Tổng thanh tra Chính phủ Quách Lê Thanh. (Tuổi Trẻ) |
- Dư luận đang rất quan tâm tới việc ông Lương Cao Khải trước khi bị bắt đã đưa hối lộ Tổng thanh tra số tiền 110 triệu đồng. Xin ông cho biết ý kiến chính thức của ông về sự việc này?
- Ngày 26/9/2005, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng họp với các cơ quan nội chính và thanh tra để nghe Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) báo cáo về vụ án tiêu cực liên quan tới một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ trong quá trình thanh tra dự án tuyến ống, kho cảng khí hóa lỏng Thị Vải.
Mấy ngày sau, vào tối 6/10, ông Lương Cao Khải cùng vợ đến nhà riêng của tôi. Khải hỏi tôi: “Nghe tin cơ quan công an đang điều tra vụ án của đoàn thanh tra phải không anh?”.
Tôi trả lời: “Chưa nhận được báo cáo nào của cơ quan chức năng, nhưng anh em trong đoàn phải bình tĩnh, nếu đúng có vụ án này thì phải trình bày rõ các khuyết điểm của mình”. Thậm chí tôi còn nói rõ: “Nếu chú nào nhận tiền của người ta thì mang trả đi”.
“Lần thứ ba vào ngày 15/12/2005, đồng chí Trương Vĩnh Trọng gọi tôi lên phòng làm việc. Đồng chí Quách Lê Thanh giao tiếp một phong bì, tôi mở ra đếm là 30 triệu đồng. Đồng chí Thanh đề nghị là đã báo với đồng chí Trọng ngày 25/10 nên ghi nhận là ngày 25/10, đồng chí Trọng đồng ý nên tôi viết trong giấy biên nhận là ngày 25/10”. (Trích nội dung tường trình của ông Trịnh Vinh Thịnh - Phó văn phòng Ban Nội chính T.Ư) |
Tôi nói ngay: “Khải à, anh ốm từ tháng tư đến tháng sáu, giờ tới tháng mười, nếu có chết cũng được trăm ngày rồi, bây giờ anh đã khỏi, chú cầm về đi”. Tôi khuyên bảo như vậy, Khải không cầm lại tiền mà bỏ đi.
Sáng hôm sau, tôi báo cáo việc này với anh Trương Vĩnh Trọng, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương, và đề nghị: “Anh là người đang chỉ đạo phá vụ án này, anh cho em gửi lại và chứng nhận giúp em việc này”.
Chiều 7/10, tôi trực tiếp đến nhà anh Trọng và gửi lại phong bì tiền. Anh Trọng gọi đồng chí Trịnh Vinh Thịnh - Phó văn phòng Ban Nội chính trung ương - lên, dặn: “Chú giữ số tiền này cho anh Thanh”. Lúc đấy, anh Thịnh mới cắt phong bì ra và đếm được 30 triệu đồng gồm toàn tiền mệnh giá 500.000 đồng. Sau đó anh Thịnh có ghi giấy biên nhận cho tôi.
- Có ý kiến đặt vấn đề liên hệ giữa việc lần này với chuyện trước đây lãnh đạo Thanh tra Chính phủ từng đề nghị cử ông Lương Cao Khải làm vụ trưởng Vụ 1 của Thanh tra Chính phủ?
- Lúc tôi về, anh em trong cơ quan ca ngợi ông Khải là một trưởng đoàn thanh tra làm rất “cứng tay”. Trước đó, ông Khải từng làm trưởng đoàn ba đoàn thanh tra lớn tại Tổng công ty Dầu khí, Tổng công ty Rượu bia, Tổng công ty Dệt may.
Từng là người ở ngân hàng sang, ông Khải đã giúp kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Năm 2002, Vụ trưởng Vụ 1 chuẩn bị nghỉ hưu, ông Khải là ứng cử viên trong số các vụ phó. Nhưng khi cử người đi thẩm tra, anh em có ý kiến phản ảnh là không được nên lại thôi.
Trên đường về nhà, vợ tôi gọi điện thoại báo: “Chú Khải lại đến, đang chờ ở nhà, bố nhớ cẩn thận”. Ngay khi đó, tôi điện thoại báo cho anh Trọng, anh Trọng nói: “Chú cứ về nhà, có gì báo lại sau”.
Tôi về nhà, Khải đưa cho tôi một tập giấy tờ, bảo: “Em gửi anh tập tài liệu về thanh tra dầu khí hồi trước đây khi anh chưa về, anh đọc và hiểu cho em”. Khi đó nhà tôi đang có khách, vì vậy tôi cũng mất cảnh giác, không mở tập tài liệu ra kiểm tra ngay.
Đến khuya, khi khách về hết, mở ra thấy chiếc phong bì, tôi có gọi điện thoại báo cho anh Trọng ngay. Đến ngày 13/10, tôi lên gặp anh Trọng ở phòng làm việc. Nói thật phong bì trên lúc nào tôi cũng để trong cặp, sợ để ở nhà vợ con không biết lại lấy tiêu mất thì nguy.
Anh Trọng cũng gọi đồng chí Thịnh lên, mở phong bì và đếm, lần này được 50 triệu đồng (cũng tiền 500.000 đồng).
Ngày 15/10, trước khi Khải bị bắt năm ngày (Lương Cao Khải bị bắt hôm 20/10/2005), Khải lại đến nhà tôi lúc đang có một số cán bộ Thanh tra Chính phủ ngồi chơi. Khải ngồi một lát, trước lúc ra về có vào phòng trong chào vợ tôi và để lại một tập tài liệu.
Khi anh em về hết, tôi mở ra lại thấy một phong bì nữa. Sáng hôm sau, tôi lên báo cáo anh Trọng. Anh Trọng nói: “Ông báo cáo tôi được rồi, còn tiền ông cứ tạm giữ đấy”. Tôi tạm giữ lại phong bì đó.
- Nhiều ý kiến nghi ngờ về thời điểm ông Lương Cao Khải đưa tiền cho Tổng thanh tra và thời điểm Tổng thanh tra báo cáo lãnh đạo Ban Nội chính trung ương, ông nghĩ sao về điều này?
- Thứ nhất, không dại gì mà Lương Cao Khải chia tiền cho tôi khi tôi vừa chân ướt chân ráo về Thanh tra Chính phủ. Thủ trưởng mới về, ai dám chia tiền tiêu cực, như thế khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”.
Thứ hai, tôi với tâm trạng của một người vừa được bổ nhiệm đi làm “quan”, mới đến đất này, làm sao có thể dính vào đó. Dẫu có “tham ăn” như Trư Bát Giới cũng không dại gì dính vào. Tôi khẳng định đây không phải là tiền ăn chia tiêu cực cho tôi mà là tiền Lương Cao Khải đưa để nhờ “chạy tội” khi chưa khởi tố vụ án.
- Có dư luận cho rằng một số lãnh đạo các đơn vị trong ngành dầu khí đã nhờ trưởng đoàn Lương Cao Khải chuyển tiền cho lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để “cảm ơn” vì chấp nhận giảm nhẹ mức sai phạm, cũng như không đề xuất mức kỷ luật nặng đối với họ sau khi thanh tra bốn dự án dầu khí?
- Đúng là ngay lúc đầu có dư luận Khải chia cho tôi tiền tiêu cực thu từ dầu khí, đến khi công an “rờ” đến Khải thì tôi mới đi nộp lại tiền, mà phải nộp tới ba lần. Nhưng như vậy bản chất sự việc sẽ khác.
Việc thanh tra dầu khí đã kết luận ba năm trước, không thể mãi ba năm sau mới gửi số tiền đó “cảm ơn”. Thời điểm kết thúc thanh tra dầu khí là cuối 2002, đầu 2003, còn thời điểm “chạy” đến tôi là cuối 2005, sau khi có cuộc họp bên Chính phủ nghe báo cáo về vụ việc này.
Tôi không biết tiền Khải đưa cho tôi là từ nguồn nào, nhưng có điều chắc chắn rằng tiền thu từ tiêu cực của Khải chắc chắn phải lớn hơn số tiền đưa cho tôi nhiều lần.
- Thưa ông, ông có nắm được thông tin gì về việc bị can Lương Cao Khải khai báo với cơ quan chức năng về số tiền “đưa hối lộ” trên?
- Tôi chỉ biết qua báo chí rằng Khải có lúc nói đó là tiền gửi tôi “mua thuốc”. Nói thật, nếu tôi có ý định “ăn”, việc gì tôi phải báo cáo, các anh biết là tôi có kinh nghiệm trong chuyện xử lý những việc như thế này.
Tôi có 10 năm ở Ban Nội chính trung ương, từng theo dõi giải quyết nhiều vụ án, nhưng không thể lợi dụng trọng trách Đảng giao cho mình để làm như vậy. Cũng có anh em hỏi tôi tại sao anh không lập biên bản ngay khi Khải đưa tiền.
Nói thật nếu là người ngoài cơ quan Thanh tra Chính phủ, tôi đã lập biên bản ngay rồi. Nhưng vì đây dù sao cũng là lính của mình, nếu tôi lập biên bản ngay, Khải sẽ thêm tội “đưa hối lộ”.
- Vì sao ông không gọi ông Lương Cao Khải lên để trả lại tiền như có một số người từng làm?
- Ngay lần đầu tiên, lúc chưa ai biết chuyện, tôi đã khuyên bảo Khải rồi, nhưng Khải không chịu nghe mà bỏ đi. Tính tôi nếu nói không nghe thì thôi.
Nhưng lần thứ hai, thứ ba, Khải không phải là đưa trực tiếp mà dùng thủ đoạn là kẹp phong bì trong các tài liệu và để lại nhà tôi. Tôi đảm bảo rằng việc đưa tiền này để “mua” tôi, nhưng cái đầu ông Quách Lê Thanh chỉ 110 triệu đồng thì mua thế nào!
Đúng là 110 triệu đồng cũng rất cần, tôi không có nhiều tiền, nhưng không phải để bán cái đầu này với giá 110 triệu đồng. Hai lần sau với thủ đoạn như vậy, ai biết trước mà phòng, rồi có phải chỉ mình Khải làm việc này hay không, hay làm theo chỉ đạo thế nào...
Mặt khác, hành vi của Khải rõ rồi, tôi cũng đã nói với anh Trọng: “Anh chỉ đạo khởi tố vụ án càng sớm càng tốt”.
“Đến 15/12/2005, anh Trương Vĩnh Trọng có gọi điện thoại bảo tôi lên để xử lý số tiền Khải đưa hối lộ, tổng cộng ba lần là 110 triệu đồng. Anh Trọng yêu cầu tôi mang số tiền này qua cơ quan điều tra, nhưng tôi nói: “Nếu anh chỉ đạo em đưa sang cơ quan điều tra từ đầu thì em đưa ngay lúc đó, giờ gộp cả ba lần mới nộp thì còn nói gì nữa. Thôi em gửi đây nhờ anh giao cho chú Thịnh giữ hộ, để khi nào cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát qua lấy ở đây thôi”. Cũng vì vậy, tôi đề nghị anh Trịnh Vinh Thịnh ghi giấy biên nhận là lần nộp tiền thứ ba vào 25/10, chỉ năm ngày sau khi bắt Lương Cao Khải, không phải là vào ngày 15/12 (!?). (Trả lời báo chí chiều 24/2 của Tổng thanh tra Quách Lê Thanh) |
(Theo Tuổi Trẻ)