Sally Gardner
Phần 1
1
Một câu chuyện để kể
Tôi thắp ngọn đầu tiên trong bảy cây nến dành để viết lại câu chuyện của mình. Trên mặt bàn cạnh tôi, chiếc túi lụa đựng chuỗi ngọc trai của mẹ nằm bên chiếc hộp bằng gỗ mun. Trong hộp cất giữ báu vật mà đến tận bây giờ tôi mới bắt đầu hiểu được. Kế đó, đang toả sáng lấp lánh tựa mặt trăng, là một đôi hài bằng bạc.
Tôi có bao chuyện để kể: tại sao tôi lại có được đôi hài bạc và nhiều chuyện khác. Và bởi vì đây là câu chuyện của tôi, cũng là một câu chuyện cổ tích, nên tôi sẽ bắt đầu bằng: Ngày xửa ngày xưa...
Tên tôi là Coriander [ 1] Hobie, con duy nhất của Thomas và Eleanor Hobie, chào đời trong chính ngôi nhà này vào năm Thiên Chúa 1643. Ngôi nhà nằm gần kề bên cầu London với dòng sông chảy ngang qua dưới khung cửa sổ sau nhà. Phía trước là khu vườn của mẹ, một khu vườn có tường bao quanh từng một thời xiết bao đẹp đẽ và xanh tốt. Cánh cổng vườn bằng gỗ mở ra thẳng với con phố ồn ào bên ngoài. Khu vườn giờ chỉ còn cỏ dại mọc đầy. Nó đã bị bỏ hoang quá lâu. Trước kia, nơi đây ngập tràn hoa và thảo mộc với mùi hương đủ làm thơm ngát cả dòng Thames. Nhưng giờ chỉ còn hương thảo, tầm ma, tầm xuân và mâm xôi thi nhau chiếm làm lãnh địa riêng.
Chính khu vườn lạ lùng này, loại vườn mà chưa có người hàng xóm nào từng thấy, đã dệt nên những lời đàm tiếu đầu tiên về mẹ. Khu vườn là món quà cha tặng mẹ. Ông còn xây cho bà một phòng chưng cất xinh xắn dựa lưng vào tường nhà chính. Mẹ tôi, với dáng vẻ trầm lặng thường thấy của bà, am tường về thảo mộc và công dụng của chúng hơn bất kỳ ai. Cùng chị hầu gái Mary Danes, bà thường dành nhiều giờ liền ở trong phòng chưng cất, tạo ra đủ loại thuốc rồi đổ vào trong những chiếc lọ bé xíu. Khi còn nhỏ, tôi thường trốn trong váy mẹ, nghe lỏm những người bạn hay hàng xóm đến kể lể về bệnh tật như thể đem tới những bó hoa của đau đớn, để rồi được chữa lành bằng một trong những phương thuốc của mẹ. Sau này, khi tôi quá lớn để trốn dưới váy mẹ thì họ đến hỏi mẹ tôi những chuyện khác. Tiếng tăm là một người đàn bà kỳ quái biết ma thuật của mẹ đã lan xa như bông kế bị thổi bởi ngọn gió nóng hổi của những chuyện ngồi lê đôi mách.
Những ký ức đầu tiên của tôi là về khu vườn và về một thứ nữa: căn buồng cũ của tôi. Căn phòng với những bức tường mà mẹ đã vẽ lên bao khung cảnh thần tiên và những con thú chỉ có trong tưởng tượng. Bên dưới mỗi bức tranh là nét chữ hoa mỹ của mẹ, kể lại một câu chuyện mà lời kể cũng rực rỡ như màu sắc trong tranh. Khi còn nhỏ tôi thường di ngón tay theo từng nét chữ để cảm nhận những dòng chữ mỏng mảnh trên nền gỗ và thì thầm đọc những cái tên như thể chúng là lời bùa chú giữ không cho tai hoạ lại gần. Những bức vẽ ấy, cũng như hoa thơm ngoài vườn, giờ không còn nữa. Tất cả đã bị xoá sạch. Chỉ còn lại một chút dấu mờ của nhũ vàng. Chúng vẫn luôn toả sáng như ký ức.
Trước kia tôi thường tin rằng cuộc đời mẹ cũng bắt đầu cùng với sự ra đời của tôi. Trước khi tôi xuất hiện trên đời, chẳng có gì tồn tại cả. Chẳng có gì, cho đến cái ngày hạ chí khi cha tôi, Thomas Hobie, lần đầu gặp mẹ tôi đứng dưới một cây sồi bên con đường quê.
Đây là câu chuyện cha kể cho tôi, cũng là câu chuyện mà tôi thích nhất. Khi còn là một thương nhân trẻ đầy mơ mộng, cha dồn hết số tiền khó nhọc kiếm được cùng tài sản ông nội để lại vào một con tàu tới Constatinople. Ông hy vọng nó sẽ quay về cùng hàng súc tơ lụa. Nhưng than ôi, cái ông nhận được là tin con tàu đã biến mất trong một cơn bão biển khủng khiếp, và giờ ông chẳng còn gì ngoài bộ đồ đang mặc trên người.
Tuyệt vọng, cha rời thành phố và đi bộ gần mười dặm về nông thôn xem may ra có thể vay mượn chút gì một người họ hàng xa, ngài Stoop. Tới nơi, cha mới biết ông Stoop đã từ bỏ những vật lộn không ngừng của cuộc đời, bước vào thế giới tĩnh mịch của người chết, để lại người vợ góa và bầy con nhỏ.
Cha không còn bụng dạ nào hỏi xin bất kỳ thứ gì. Sau khi chia buồn với bà quả phụ, ông rầu rĩ lên đường về London, phó mặc số phận.
Trời đã muộn khi ông gặp một người đàn ông lạ lùng với bộ râu dài thắt lại thành búi, tay xách một chiếc đèn lồng tròn như mặt trăng. Người lạ mặt nói với cha tôi rằng ông ta vừa bị một kẻ cướp đường lột sạch và chỉ còn lại có chiếc đèn. Cha tôi rất thông cảm với ông và đưa ông chiếc áo khoác để chống chọi cái rét thấu xương. Ông lão nhận chiếc áo vẻ đầy biết ơn.
- Con trai, vàng bạc châu báu cũng không quý bằng đi trên đường đời với một trái tim luôn biết rộng mở và yêu thương. - Ông ta nói. - Ngày mai, lòng tốt của con sẽ được đền đáp xứng đáng.
Cha tôi chúc ông lão mạnh khoẻ và không gặp phải điều bất trắc nào nữa. Rồi cha tiếp tục hành trình vô định, chỉ có ánh trăng soi đường. Một cơn sóng mỏi mệt đổ ập tới, cha nằm xuống và ngủ thiếp đi.
Sáng hôm sau, chưa đi được bao xa thì cha nhận ra mình bị lạc. Trong ánh bình minh, mọi vật đều có vẻ khác lạ.
Tôi đã nghe câu chuyện này nhiều lần đến nỗi có thể tự nhắc lại từng từ một. Và cứ tới đoạn này, bao giờ tôi cũng ngắt lời cha:
- Nhưng cha đang đi đúng đường mà!
Ông bèn cười và đáp:
- Con đường đó dẫn cha đến với mẹ con, làm sao là đường sai được?
Trong suy nghĩ trẻ con của tôi thì dường như cha đã gặp và cưới mẹ chỉ trong vòng có một ngày. Họ quay về thành phố sau lễ cưới để rồi được chào đón bởi cái tin đáng kinh ngạc: con tàu của cha đã cập bến an toàn với đầy tơ lụa hảo hạng.
Từ ngày ấy trở đi, cuộc đời của cha như được phù phép trong tình yêu và vận may. Không có tàu của nhà buôn nào thuận buồm xuôi gió đến thế. Không cướp biển, chiến tranh hay bão tố, tàu của cha căng buồm trên mặt biển yên bình mà không hề gặp cản trở, đem về những của nả xứng cho một vị vua. Không lâu sau, cha đã đủ giàu để xây cho chúng tôi ngôi nhà bên bờ sông này, nơi gia đình tôi sống trong xa hoa với một đầu bếp và nhiều người hầu, còn có cả Sam, người học việc trung thành của cha nữa.
Tôi không hề thấy ngạc nhiên là tất cả những chuyện ấy đã xảy ra quá nhanh. Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ hỏi xem gia đình mẹ tôi nghĩ gì khi con gái họ lấy một anh chàng không xu dính túi hay thậm chí liệu mẹ có một gia đình để nghĩ tới hay không. Tất cả những câu hỏi này cùng bao điều thắc mắc khác chỉ đến với tôi sau này, khi chẳng còn ai để hỏi nữa.
Cha tôi có hai bức chân dung nhỏ vẽ hình cha và mẹ ít ngày sau đám cưới. Chân dung mẹ vẽ bà vận y phục màu kem được thêu rất đẹp, đính vô số hạt ngọc trai nhỏ xíu lấp lánh. Tôi tưởng tượng mẹ trông cũng giống như vậy khi cha tôi nhìn thấy bà lần đầu tiên vào cái ngày mùa hạ dưới bóng cây sồi ấy. Tóc mẹ cài những bông hoa dại và trên tay bà cầm một chiếc lá sồi.
Khung cảnh trong tranh luôn làm tôi mê mẩn. Nó giống như bạn là một con chim từ trên cao tít nhìn xuống mặt đất trải dài phía dưới. Kia, trong một rừng sồi, là một khoảng rừng trống với một tòa nhà lớn và khu vườn được trồng trọt, cắt tỉa theo đúng kiểu. Xa xa, một ngọn tháp cao vượt hẳn những ngọn sồi. Tôi có thể thấy một dáng người trên đỉnh tháp nhìn xuống cảnh vật bên dưới như đang tìm kiếm một vật hay một người nào đó. Bên bìa rừng là một đám người đi săn cùng đàn chó. So với ngôi nhà và ngọn tháp, trông họ to lớn một cách kỳ lạ. Một con chim ưng đậu trên cánh tay của một trong số các kỵ sĩ. Tôi đã ngắm bức tranh rất nhiều lần trước khi nhận thấy có một con ngựa trắng và một con cáo trốn trong bụi rậm. Bởi một nguyên nhân nào đó mà tôi không sao giải thích nổi, phát hiện này làm tôi lo lắng vô cùng. Nó khiến tôi thấy bất an, như thể không có gì là yên ổn vậy.
Trong bức chân dung, cha tôi trông trẻ và đẹp trai. Mặt cạo nhẵn nhụi, ông mặc quần ống bó và một chiếc áo sơmi bằng vải lanh được thêu giống như váy của mẹ. Cảnh vật phía sau ông thì không mấy khác lạ. Đó là quang cảnh một thành phố với dòng sông chảy ngang qua như một dải băng màu xanh ngọc. Bạn có thể nghĩ đó là London cũng được, chỉ khác một điều là những ngôi nhà được sơn màu rất rực rỡ, dưới nước có những mỹ nhân ngư cùng thuỷ quái chen giữa một hạm đội tàu lớn với cánh buồm vàng rực căng gió.
Ngay từ ngày ấy, tôi đã thấy hai bức chân dung nhỏ cổ đến lạ lùng, như thể chúng được vẽ từ lâu, rất lâu trước kia, trong một thế giới hoàn toàn khác. Giờ thì tôi đã hiểu ý nghĩa của chúng. Tôi đã hiểu tại sao mẹ im lặng, và tại sao, trong thời khắc đen tối nhất của tôi, quá khứ của bà đã đã kêu gọi tôi, dẫn tôi trở về với một điều không thể chối bỏ lâu hơn.
2
Con cá sấu nhồi
Tôi không nhớ gì về phiên toà xét xử vua Charles I. Tôi không biết nội chiến nghĩa là gì. Những sự kiện lớn như thế trong dòng lịch sử chỉ lướt qua tôi. Những gì tôi nhớ được là cảm giác an toàn và được yêu thương, mùi nước hoa của mẹ, được thức muộn cùng cha mẹ trong khi ông bà dùng bữa tối, rồi ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ. Tôi có thể kể cho các bạn nghe rất nhiều về những cái hôn của bà. Còn chuyện cha mẹ tôi nói với nhau thì tôi chẳng kể được mấy, ngoại trừ một điều là rõ ràng nó làm họ buồn.
Sự thật là tôi không hiểu những sự kiện trọng đại nào đang xảy ra, hay chúng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi như thế nào. Thế giới của tôi xoay quanh những điều nhỏ bé hơn. Một con cá sấu nhồi, một anh thợ cạo bị chết đuối, một đôi hài bằng bạc đối với tôi cũng lạ lùng như một ông vua bị mất đầu.
Ngày tháng giêng đó có tuyết rơi và dòng sông đã bắt đầu đóng băng. Tôi hăm hở chạy đi tìm chị Danes để báo tin này và thấy chị đang khóc. Riêng điều này đã là bất thường rồi, vì chị Danes không hay khóc.
- Thật chẳng khác gì là giết người, chị vừa nói vừa lau nước mắt.
- Ai bị giết hở chị Danes? - Tôi hỏi, lòng đầy tò mò.
- Nhà vua - Chị trả lời. - Rõ là một việc làm xấu xa, nó sẽ chẳng đem đến điều gì tốt đẹp hết.
- Ai đã làm việc gì cơ?
- Oliver Cromwell và đao phủ của hắn. - Chị Danes đáp - Thật khủng khiếp! Ai mà ngờ nổi là chúng ta phải sống để chứng kiến cảnh nhà vua của mình bị chặt đầu cơ chứ?
- Chị nhìn thấy à? - Tôi hỏi.
- Không, không, nhưng ông thợ may Thankless thì có. Ông ấy bảo đó là cảnh tượng đáng buồn nhất mà ông ấy xui xẻo phải chứng kiến. Chúng giơ cao đầu nhà vua lên cho tất cả thấy và đám đông kêu lên, một tiếng kêu London chưa từng nghe thấy. Chúng ta đang phải sống trong những ngày đen tối, chim sẻ nhỏ của chị.
Đang là mùa đông nên tôi nghĩ hẳn là chị nói đúng.
Chị Danes hỉ mũi.
- Đức vua đã chết. - Chị rầu rĩ nói. - Đức vua muôn tuổi.
- Làm sao một người lại có thể vừa đã chết lại vừa muôn tuổi được? - Tôi hỏi. Đó có vẻ là một điều rất khó thực hiện.
- Bởi vì, - chị Danes đáp - con trai người, Thái tử Charles vẫn còn sống, và ơn Chúa, thái tử nhất định sẽ kế tục ngai vàng.
Đó là một mùa đông giá buốt, và tuyết phủ kín London trong tấm chăn màu trắng dày đến nỗi một sự im lặng kỳ quái bao trùm cả thành phố. Những bánh xe nước vĩ đại ở hai đầu cầu thôi không quay ầm ầm nữa và đã lủng lẳng các nhũ băng khổng lồ, trong khi dòng sông bắt đầu đông cứng lại. Cha Già Thames trông như thể đang nuôi một bộ râu dài trắng toát.
Một khu chợ Sương Giá mau chóng được dựng trên mặt sông đóng băng, với những sạp hàng căng bạt bán đủ thứ tuyệt vời: găng tay, mũ, đăngten, nồi, chảo, kim khâu, bi ve, búp bê, con quay, bánh gừng, hạt dẻ rang. Các quán rượu ầm ĩ thì đầy thức ăn và rượu bia, đến tận đêm khuya tôi vẫn còn nghe thấy tiếng ca hát, hò hét ngoài cửa sổ và ngửi thấy mùi bánh nóng lôi kéo những khách bộ hành bước lên mặt băng.
Ông thợ cạo Mullins sống gần nhà tôi ở Cheapside là một trong những người đầu tiên dám đi lên băng. Ông dựng cái lều nhỏ sọc đỏ và trắng của mình lên và mời chào khách hàng, hứa hẹn họ sẽ có bộ mặt được cạo nhẵn nhụi nhất London. Từ bờ sông, mọi người sợ hãi nhìn ông thợ cạo, tự hỏi không biết lớp băng trên mặt sông đã đủ dày để đi lại chưa.
- Tới đây thôi! - Ông Mullins kêu lên. - Nó cứng như đá ấy, có thể đỡ cả Quỷ Satăng ấy chứ!
Để chứng minh cho lời mình, ông nhảy huỳnh huỵch trên mặt băng phẳng lỳ như gương.
- Ông Mullins khờ quá. - Mẹ tôi nói khi băng trên sông Thames bắt đầu nứt, và chúng tôi nhìn tất cả những người bán hàng khác nhào lên bờ. Ông Mullins không chịu đi. Khi không có người khách nào dám đi trên băng tới chỗ ông, ông gào lên với họ từ lều của mình:
- Các vị còn chờ gì nữa? Tôi có thứ thuốc tốt nhất thành phố dành cho những cái đầu hói đấy!
Ông Mullins trở thành đề tài bàn tán của cả phố, không phải vì thứ thuốc chữa hói đầu mà vì cái cách ông ta rơi thẳng qua lớp băng xuống nước, cùng với tất cả xô chậu và dao cạo
Tôi hỏi chị Danes ông ta rồi sẽ ra sao.
- Lão già rồ dại. - Chị nói. - Chắc hẳn lão đã dựng lều dưới đáy sông, lại mở cửa để làm ăn và đưa chuyện rồi.
Từ đó về sau tôi cứ tưởng tượng ra ông Mullins đang cắt tóc cho các mỹ nhân ngư và tỉa râu cho thuỷ quái. Với ý nghĩ đó đinh ninh trong đầu, tôi không băn khoăn gì thêm về ông thợ cạo nữa, mà chỉ lấy làm tiếc là ông ta đã không đem theo cả con cá sấu nhồi.
Con cá sấu của thuyền trưởng Bailey tặng cha tôi. Ông ta mua nó ở tận Trung Quốc. Nó nằm đó, đầy hăm doạ trên nóc chiếc tủ gỗ mun trong phòng làm việc. Chìa khoá đặt giữa bộ hàm trắng ởn với những chiếc răng sắc nhọn.
Tôi luôn bị mê hoặc bởi những vật báu chứa trong chiếc tủ, nào là vỏ ốc mà khi áp lên tai thì có thể nghe được tiếng đại dương, một chiếc mai rùa tí xíu, nào là những con bướm có đôi cánh màu xanh lơ huy hoàng. Nhưng khi nhìn thấy con cá sấu thì tôi òa khóc, tin chắc nó là con vật sống thực. Trông nó có vẻ rất tức tối và không thích thú chút nào vì đã bị nhồi.
- Nó chỉ là một con cá sấu con thôi. - Cha nói và cầm nó lên cho tôi xem - Nó không cắn đâu.
Tôi không muốn lại gần nó. Tôi biết nó đang bí mật đợi và chỉ chờ chúng tôi ra khỏi phòng là lập tức sống lại.
Ý nghĩ đó làm tôi kinh hoàng và khiến tôi mơ thấy những cơn ác mộng khủng khiếp đến nỗi chị Danes phải thắp tất cả nến trong phòng vào ban đêm để có thể chắc là con cá sấu không vào được. Nhưng chị không bao giờ gọi tôi là đứa nhát gan, và trong thâm tâm tôi cảm thấy chị cũng sợ con cá sấu như tôi vậy.
Cuối cùng mùa đông cũng qua và mùa xuân đến, khiến tất cả mọi người ngạc nhiên thích thú. Những cánh cửa sổ được mở tung, thảm được đem ra đập cho sạch bụi, như thể ngôi nhà của chúng tôi là một tấm chăn lớn đang được rũ cho hết chấy rận. Mọi thứ được cọ rửa và lau chùi, đánh bóng cho đến khi khắp nhà toàn mùi hoa oải hương và sáp ong. Những bó hoa tươi được đặt trong tất cả các phòng. Tất cả quần áo đều được đem hong, đồ vải lanh đem giặt và ông thợ may Thankless được mời đến. Những bộ đồ mới được đặt may, còn đồ cũ thì được sửa lại.
Giữa tất cả những sự nhộn nhịp ấy, một điều rất lạ đã xảy ra. Một cái gói được đem bỏ ở ngoài cổng vườn. Trên cái gói không có tên và cũng không dấu hiệu nào cho biết nó từ đâu đến. Cái gói bí ẩn được đem vào nhà và đặt trên bàn trong tiền sảnh. Mỗi lần nhìn thấy nó nằm đó là tôi lại nôn nao hồi hộp.
Cuối cùng thì mẹ cũng mở nó ra, cẩn thận kiểm tra xem có dấu hiệu nào chứng tỏ nó được gửi cho ai không. Bên trong cái bọc là một đôi hài trẻ con bằng bạc tuyệt đẹp. Chúng có những mũi khâu nhỏ xíu bằng chỉ bạc và ở gót có thêu chữ C. Tôi biết đôi hài dành cho tôi.
- Cho con thử được không? - Tôi hỏi, nhảy cẫng lên vì vui sướng.
Mẹ không nói gì, chỉ đem đôi hài đến bên cửa sổ để xem cho kỹ. Chúng toả sáng lấp lánh như được làm bằng thuỷ tinh. Chúng thì thầm với tôi: "Hãy lồng chúng tôi vào đôi chân xinh xắn của cô đi."
- Xin mẹ! - Tôi kéo váy mẹ nài. - Cho con thử đi mà!
- Mẹ nghĩ không được đâu. - Mẹ tôi lặng lẽ đáp. Bà đem đôi hài trở lại bàn và bọc chúng trở lại trước cặp mắt kinh ngạc của tôi.
Nhìn thấy đôi hài biến mất như thế thật quá sức chịu đựng của tôi. Như thể tim tôi chắc chắn sẽ vỡ tan nếu không có được chúng.
- Chúng được dành cho con mà. - Tôi nói một cách tuyệt vọng. - Chúng có chữ C ở đế. C là chữ viết tắt của Coriander.
- Mẹ đã bảo là không được. - Mẹ tôi nói. Giọng bà có một vẻ gay gắt mà tôi chưa từng nghe thấy. Điều ấy khiến tôi hoảng hốt, bởi tôi không hiểu nổi tại sao một món quà tuyệt vời đến thế lại có thể làm mẹ gắt gỏng như vậy.
- Mẹ xin lỗi, Coriander. - Mẹ nói, giọng dịu dàng hơn. - Nhưng đôi hài này không phải để cho con đâu. Hãy kết thúc chuyện này ở đây.
Đó không phải là sự kết thúc. Nó mới là đoạn khởi đầu.
Tôi cảm thấy việc không có được đôi hài giống như bị dày vò bởi một cơn đói không bao giờ dịu. Tôi biết chúng vẫn còn ở trong nhà. Tôi dám chắc có lúc nghe thấy chúng gọi, và mỗi lần tôi đi theo tiếng gọi thì nó luôn dẫn tôi đến cửa buồng làm việc của cha tôi.
Hoá ra, thứ tôi nên sợ không phải là con cá sấu mà lại chính là đôi hài bạc ấy. Chúng tới từ một vùng đất không con tàu nào tới được, một nơi không có trên bất kỳ tấm bản đồ nào của thế giới này. Chỉ có những người thuộc về nơi ấy mới tìm được nó.
Còn tiếp...