![]() |
Thày Đỗ Việt Khoa. Ảnh: V.K. |
- Lý do nào khiến ông ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 12?
- Tôi ứng cử sau khi cân nhắc rất kỹ. Điều tôi băn khoăn nhất là những tồn tại của ngành hiện nay quá lớn. Ngoài tiêu cực trong thi cử, vẫn còn tồn tại nạn tham nhũng, cửa quyền của một số cán bộ giáo dục, việc thất thoát trong xây dựng trường lớp, mua sắm đồ dùng học tập, lãng phí trong phê duyệt đề tài khoa học... Tất cả những cái đó làm cho nền giáo dục chậm tiến. Một mình Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo không thể giải quyết hết ngay một lúc được. Tôi hy vọng sẽ đem tiếng nói của ngành đến Quốc hội, cùng Quốc hội giải quyết được phần nào những vướng mắc đó.
- Khi ứng cử, gia đình, bạn bè và nhà trường nơi ông công tác đã phản ứng thế nào?
- Gia đình lúc đầu lo tôi bận dạy học, không có thời gian làm việc khác, nhưng rồi sau đó cả nhà cũng ủng hộ. Còn nhà trường thì do tôi mới quyết định ứng cử nên thày cô trong trường chưa biết. Nhưng bạn bè thân hữu thì đã biết và đều rất ủng hộ.
- Ông nghĩ sao khi có người cho ông là "gàn dở" khi ứng cử đại biểu Quốc hội?
- Bạn bè, người thân mà nói câu đó thì mình cũng phải xem xét lại có gàn hay không. Nhưng không, vậy thì mình yên tâm rồi. Hơn nữa mình tự biết có gàn hay không chứ? Vì sau vụ tố cáo tiêu cực kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa qua, tôi vẫn đứng lớp. Niềm vui, sự tự tin của tôi từ trước đến nay vẫn là sự quý trọng, gần gũi, chia sẻ của các em học sinh và các bạn đồng nghiệp.
- Ông được coi là người tiên phong chống tiêu cực thi cử. Nếu trúng cử, việc giám sát, phát hiện tiêu cực sẽ là nhiệm vụ của đại biểu. Vậy ông sẽ tiếp tục công việc này như thế nào?
- Hằng ngày, tôi vẫn thường xuyên tiếp xúc với các thày cô giáo, phụ huynh và các em học sinh qua Internet, nên thông tin khá nhiều chiều và đa dạng. Tôi có hẳn một trang web để giúp mình việc đó. Nếu có tiêu cực ở đâu đó, chắc chắn mọi người sẽ thông tin và tìm cách giúp tôi thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu nếu tôi trúng cử. Điện thoại của tôi thì đã công khai trên báo chí rồi (034-761899).
Việc tố cáo tiêu cực thì ai cũng có thể làm được, chỉ cần dám lên tiếng hay không mà thôi. Chống tiêu cực giáo dục thì không phải lo nhiều về tính mạng, vì đa số là những người trong ngành giáo dục cả. Hơn nữa mình làm đúng, được dư luận ủng hộ, thì đấu tranh sẽ thắng. Tuy nhiên, tôi biết hiện rất nhiều thày cô đấu tranh chống tiêu cực bị cấp lãnh đạo địa phương trù dập. Khi tố cáo tiêu cực tại Hội đồng thi Phú Xuyên A, tôi từng bị đe dọa, cũng hơi lo lắng cho con. Nhưng bên công an tỉnh đã lên kế hoạch bảo vệ rồi, nên mình bớt lo.
- Các ứng cử viên ngoài kinh nghiệm thực tiễn, còn cần tri thức về luật pháp, Quốc hội. Ông sẽ thuyết phục các cử tri thế nào về vấn đề này?
- Tôi năm nay đã 39 tuổi, đủ hiểu biết để thực hiện được tốt các công việc của một đại biểu Quốc hội. Thông tin về luật pháp tôi đã biết khá nhiều, bởi hằng ngày tôi đọc khá nhiều thông tin kinh tế xã hội và chính trị của đất nước. Những gì chưa hiểu tôi sẽ tìm tòi học hỏi thêm. Bác Lưu Trọng Đạt, Tổng thư ký hội luật gia Việt Nam hứa sẽ tư vấn giúp tôi những vấn đề đó.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng trúng cử của mình?
- Nếu phụ huynh, học sinh và các thày cô giáo đánh giá việc tôi chống tiêu cực trong thời gian qua là đúng thì sẽ bỏ phiếu cho tôi. Còn nếu không thì tên tôi sẽ bị gạch. Tuy nhiên, cá nhân tôi đánh giá rằng sau sự kiện tiêu cực thi cử được phanh phui, giáo dục trong thời gian qua đã chuyển biến rất mạnh. Đó là tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân đối với tôi. Vì thế, tôi tin mình sẽ trúng cử.
Ngày 1/6/2006, thày giáo Đỗ Việt Khoa đã gọi điện cho Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long để trình bày về việc kỳ thi THPT ở Hà Tây diễn ra rất lộn xộn, cụ thể là ở hội đồng thi Phú Xuyên A, nơi thày coi thi. Ở đây, mỗi cán bộ coi thi được bồi dưỡng 400.000 đồng và chi phí ăn uống 300.000 đồng/người. Cán bộ coi thi được nhận tiền “bồi dưỡng” ngay từ ngày đầu... - Ngày 26/6/2006, UBND tỉnh Hà Tây công bố quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành về tiêu cực tại 3 hội đồng thi Phú Xuyên A, Đồng Quan và Xuân Mai. Cùng ngày, Hội đồng phúc khảo chấm lại bài thi của của 3 hội đồng thi nói trên cũng được thành lập. - Ngày 11/72006, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tây ký quyết định kỷ luật 8 lãnh đạo của 3 hội đồng thi để xảy ra tiêu cực. Thày Đỗ Việt Khoa, giáo viên trường THPT Vân Tảo, Hà Tây đã được nhận bằng khen của Bộ GD&ĐT với thành tích "dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực" trong kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Tây. - Ngày 12/7/2006, tại Hà Tây, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chính thức phát động cuộc vận động "nói không với tiêu cực thi cử". Bộ trưởng Nhân đãn tới thăm gia đình thày giáo Đỗ Việt Khoa ở Vân Tảo, Thường Tín, Hà Tây. Thày Khoa đã gửi Bộ trưởng bức tâm thư, đề xuất 10 giải pháp khắc phục những tồn tại của ngành giáo dục. |
Hồng Khánh thực hiện