Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn cho biết, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ đã cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho tỏi Lý Sơn, với các đặc điểm về hình thái, hóa học khác với tỏi ở nơi khác.
Theo chỉ dẫn, tỏi Lý Sơn có hình dạng bé với ba chỉ số đặc thù là: Củ nhỏ, trọng lượng trung bình khoảng 7,87 (gram/củ); chiều cao trung bình khoảng 26,22 (mm); đường kính củ trung bình 24,95 (mm).
Ngoài ra, vỏ củ và vỏ tép có màu trắng vôi đặc trưng, thịt tỏi có màu trắng ngà và sắc xanh đặc trưng; mùi vị thơm dịu đặc trương, không nồng hắc, ít cay, có vị ngọt đầu lưỡi.
Về hóa học, hai đặc điểm nổi bật của tỏi Lý Sơn là hàm lượng kali và hàm lượng các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ bay hơi.
Lý Sơn được mệnh danh là vương quốc tỏi, nơi tỏi được canh tác trên đất đỏ bazan và cát trắng của san hô từ dưới lòng biển, tạo nên hình dạng và mùi vị đặc trưng. Được công nhận thương hiệu tập thể và bảo hộ 10 năm qua, song những năm gần đây tỏi Lý Sơn bị làm giả thương hiệu, ảnh hưởng đến uy tín của tỏi Lý Sơn và đời sống nông dân.
Trước tình trạng trên, hai năm trước, UBND huyện Lý Sơn đã triển khai đề án Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, phối hợp với Viện Môi trường - Viện Hàn Lâm khoa học Công nghệ Việt Nam và Công ty Sở hữu trí tuệ Quốc tế T&T Invenmark.
Đầu 2019, các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường đã tiến hành khảo sát, lấy các mẫu đất, mẫu nước, mẫu thổ nhưỡng và mẫu tỏi trên toàn bộ huyện đảo, đồng thời khảo sát đánh giá lấy mẫu của một số địa phương đối chứng như Ninh Thuận, Khánh Hòa và Hải Dương để đo đạc, mô tả, so sánh các chỉ tiêu vật lý, cảm quan, hình thái, hoa học. Hồ sơ và đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý sau đó được trình lên Cục Sở hữu trí tuệ.
Theo các chuyên gia về sở hữu trí tuệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ bằng Chỉ dẫn địa lý tạo cơ sở vững chắc hơn so với việc bảo hộ thông qua nhãn hiệu hàng hóa. Chỉ dẫn địa lý mang tên của vùng địa danh nổi tiếng và uy tín của sản phẩm đó đạt đến mức đặc thù riêng, có sự gắn kết với vùng địa lý là khu vực xuất xứ của sản phẩm.
Hiện UBND huyện Lý Sơn đã thông qua Quy chế Quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý, thống nhất chọn logo, hệ thống nhận diện thương hiệu tỏi, giao diện chính và sơ đồ website chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn, sổ tay hướng dẫn sử dụng chỉ dẫn địa lý tỏi Lý Sơn ..... Dự kiến chỉ dẫn địa lý sẽ được công bố vào đầu tháng 7 tới.
"Bước tiếp theo là xây dựng truy xuất nguồn gốc trên cơ sở chỉ dẫn địa lý. Khi đó, tỏi Lý Sơn sẽ có giá trị cao hơn, không chỉ người tiêu dùng trong nước mà còn ở nước ngoài", bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn nói.
Huyện Lý Sơn có khoảng hơn 300 ha tỏi, sản lượng tỏi mỗi năm khoảng 3.000 tấn, bán đi cả nước.
Danh Nhựt - Phạm Linh