Phan Thanh Phong
- Vốn là cán bộ ngành muối, duyên cớ nào đưa đẩy anh tới con đường văn chương?
- Tôi sinh ra không được may mắn như những người bẩm sinh văn chương. Từ cấp hai, tôi đã thích tự nhiên hơn và mơ ước lớn lên trở thành một kỹ sư điện hay nghiên cứu Vật lý lý thuyết. Thế rồi chiến tranh... Tháng 7/1965, vừa tốt nghiệp cấp 3, chưa đầy 17 tuổi tôi tòng quân. Suốt 11 năm, tôi luôn ở đơn vị chiến đấu, lính cao xạ bảo vệ miền Bắc, rồi vào Nam, đi Lào, chiến đấu ở nhiều binh chủng rồi lại quay về cao xạ 37. Sau ngày đất nước thống nhất, tôi giải ngũ, chuyển ngành về Công ty Hải sản Cấp I - Phú Viên làm chân long tong. Tôi vừa làm vừa học đại học. Ba, bốn năm sau, tôi về Tổng công ty Thực phẩm Công nghệ, sau tách ra thành Tổng Công ty Muối.
Năm 1984, một đêm, xem một vở kịch trên vô tuyến, kể về một chiến sĩ ra chiến trường đã chiến đấu như thế nào. Xem xong, tôi buồn, bất bình quá, suốt đêm trằn trọc bởi tác giả vở kia phản ánh không đúng những điều tôi đã tận mắt chứng kiến trong cuộc chiến đằng đẵng. Suy nghĩ kỹ, tôi quyết định viết truyện ngắn đầu tay Rồi chúng con sẽ trở về quê hương. Chuyện kể về một người lính Hà Nội, thế hệ chúng tôi đã ra đi vì cái gì và điều gì giúp anh sống và dám ở lại chiến trường tới khi hy sinh, chỉ để lại một lá thư ngắn gửi mẹ, người mà anh luôn kính yêu, nhớ mong. Chuyện kể rất giản dị, cốt lấy từ nguyên mẫu trong nhiều sự việc tôi đã chứng kiến. Truyện đầu tay này được in trên báo Văn Nghệ, được khích lệ, tôi phóng bút viết luôn Sương đêm. Sương đêm lên khuôn báo Tết năm ấy càng làm tôi hưng phấn để vật vã viết tiếp những gì tôi quan tâm. Và, tôi không hề biết rằng, từ đó, với những năm tháng vật lộn để sống ngoài mặt trận, trong hòa bình, đã có một sợi dây mong manh xiết cột cổ tôi vào chân cột đá của ngôi đền văn.
- Vậy cái tên Thọ Muối bắt nguồn từ đâu?
- (Cười) Đó là cái tên rất yêu của bạn thân làng văn đặt cho tôi. Sự thật thì thế này. Năm 1987, các cánh đồng muối gặp rất nhiều khó khăn. Tôi dẫn một đoàn nhà văn, nhà báo đi khảo sát đồng muối Nghệ Tĩnh, gồm Bế Kiến Quốc, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Ba, Bùi Đức Khiêm, Hoàng Linh. Chính tại đồng muối Quỳnh Lưu chúng tôi nghe báo cáo 7 diêm dân đã bị chết vì nắng. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn viết một bài thơ, Xuân Ba viết một bài báo ngắn, anh Linh và anh Khiêm đều có bài phản ánh đồng muối...
Tôi, nếu với tư cách phó trưởng văn phòng thì thế là xong nhiệm vụ. Nhưng đêm đêm những diêm dân mặc quần áo lính cũ cứ hiện lên. Tôi thức gần trắng 5 đêm viết truyện ngắn Muối mặn. Trước đổi mới, Muối mặn được coi là tác phẩm khá mạnh bạo. Về sau, nhà thơ Luu Quang Vũ chuyển nó thành kịch chèo cho đoàn Hải Phòng với tên Muối mặn đời em. Một hôm bạn bè tập hợp ở nhà Bế Kiến Quốc. Đỗ Bạch Mai làm cơm đãi cả tụi. Trước đó, Quốc có bảo, Thọ viết cái này khá. Kinh thánh có câu, các ngươi là muối của đất. Thọ là muối. Tôi rưng rưng cầm tay Quốc. Anh em tới bữa đó (gồm các nhà văn đi trước tôi, có Đặng Ái, Thụy Kha, Bùi Đức Khiêm, vợ chồng Lê Quang Trang...) quyết định cắt chữ "là", đặt tên tôi là Thọ Muối, cũng là để phân biệt với hai nhà văn ở phía nam khi ấy trùng tên Thọ. Tôi khoái quá, nhận liền.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thời trẻ. |
- Nhiều người đọc "Nhà ba hộ", "Trong bão tuyết", "Cõi ảo", cứ đinh ninh anh là nhà văn trẻ. Họ đều có cảm giác anh dành cho trang văn nhiều khoảng lớn về đời thực của mình và có thể chính vì điều đó gây xúc động lớn cho người đọc. Bước đầu thuận vậy, sao ngay sau đó anh lại "giã từ vũ khí" hơn chục năm?
- Sau cú Thọ Muối vừa được khai sinh chưa kịp lớn là đổi mới, nhiều nhân vật văn chương mới xuất hiện. Tôi ngồi, nhìn mấy cái tập tọe văn chương của mình, tự thấy văn tôi dớ dẩn. Tôi bỏ bút. Thề không viết nữa.
Nhưng cái sợi dây mong manh vô ảnh vô hình kia đã cột rồi. Năm 1994, tôi cắm cổ viết thông ba trăm trang tiểu thuyết Hắn và Tôi. Mang dấu nó vào đáy vali, dưới lớp bánh kẹo, hí hửng về trình ba người bạn văn nhưng mọi người bảo cái kết yếu. Thế là tôi lẳng lặng xếp nó vào đáy kệ sách của bố tôi. Lại ra nước ngoài kiếm sống. Tôi viết như thằng điên, điếc không sợ súng, chả theo trường phái nào, hàng trăm bài thơ. Tết, lại về, đặt một chồng bản thảo trước mặt ông bạn già họ Bế. Quốc chọn, in tập thơ Mảnh vỡ, năm sau là Cửa sổ, năm sau nữa là Bên kia trái đất, có phần Yêu xa. Toàn bộ các tập thơ trên đều được in tại NXB Hội nhà văn, do chính tay hai nhà thơ Ngô Văn Phú và Nguyễn Phan Hách biên soạn. Lại xong. Thôi, tôi chấm dứt thơ quay lại khu rừng quen thuộc, hạ bút viết Một người Đức, Vườn Maria. Hai truyện ngắn này tôi in ở Văn Nghệ. Vườn Maria được trao giải khuyến khích năm nào. Tôi coi nó là tiếng reo khẽ, đủ báo cho bạn bè thân biết, Thọ Muối đã lại tự khoác cái tròng văn vào cổ mình.
Năm 2001-2002, Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội tổ chức thi truyện ngắn. Nhà văn Khuất Quang Thụy, bạn văn từ thời ở rừng, nhắn gửi tác phẩm về. Nguyễn Duy, rồi Trần Đăng Khoa sang Đức đều bảo, Thọ Muối ơi viết đi. Tôi viết nhanh 7 truyện ngắn và lần lượt tung vào trận có tính toán như kiểu lính. "Bắn năm phát" thì cuộc thi kết thúc. Phát kết Vàng xưa Thụy bảo: "Thôi bố đừng đảo lung tung nữa. Xong cả rồi". Vàng xưa nằm ngoài xét giải, sau đó anh Huân cho in cả hơn ba chục trang trên tạp chí.
- Đời sống của những con người tha hương và ký ức khắc khoải về đất mẹ là mảng đề tài ruột của anh. Anh định khai thác đề tài đó đến bao giờ?
- Mảng đề tài đó sẽ không bao giờ cạn, cá với bạn một ăn mười như vậy. Tôi là kẻ sống đầm mình không hoang tưởng. Cứ lăn vào đời sống, thì vốn sống không chỉ ở sau lưng mà còn ở cả phía trước thì sợ chi, như nồi cơm Thạch Sanh ấy (cười). Tôi sợ nhất là bút lực tôi cạn, bạn đọc chê nhạt mà thôi.
- Trong các tác phẩm của anh, bạn đọc nhận ra giàu chất điện ảnh. Em ruột anh là đạo diễn Nguyễn Thước. Anh chịu bao nhiêu phần ảnh hưởng từ người em?
Tác phẩm chính đã xuất bản: - Cửa sổ (Thơ) - Bên kia trái đất (Thơ) - Gió lạnh (Tập truyện ngắn) - Vàng xưa (Tập truyện ngắn) - Đào ở xứ người (Tùy ký) - Thất huyền cầm (Tập truyện ngắn) |
- Cả hai anh em tôi đều rất kính yêu bố. Có thể chung một tình cảm vậy nên chúng tôi có thể bên nhau, để ngồi đàm đạo, hoặc rong chơi. Tôi thường tự hào về bố, một người hiền như bụt, có công giáo hóa tôi rất nhiều. Chính ông chứ chưa hẳn là đạo diễn Nguyễn Thước tạo nên cách cấu trúc hình ở truyện ngắn. Nhưng cũng phải thừa nhận, tôi học ở em tôi nhiều về tư duy ngôn ngữ hình. Tức là cinema. Nó tác dụng rất mạnh tới người xem thì tại sao tôi không tận dùng cái mạnh đó để gây hiệu ứng cho người đọc? Vả lại, Thước có nhiều bạn tốt. Không chỉ tốt mà còn tài. Với họ, tôi vỡ ra nhiều điều về "thuật cinema". Có học mót thật, nhưng cẩn trọng tìm ra con đường riêng của mình.
- Đọc anh, thấy có vẻ không né tránh yếu tố sex. Quan niệm của anh về sex trong văn học nói chung và văn trẻ hiện nay như thế nào?
- Nói về khoa học, tình dục là tự nhiên. Vậy nó là một mặt không thiếu của đời sống con người. Như thế, hà cớ gì nhà văn không đụng tới? Trước tôi, các bậc thượng thừa đã đụng tới nó trong văn chương. Remarque mô phỏng cảnh khát điếm của mấy anh lính trong Phía Tây không có gì lạ. Ông Marquez phơi ra bao cảnh sex để minh chứng Trăm năm cô đơn. Gần đây, Giả Bình Ao và nhất là Mạc Ngôn cũng đầy sex. Ngay trong làng văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thân ở tiểu thuyết Con ngựa thành Mãn Châu cũng bút pháp kỹ như xi-nê hình pháp sex. Ca dao Việt Nam cách đây cả mấy trăm năm cũng sex: "Buồn chi mỗi một tháng giêng/ Con chim cái cú nằm nghiêng thở dài". Nhưng một điều nhận ra ở các bậc ấy là không hề thấy tự nhiên chủ nghĩa, tầm thường (đến lộn mửa) về cái nhu cầu tất nhiên của loài người. Sẽ cực đẹp nhưng cực khó. Giữa ranh giới văn và không văn dường như mong manh một khoảng cách dễ trượt ngã.
Tôi rất quan tâm đọc lớp trẻ. Theo dõi trên văn đàn bấy nay có vài người làm tôi chú ý, văn xuôi vẫn là nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phạm Hải Anh. Phía nam có Nguyễn Ngọc Tư... Về thơ, tôi đọc Phan Huyền Thư. Tập mới của chị cẩn trọng hơn về thi pháp. Nhưng Rỗng ngực thực chất là sự kéo dài Nằm nghiêng. Con chim "Vi Li" vừa rồi trình làng tập mới. Vẫn cảm xúc ào ào như thác đổ. Vẫn những nhịp câu bất tận. Hình như Vi Thùy Linh đang tiệm cận tới một hình thái mang tính phong cách? Tôi nghĩ, yếu tố sex ở chị Thư và chị Linh là có đấy, nhưng đẹp và không gây cho tôi phản cảm.
Quan sát dư luận ồn ào ở năm qua, có lẽ nên vài lời với Bóng đè. Nhất là nó đụng tới yếu tố sex ta vừa trao đổi ở trên. Theo tôi, Bóng đè tạo được không khí, dụ được người ta đọc hết truyện, kể cả người khó tính. Đấy là một thành công cần học tập, nếu ai chuyên tâm về truyện ngắn. Nhưng theo tôi, khi đọc hết rồi, Bóng đè không thành công trong sự chuyển tải ý đồ đời sống tinh thần, chính trị của tác giả muốn, như vài nhà văn khen ngợi. Bởi nó không thuyết phục được tôi, khi phát hiện sự giả, vô lý trong thi pháp, tổ chức chi tiết, cấu trúc văn bản. Ấy là chưa kể, trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu lại thừa thãi nước, khí, mân mê, gây phản cảm. Tôi tôn trọng sự lao động (vật lộn viết mấy chục trang Bóng đè, sụt đi mấy cân thịt như chị từng tâm sự) và tìm tòi của chị. Nhưng cần sòng phẳng, rằng viết có yếu tố sex như vậy còn "bấy".
- Anh có thể cho biết thái độ của trí thức tại Đức và một vài nước kề cận về tình hình văn học trong nước hiện nay?
- Trước hết nói ngay thẳng là, trí thức tại Đức hay tại vài nước quanh Đức không phải ai cũng quan tâm tới văn chương nước nhà. Do thiếu thông tin, sách... nên họ chỉ đọc bề nổi, phồng lên qua các cuộc cãi vã, tranh luận trong nước. Một số không nhiều đâu, do thói quen nghề nghiệp dính dấp tới văn chương, không vụ lợi chính trị, thường bình tĩnh trước khi đưa ra nhận xét. Thậm chí họ còn viết bài đấu tranh cho nhật ký Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc. Trí thức Việt ở Đức và quanh châu Âu rất sòng phẳng và trao đổi nảy lửa trên các phương tiện đại chúng về văn chương nước nhà. Tất nhiên ở đâu người Việt cũng có nhiều xu hướng khác nhau. Thậm chí đối chọi nhau. Tôi nghĩ là cần thiết, bởi bội sinh mới phát triển. Ngay không khí nước nhà hiện nay cũng khá cởi mở và có nhiều xu hướng dân chủ đa dạng hơn thời xưa rất nhiều. Nên ở ngoài sự tự do nói, viết nhiều khi cũng căng thẳng ra phết. Quan tâm tới văn chương trong nước, cãi nhau về những vấn đề đương đại, chứng tỏ văn học nước nhà đáng bàn và trí thức Việt tại hải ngoại yêu nước. Vậy là thành công rồi, còn tới đâu thì lịch sử sẽ trả lời.
- Dự định sắp tới của anh là gì?
- NXB Thanh Niên trong tháng này sẽ xuất bản Thất huyền cầm tập hợp một chuỗi thanh âm xin dâng hiến cho bà con lao động. Còn nữa đấy, nhưng xin bí mật.
Phan Thanh Phong thực hiện