Vợ chồng anh Thành (thành phố Hải Dương) đang hoàn tất thủ tục ly hôn, dù cả hai còn yêu nhau và thực sự muốn giữ gia đình. Nhưng sau cuộc họp phê bình vợ do mình sắp xếp, anh Thành không còn lựa chọn nào khác ngoài chia tay vì bị vợ tránh gặp và hai bên thông gia thề không nhìn mặt nhau. Bài viết dưới đây chia sẻ nỗi ân hận của ông bố một con, 31 tuổi, này:
Tôi đang làm giám đốc một công ty nhỏ do gia đình thành lập. Vợ bán đồ online nhưng nghỉ làm từ hồi bầu to tới giờ - khi con hơn một tuổi. Mấy tháng gần đây, vợ tôi hay cáu gắt, càu nhàu. Đi làm về, tôi vừa nghỉ ngơi xem TV một chút thì đã bị cô ấy trách là lười, ích kỷ, không quan tâm tới gia đình, chẳng đỡ đần việc gì. Bài ca đó ngày nào vợ cũng nhai đi nhai lại khiến tôi nản, chẳng muốn về nên thỉnh thoảng ở lại công ty muộn hoặc đi uống vài lon bia với bạn. Càng như vậy, cô ấy càng hay giận dỗi và nói nhiều hơn, thậm chí có hôm gào lên khóc lóc rồi đòi ly dị.
Đến lần thứ 3 nghe vợ nói tới chuyện chia tay, tôi bực quá, liền gọi bố mẹ hai bên tới họp gia đình để người lớn cho ý kiến. Rõ ràng, cô ấy coi tôi chẳng ra gì, cũng không cần cái tổ ấm này nên hơi một tí mới đòi bỏ chồng như thế.
Nhưng tôi không ngờ mọi việc trở nên căng thẳng và đi quá xa. Trong buổi gặp đó, khi nghe kể lỗi của con gái, bố mẹ vợ liền nổi xung, nói rằng cô ấy bao năm ở nhà đều ngoan hiền, sao có chuyện nói hỗn hào, cư xử không đúng với ai. Bố mẹ tôi thấy vậy cũng nóng mặt cho rằng thông gia chỉ trích nhà mình đối xử không tốt và vu oan cho nàng dâu. Cả hai bên công kích rồi đập bàn, đập ghế, chỉ thẳng vào mặt nhau chửi. Vợ tôi bưng mặt khóc, tôi thì hoảng quá chỉ biết ngồi im một góc, không dám ho he gì. Cuối buổi hôm đó, bố mẹ vợ lôi con gái lên xe về, gia đình tôi thì đòi giữ lại thằng cu nhưng cuối cùng vẫn phải để thằng bé theo mẹ vì cháu còn bú sữa.
Sau hôm ấy, nghĩ ân hận, tôi nhắn tin, gọi điện cho vợ nhưng cô ấy không thèm nghe. Bố mẹ tôi thì nổi giận đùng đùng, nói bên thông gia không ra gì. Khi tôi cố nói đỡ vài câu rồi định qua đón vợ về, mẹ tuyên bố: "Tao không bao giờ chấp nhận nó làm con dâu nữa. Nếu mày cố đón về thì từ nay đừng nhìn mặt mẹ và cũng đừng hy vọng có được đồng nào từ nhà này".
Tôi biết tính mẹ, đã nói là làm. Buôn bán mấy chục năm, tính bà quyết liệt lắm. Công ty của tôi đều do tiền mẹ đổ vào. Ôtô tôi đi cũng là mẹ mua. Tôi không dám trái lời bà. Hơn nữa, vợ cũng chẳng muốn quay về. Có lần tôi lén sang bên nhà ngoại nhưng bố mẹ vợ chẳng thèm mời vào nhà, vợ tôi bế con ra đưa ngay tờ đơn ly hôn.
Lá đơn có chữ ký của cả hai chúng tôi đã được gửi đi. Có lẽ chẳng mấy chốc nữa mọi thủ tục sẽ được hoàn tất. Con còn nhỏ nên vợ sẽ nuôi. Tài sản chung cả hai chưa có gì vì ngôi nhà đang ở vẫn đứng tên cha mẹ. Tôi thực sự không hề muốn mất vợ con thế này nhưng mọi việc đã không nằm trong tầm kiểm soát của tôi nữa rồi.
Bà Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý - giáo dục (Hà Nội) cho biết, bà đã gặp rất nhiều trường hợp vợ chồng ly tán sau những màn họp gia đình kiểu "đấu tố" như nhà anh Thành. Với tâm thế vợ hư phải được dạy lại, người chồng thường lôi bố mẹ hai bên vào cuộc phán xử. Nhiều khi, nguyên nhân mâu thuẫn vợ chồng rất nhỏ, như cả hai căng thẳng, ức chế do những hiểu lầm và mệt mỏi lúc nuôi con nhỏ, nhưng khi người lớn đã vào cuộc thì chuyện lại trở nên phức tạp và gây tổn thương nặng nề.
"Có lẽ chỉ ở Việt Nam người ta mới có kiểu giải quyết việc vợ chồng bằng cách lôi phụ huynh vào thế này", nhà tâm lý bày tỏ. Người phải chịu tổn thương lớn nhất là người vợ. Như trường hợp nhà anh Thành, chị vợ sau cuộc họp đó đêm nào cũng khóc, ban ngày thì không thể tập trung vào công việc vì nghĩ mình bất hiếu khi đã khiến bố mẹ phải khổ và bị xúc phạm. Những câu nói kể lỗi, trách cứ của nhà chồng trong buổi họp cũng làm chị đau lòng và uất ức. Người vợ còn thất vọng hoàn toàn về chồng khi đã dồn mình vào thế khó và chẳng nói nổi một lời bênh vực vợ trong cuộc đấu tố đó.
"Thực tế thì trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng đó, người đàn ông không thể lên tiếng bảo vệ vợ bởi nếu họ mở miệng thì chỉ càng làm mọi việc tệ hơn", chuyên gia chia sẻ.
Bà từng gặp trường hợp người vợ, là kế toán một công ty kinh doanh thiết bị y tế tại Hà Nội, đã bị loạn thần ngay sau cuộc họp gia đình. Mọi người cố gắng xoa dịu vì khi đó chị vừa sinh con được 4 tháng. Nhưng khi qua được cơn sang chấn mạnh, chị lại rơi vào trạng thái trầm cảm, luôn nghi ngờ nhà chồng và không còn tình cảm, sự tôn trọng chồng như trước nữa.
Nhà tâm lý cho biết, cuộc họp gia đình chẳng khác gì một phiên tòa thiếu công tâm khi những người phán xử đều thể hiện thái độ bênh con và chỉ trích bên kia. "Khi vợ chồng có khúc mắc, thường không chỉ là lỗi của một người. Cả hai cần nhìn nhận lại vấn đề và nỗ lực giao tiếp để hiểu, chia sẻ với nhau và tìm ra cách giải quyết, thay vì lôi kéo sự can thiệp từ bên ngoài", nhà tâm lý bày tỏ.
Vương Linh