Tôi 25 tuổi, là con trai út trong một gia đình có người cha trải qua hai đời vợ. Người vợ đầu sinh ra ba người con gồm hai nam và một nữ. Vì ít kiểm soát trong việc dạy dỗ con cái nên dẫn đến người con trai đầu, tức là anh hai của tôi bị chết đuối từ khi còn rất nhỏ, đó là lý do ba tôi và vợ đầu ly dị vì không thể sống chung với nhau cũng như mặc cảm tội lỗi của cả hai bên. Ba được quyền nuôi dạy hai người còn lại đó là anh giữa và chị gái tôi theo sự phán quyết của tòa án lúc đó. Tuy nhiên anh chị tôi thiếu vắng tình thương của mẹ và cha cũng ít quan tâm, để ý đến họ nên dẫn đến việc họ được tự do phát triển hơn tôi, được đi đây đi đó nhiều hơn. Một điều đáng buồn là chất xám không cao dẫn đến việc họ thi rớt đại học, dính vào chuyện yêu đương nhăng nhít rồi phải đi làm công nhân. Cho tới khi ba quen được người vợ thứ hai là mẹ tôi rồi sinh ra tôi.
Tôi được mọi người đánh giá là đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Chắc ba muốn bù đắp những thiếu sót trong quá trình dạy dỗ anh chị tôi nên từ khi tôi còn nhỏ đã được cha mẹ bao bọc và kiểm soát kỹ lưỡng hơn rất nhiều. Mọi hy vọng họ đặt hết vào tôi nên hầu như mọi quyền vui đùa, chạy nhảy giống bạn bè đồng trang đồng lứa đều bị cấm đoán đến mức tuyệt đối. Từ hồi đó, mỗi khi tôi sơ ý chạy bị ngã hay làm dơ bộ đồ, kiểu gì sẽ bị la mắng và đánh đập rất thậm tệ. Họ chỉ suốt ngày bắt tôi tập trung học với học, không cho tôi làm bất cứ việc gì, mua cho chiếc xe đạp về cũng chỉ để tập đi cho biết. Tôi xin đi học, đi với bạn bè để hóng mát cũng không chịu, cứ sợ này sợ kia. Ngay cả việc cho tôi tiền tiêu vặt hàng tháng họ cũng không dám vì quan niệm trẻ dùng tiền sẽ dẫn đến hư hỏng.
Trên hết mỗi khi tôi không được điểm vừa lòng ba mẹ hoặc vô tình mắc phải lầm lỗi gì đó cũng bị họ chửi bới, xúc phạm bằng những lời lẽ cay nghiệt, cho rằng tôi là một đứa kém cỏi và không bằng con người ta. Có nhiều lần họ còn đòi từ mặt tôi và không thèm nhận tôi làm con nữa, đó là những lời cay nghiệt họ dành cho một đứa trẻ chỉ mới 10-11 tuổi. Từ một đứa trẻ hoạt bát và hướng ngoại, tôi đã trở thành một đứa nhút nhát và thiếu tự tin, sống khép mình.
Suốt những năm tháng của tuổi học sinh, lứa tuổi chỉ biết ăn học và chơi, hưởng thụ những ngày tháng hồn nhiên, tôi không hề biết đến tiền tiêu vặt là gì, chẳng biết hương vị của một ly trà sữa, một ly chè thơm, những quán hàng ăn vặt. Đi học xong tôi chỉ biết đi thẳng về nhà, không giao lưu và đi với ai cả. Ba mẹ chỉ cần thấy tôi về trễ hoặc la cà đâu đó là y như rằng hôm đó tôi chuẩn bị tinh thần hứng chịu một cơn giận dữ như sóng gào đến từ họ. Ngay cả việc xin đi chơi xa, đi hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, 20/11 cho thầy cô... họ đều từ chối tôi vì muốn tôi đi đâu cũng phải có sự quản lý của gia đình mới yên tâm. Ba mẹ bắt tôi ngồi nhà học bài.
Tôi cũng không dám mở miệng xin ba mẹ mua một bộ quần áo đẹp, một quyển truyện, tiểu thuyết hay, hễ mở miệng là bị họ mắng chửi không thương tiếc. Ngay cả việc tự làm đẹp cho bản thân như làm tóc tôi cũng phải xin ý kiến từ họ, chỉ cần tự ý cắt tóc sẽ bị họ mắng nhiếc thậm tệ. Việc mua quần áo, cặp sách và balo cũng phải lựa theo ý của họ, tôi không có quyền lựa chọn theo kiểu mình thích. Nhìn bạn bè ai nấy cũng được tự do đi đây đi đó phát triển bản thân, trở nên lanh lẹ hoạt bát và có kỹ năng sống mà tôi tủi thân vô cùng.
Ngày tháng dần trôi qua cho tới khi tôi đỗ đại học tại một trường ở Sài Gòn, thành quả bao năm cố gắng và 12 năm đèn sách. Cứ ngỡ rằng tôi sẽ chuẩn bị một hành trình mới khi sống xa gia đình và bắt đầu cuộc sống tự do, có người yêu, vậy mà ba mẹ nhất quyết không để cho tôi đi xa với lý do tôi chậm chạp, không lanh lẹ như người khác, không biết giặt đồ, ủi đồ, nấu ăn, thiếu kỹ năng mềm nên không dám tin tưởng. Tôi ấm ức và nói lại với họ rằng: "Ngày xưa cha mẹ chỉ bắt con học, không cho con làm việc gì. Tới khi con đã đạt được theo ý nguyện của cha mẹ thì cha mẹ lại không chịu cho con đi xa. Vậy xưa tới nay bắt con học làm gì? Chẳng phải chính cha mẹ không chịu tập cho con làm việc nhà để giờ con không biết thì lại chê bai kém cỏi hay sao? Chính ba và mẹ đã tạo ra vấn đề rồi lại dùng vấn đề đó để chỉ trích con, ba mẹ không thấy mình mâu thuẫn à"?
Họ nghe xong chỉ biết né tránh câu hỏi của tôi, thay nhau chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi cho bên còn lại. Uất ức đến tận cùng, tôi chỉ biết cắn răng và bật khóc nức nở. Cuối cùng tôi không còn cách nào vẫn phải đành học tại một trường gần nhà, bị kiểm soát bởi chính gia đình của mình. Tôi xin đi làm thêm để phụ giúp gia đình và đóng tiền học cũng bị mắng chửi. Thay vì động viên và khích lệ con mình, họ lại vùi dập ý chí của tôi bằng câu nói: "Trông mày lù đù, chậm chạp không được lanh lẹ như người ta thế kia thì ai thèm nhận".
Khi cha mẹ nằm trên giường bệnh, tôi vẫn chăm sóc họ. Thế nhưng nhớ lại những ấm ức bản thân đã chịu đựng những gì họ gây ra cho tôi trong quá khứ, nhiều lần họ tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, tôi đã lớn tiếng, dù rằng lúc đó họ cũng chẳng còn sức để la mắng tôi nữa. Ngày họ ra đi, anh chị tôi khóc lóc rất nhiều, tôi không hề cảm thấy buồn bã và chẳng rơi nổi một giọt nước mắt vì họ. Có lẽ tôi đã chịu đựng quá đủ.
Sống trong vòng kiềm kẹp của ba mẹ quá lâu đã khiến tôi không có kỹ năng sống và thiếu kiến thức xã hội trầm trọng. Tôi không biết kết bạn, không biết xã giao trong cuộc sống và công việc hàng ngày. Lên gặp đồng nghiệp và người ngoài, tôi chỉ biết chào hỏi xã giao đôi ba câu nhạt nhẽo rồi lặng lẽ rời đi. Mặc dù đã cố gắng mở lòng và hòa đồng một cách có thể nhưng tôi không thể làm cách nào để đưa mình vào vòng tròn tập thể. Chưa kể tôi luôn tự ti và cho rằng mình thua kém người khác, luôn tự đặt bản thân ở dưới họ mặc dù chuyên môn trong công việc chưa chắc họ đã hơn tôi.
Mỗi lần làm sai việc gì dù chỉ là nhỏ nhất cũng khiến tôi tự trách mình không ngớt, luôn nghi ngờ mình làm tệ vậy liệu sếp có tin tưởng mình không? Tôi cũng không biết tán tỉnh và theo đuổi trái tim của một cô gái. Đã 25 tuổi đầu mà tôi vẫn chưa có nổi một mảnh tình vắt vai. Có lẽ tôi phải bắt đầu lại từ những thứ đơn giản nhất. Con người nhạt nhòa, tôi chỉ biết đau đớn, khóc cho một tuổi thơ buồn, một thanh xuân không mấy rực rỡ như người khác. Mặc dù ba mẹ đã không còn trên đời nhưng thâm tâm tôi vẫn còn oán trách họ rất nặng nề, dù vẫn lo hương khói đầy đủ cho họ. Tôi là một đứa con bất hiếu.
Bình An