Người gửi: Mỹ Hà
Thật may mắn, năm 2007 tôi biết được thông tin một trường đại học dân lập tuyển sinh hệ trung cấp (chính quy, không phải hệ vừa học vừa làm) học vào ban đêm. Tôi đã gom hết tiền dành dụm để đăng ký học.
Học được một năm, tôi nhận thấy sự quan tâm chưa đúng mức của nhà trường dành cho lớp ban đêm. Tôi thật sự không quá buồn lòng vì điều đó. Lớp chúng tôi chuẩn bị vào chuyên ngành thì trường cho tôi biết là ngành tôi đăng ký học khi xin xét tuyển vào trường không đủ học viên. Tôi phải chuyển sang học ngành khác hoặc là chuyển lên học buổi sáng, còn không thì nghỉ học.
Như vậy, thật sự là ép tôi quá. Ban ngày tôi phải đi làm vì kế sinh nhai, 5h chiều về thì vội vã đi học ngay. Tôi không đi làm thì đến sống còn khó chứ nói gì đến việc đi học. Còn nếu ép tôi chuyển một ngành không đúng nguyện vọng, sở thích của mình thì có phải trường đã bóp chết ước mơ của tôi?
Hằng năm, khi học sinh chuẩn bị thi vào đại học, chúng ta tổ chức những đợt tư vấn tuyển sinh để các em nhận định chính xác năng lực và ước mơ của mình. Nay, chỉ vì sự thiếu tính toán của nhà trường mà đành lòng đẩy tôi ngày một xa hơn với ước mơ của mình, bắt buộc học một ngành không đúng nguyện vọng sở trường.
Hậu quả sẽ ra sao nếu tôi vẫn miễn cưỡng học? Không chỉ một mình tôi, nhiều bạn cùng lớp do sợ không được đi học nữa đã lập tức chuyển ngành. Rồi trường sẽ đào tạo ra những con người không hề có sự yêu thích với nghề. Hậu quả đó ai gánh chịu?
Bản thân chúng tôi và xã hội đều biết rằng trường dân lập là một hình thức kinh doanh nhưng kinh doanh giáo dục phải là một trong những ngành phải đề cao đạo đức kinh doanh nhất. Như vậy có phải là lừa đảo?
Trong nền kinh tế thị trường lạm phát như hiện nay, nếu là kinh doanh thì hãy quy ra tiền một năm qua tôi bỏ công sức tiền bạc ra đi học. Nếu tôi bỏ tiền bạc thời gian đó ra đầu tư một thứ gì khác thì ắt hẳn một năm sau đã sinh lời. Nay tôi đang đứng trước tình thế bị người ta làm cho mất trắng công sức và tiền bạc.
Các em học sinh chuẩn bị thi vào đại học luôn lo lắng chọn sai nghề để rồi phải hối tiếc, phải làm lại. Còn tôi, đã mất 6 năm tuổi trẻ cho những cuộc mưu sinh. Vậy tôi còn bao nhiêu thời gian để làm lại? Nếu tôi chấp nhận học sai ngành để được tiếp tục đi học, tôi chấp nhận một cuộc giao dịch không sòng phẳng thì tương lai của tôi sẽ còn đi về đâu nữa, 6 năm phải chăng là chưa đủ cho một giấc mơ?