quốc không lấy được vợ.
Một số gia đình, đặc biệt ở vùng nông thôn, thường mua bé gái mồ côi hoặc con nhà nghèo về làm dâu cho con trai, dù luật pháp Trung Quốc cấm tảo hôn từ năm 1950.
Huang Zhongliang, giáo sư Viện Nghiên cứu An toàn Công cộng của Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho hay đa số tội phạm buôn người là đàn ông có trình độ văn hóa thấp. Người mua phụ nữ chủ yếu là đàn ông độc thân muốn có con để nối dõi tông đường, theo nghiên cứu năm 2019 của Huang.
Phụ nữ bị bắt cóc đa phần trong độ tuổi 14-30, bị bệnh tâm thần hoặc là người nước ngoài. Chỉ riêng năm 2019, khoảng 4.571 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em được lập hồ sơ trên toàn quốc.
Theo luật hình sự Trung Quốc, hình phạt với tội buôn bán phụ nữ và trẻ em là từ 5 năm tù tới chung thân hoặc tử hình. Tuy nhiên, không giống hình phạt buôn bán động vật hay cây cối quý hiếm, khi người mua và người bán đều đối mặt hình phạt như nhau, án phạt với kẻ mua phụ nữ và trẻ em nhẹ hơn so với kẻ bán.
Luo Xiang, giáo sư Đại học Khoa học Chính trị và Luật ở Bắc Kinh, cho hay tội phạm buôn người và mua người có liên quan tới nhau, nhưng khung hình phạt với hai hành vi lại "rõ ràng không giống nhau".
"Đó là tội nghiêm trọng nhưng hình phạt lại không tương xứng", ông viết trong bài đăng trên WeChat tháng này.
Khi luật hình sự ban hành lần đầu năm 1979, Trung Quốc không có quy định về hình phạt với người mua hay buôn bán phụ nữ và trẻ em. Luật sửa đổi năm 1997 quy định nếu người mua không lạm dụng phụ nữ hoặc trẻ em bị buôn bán, không ngăn cản nạn nhân về quê cũ, họ có thể được giảm án hoặc miễn ngồi tù.
Luật sửa đổi năm 2015 loại bỏ quy định miễn phạt tù cho người không lạm dụng hoặc không cản trở công tác giải cứu nạn nhân, chỉ quy định những người này được hưởng "tình tiết giảm nhẹ".
Trong bản kế hoạch do chính phủ Trung Quốc đề xuất năm ngoái, giới chức thừa nhận cần trấn áp "bên mua" với nạn buôn người và xây dựng mạng lưới cộng đồng mạnh hơn để ngăn cản những trường hợp này. Tuy nhiên, khung hình phạt cho người mua phụ nữ, trẻ em tới nay vẫn chưa thay đổi.
Trường hợp của Ma Panyan ở huyện Vu Sơn, tây nam thành phố Trùng Khánh, gây xôn xao dư luận Trung Quốc vài năm trước. Bố của Ma thường xuyên đánh đập vợ con, nên mẹ cô đã ra tay sát hại ông rồi bỏ trốn. Ma và hai chị gái được chú ruột nhận nuôi, nhưng năm 2001, khi Ma 12 tuổi, chú bán cô cho Chen Xuesheng với giá 7.000 tệ (1.100 USD) và 250 kg gạo.
Ma sinh con đầu lòng năm 14 tuổi và con thứ hai năm 19 tuổi. Khi cô trốn thoát và đệ đơn ly hôn vào năm 2016, tòa án địa phương từ chối xét xử Chen tội cưỡng hiếp năm Ma 12 tuổi, vì đã quá thời hiệu khởi kiện 10 năm.
Người duy nhất bị trừng phạt trong vụ án là một cán bộ đã cấp giấy chứng nhận kết hôn vắng mặt cho Chen và Ma khi cô chưa đủ 18 tuổi.
"Tôi luôn cảm thấy mọi chuyện chưa kết thúc. Tôi không thể bắt đầu lại cuộc đời tới khi được giải thích", Ma, hiện 33 tuổi, nói. "Tôi muốn những người đã làm tổn thương tôi phải xin lỗi".
Huang Simin, luật sư ở Vũ Hán, người đã xử lý nhiều vụ án tương tự, cho hay trường hợp của Ma cho thấy khó khăn khi đưa những kẻ buôn người ra trước công lý.
"Trong quá trình làm luật, phụ nữ và trẻ em không được coi là bình đẳng với đàn ông", bà nói. "Điều này không được cân nhắc khi quy định hình phạt với tội phạm".
Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng không cần tăng thêm hình phạt cho tội mua người, bởi ngoài án tù tối đa ba năm, kẻ mua có thể bị phạt vì các hành vi phạm tội liên quan như cưỡng hiếp, gây thương tích hoặc cầm tù.
"Hành vi cưỡng hiếp có khả năng xảy ra cao hoặc thậm chí không thể tránh khỏi sau vụ mua bán, mà hành vi này đã được coi là trọng tội với khung hình phạt cao theo luật", Che Hao, giáo sư Đại học Luật Bắc Kinh, viết trong bài báo đăng trên tài khoản WeChat của Tạp chí Luật học Trung Quốc.
Luật sư Huang giải thích các nhà lập pháp có thể nghĩ rằng hình phạt nhẹ cho hành vi mua người có thể khuyến khích người mua không cản trở nỗ lực giải cứu, hay không lạm dụng nạn nhân. Tuy nhiên, cô cho rằng trên thực tế, đây chỉ là suy nghĩ viển vông, bởi người mua hiếm khi bị truy tố các tội liên quan như cưỡng hiếp hay giam giữ người trái pháp luật.
"Buôn người là một quá trình phức tạp", Huang nói. "Bản thân hành vi mua người đã vi phạm chuẩn mực đạo đức con người, còn hành vi lạm dụng và cưỡng hiếp không nên tách rời hành vi mua người".
Các học giả pháp lý và chuyên gia Trung Quốc cho rằng tăng án tù với người mua có thể là giải pháp, nhưng chỉ tăng hình phạt thôi là chưa đủ.
"Luật hình sự là phương án cuối cùng của quản trị xã hội học và giải quyết được rất ít vấn đề nếu có", giáo sư Luo nhận định. "Thật viển vông khi kỳ vọng có thể xóa bỏ hành vi mua người bằng cách tăng hình phạt".
Wang Fan, luật sư ở Thượng Hải, người đã xử lý một số vụ buôn người, cho rằng cần sửa luật, nhưng tìm kiếm và giải cứu phụ nữ, trẻ em còn quan trọng hơn. Wang cho rằng tăng hình phạt với kẻ mua không phải là biện pháp răn đe, bởi thậm chí "một số người thân và bạn bè của cán bộ thực thi pháp luật cũng mua vợ".
"Trong những trường hợp này, họ không có động cơ để tiến hành điều tra và đưa ra hình phạt", cô nói.
Huang cũng đồng ý với Wang. "Đặc biệt ở vùng nông thôn, nơi mọi người sống theo chế độ phụ hệ", Huang nói. "Cán bộ thực thi pháp luật nào sẵn sàng chống lại người quen, người thân hay bạn bè của họ?"
Buôn người, đặc biệt là buôn bán phụ nữ và trẻ em, vẫn là vấn đề nghiêm trọng toàn cầu mà chưa quốc gia nào loại trừ được, theo Feng Yuan, nhà hoạt động nữ quyền kiêm người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Bình đẳng tại Bắc Kinh.
"Chừng nào còn bất bình đẳng giới và nhà nước còn hành động chưa đủ thì chừng đó vẫn còn nạn buôn người", Feng nói.
Cô cho rằng cần phải cân nhắc hình phạt cho kẻ mua người, đồng thời tăng cường thực thi pháp luật, giáo dục và nâng cao nhận thức, hỗ trợ nạn nhân và con cái họ.
"Chúng ta cũng nên tập trung vào trách nhiệm của chính phủ trong phòng chống buôn người, giải cứu nạn nhân, buộc giới chức phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình và hỗ trợ một cách có định hướng cho nạn nhân", cô nói. "Chỉ tập trung vào hình phạt không phải là cách nâng cao nữ quyền và phớt lờ nguyên nhân gốc rễ".
Hồng Hạnh (Theo SCMP)