Đồng cảm với câu chuyện "Bỏ việc văn phòng, hai cử nhân đi bán gỏi ốc", nhiều độc giả VnExpress chia sẻ câu chuyện thành công của bản thân khi bỏ bằng Đại học ra ngoài làm kinh doanh:
Cách đây 6 năm, tôi ra trường và làm nhân viên văn phòng. Khi đi làm được hơn một năm thì tôi thấy công việc giấy tờ rất nhàm chán và không phù hợp mình, vì tôi thích kinh doanh.
Và tôi đã ra quyết định táo bạo - ra làm kinh doanh. Nhưng khổ nỗi nhà nghèo, chẳng ai hậu thuẫn, ra ngoài không có vốn, vậy là tôi làm xe nước mía ra bán buôn. Nhờ sự nhanh nhẹn thích nghi, và thay đổi cách làm, tôi bán rất đắt hàng và chỉ một năm sau đã mua được đất. Làm công việc đó được 11 tháng, tôi lại đổi qua nghề khác và sang lại xe nước mía do thấy có lời nhưng khó mở rộng phát triển. Và thêm một lần đúng đắn nữa, giờ tôi đang làm công việc mới được 4 năm, mọi thứ đều tốt đẹp và tôi đã mua được nhà lầu, sắm được mấy chiếc xe hơi.
Lúc tôi mới ra ngoài kinh doanh, ai cũng chỉ trích, nói học Đại học đi bán nước mía lề đường. Tôi không quan tâm ai nói gì, cứ cắm đầu theo ước mơ làm giàu của mình. Tôi chỉ nghĩ cứ chăm chỉ làm, cần cù bù thông minh, làm siêng năng không hại ai, trời có ngày thương và tôi đã thành công, rất thành công.
Bỏ một cái tốt để đến với cái tốt hơn âu cũng là chuyện thường tình, và nên ủng hộ. Có một số người nói rằng, bán ốc thì không cần học cao (có nghĩa là họ đã lãng phí tài nguyên của xã hội khi mà có học thức cao mà lại đi bán ốc). Nhưng họ chưa hiểu một điều là người học cao, có đam mê kinh doanh, đam mê làm bếp thì cơ hội thành công, thậm chí rất thành công sẽ cao hơn rất, rất nhiều những người chỉ có nghề mà thiếu kiến thức. Ví như, người có kiến thức họ sẽ biết tập trung cho an toàn thực phẩm - linh hồn của ngành ăn uống, nhà hàng, họ cũng sẽ biết cách làm cho món ăn phong phú, cách thức phục vụ chuyên nghiệp và phù hợp.
Trước kia tôi cũng học Đại học. Nhưng từ ngay trên trường đã đi buôn quần áo vì bản thân tôi ghét công việc kế toán, sau này phải ngồi một chỗ. Tốt nghiệp Đại học xong, tôi không đi xin việc, cất tấm bằng đi, lăn lộn 3 năm đi kinh doanh, giờ lợi nhuận ròng hàng tháng hơn 2 tỷ. Vì làm ăn chung nên riêng tôi cũng được hơn một tỷ. Sau nửa năm, đã dư sức tiền mua nhà, mua xe ở Sài Gòn. Nhưng tôi tính tích cóp thêm nữa để mua được nhiều hơn, tích tiểu thành đại. Tại sao học Đại học ra trường đi làm, cứ lặp lại như một con robot? Nếu không thấy thích thì nghỉ thôi.
Tôi là kế toán trưởng, giờ bỏ nghề đi bán khoai. Thiết nghĩ các bạn đừng có nói là tốn tiền cha mẹ đi ăn học xong rồi lại bỏ phí. Chạy theo đam mê là điều đáng để đánh đổi một vài lần trong cuộc sống, còn chuyện đi học cũng sẽ bổ trợ cho bạn khi làm kinh doanh. Ví dụ như mình sẽ có lợi thế về quản lý tài chính và dự toán chi phí.
Nếu họ có tài năng và đam mê với công việc họ đã chọn, thì với kiến thức, trình độ, họ có thể nâng tầm một công việc bình thường, tạo ra lợi ích lớn cho xã hội. Tôi từng đọc một bài viết về Thạc sĩ kinh tế đi bán bánh tráng dừa. Cả một vùng quê rộng lớn, hàng trăm hộ bán bánh tráng dừa, chị ấy cũng bán nhưng bán qua đường xuất khẩu. Làm gì không quan trọng, quan trọng là cách mà họ sử dụng những gì họ được học, sử dụng trình độ để nâng tầm công việc để tạo ra giá trị lớn hơn.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.