Việc buôn bán ở chợ trung tâm huyện Lý Sơn chủ yếu diễn ra vào buổi sáng. Cùng với nhu yếu phẩm như, thịt, rau, gạo... đưa ra từ đất liền thì tỏi, hành là mặt hàng chính được người dân đưa đến bán. Đây cũng là đầu mối chính để các chủ thu mua địa phương "gom" chở vào đất liền tiêu thụ.
Ông Đinh Tới - một chủ thu mua tỏi, hành lớn trong huyện cho biết: "Tầm này những năm trước, số lượng tỏi khô được người dân chở đến chợ bán phải từ 7-8 tấn một phiên, có khi lên đến hàng chục tấn".
Riêng vụ năm nay, nhiều chủ thu mua mặt hàng này tại chợ trung tâm huyện Lý Sơn bày tỏ: "Hôm nhiều nhất cũng chỉ hơn 1 tấn một phiên, có bữa cả chợ ước lượng tỏi mà người dân mang đến bán chỉ khoảng 500 kg, chưa đến 1/10 so với cùng kỳ mấy vụ trước".
Nguyên nhân do thời tiết bất lợi, sâu bệnh nên lượng tỏi thu hoạch vụ vừa rồi giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1/3 so với vụ trước. Bên cạnh đó lượng du khách sau khi ra đảo tham quan đã mua về làm quà biếu cho người thân nhiều, thị trường tiêu thụ trong đất liền tăng...
"Do lượng tỏi ít như vậy cho nên có khi 3-5 ngày mới gom đủ số lượng để chở vào đất liền giao cho đối tác. Không những mang tiếng, mà nhiều lần còn bị đối tác phạt tiền do cung cấp không đủ số lượng theo giao kèo", bà Nguyên - một chủ thu mua tỏi than thở.
Vụ trồng tỏi hằng năm của người dân Lý Sơn thường bắt đầu vào tháng 9 (âm lịch) năm trước, kéo dài đến tháng 1 (Âm lịch) năm sau thì thu hoạch. Chi phí đầu tư từ 6-8 triệu đồng một vụ một sào (500m2 một sào), năng suất tỏi tươi thu hoạch bình thường khoảng 500-600 kg một vụ. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận bình quân của cây tỏi mang về cho người dân từ 4-6 triệu đồng đồng sào một vụ.
Vụ tỏi năm 2015-2016 vừa qua, mưa, gió và sâu bệnh làm tỏi bị hư hỏng, ngã đổ đã làm 300 ha tỏi của người dân toàn huyện, giảm đến 70-80% năng suất so với những vụ trước.
Theo Dân Việt