Suốt 5 năm qua, gia đình chị Quý (trong ngõ nhỏ của quận Hoàng Mai, Hà Nội) luôn phải chịu đựng những tiếng khoan đục ầm ĩ vào thứ bảy, chủ nhật và cả dịp lễ phát ra từ nhà bên cạnh. Do không có nhiều tiền, hàng xóm tranh thủ tự sửa nhà lúc rảnh rỗi vì anh chồng từng làm thợ xây. Chị Quý chia sẻ lại nỗi mệt mỏi của gia đình:
Trong ngõ nhà tôi có nhiều ngách nhỏ với khoảng 20 nhà nằm san sát nhau. Vài năm gần đây, các gia đình có điều kiện hơn nên thường xuyên có nhà tiến hành xây mới, sửa chữa. Bởi vậy, ngõ bày bừa vật liệu xây dựng, tiếng đập phá, khoan cắt.
Vì nhà nào cũng phải dính việc cải tạo nên mọi người đều cố chịu đựng vì nghĩ tới lượt mình cũng sẽ làm phiền hàng xóm.
Thông thường, mỗi hộ mất khoảng 6-8 tháng để xây xong nơi ở. Nhưng hàng xóm nhà tôi lại khác. Gia đình có hai vợ chồng, hai con nhỏ và một mẹ già, điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, các anh em trong nhà khá giàu có nên sẵn sàng hỗ trợ tiền xây nhà để mẹ và em được sống thoải mái.
Lúc đầu, họ định xây nhà 3 tầng trên mảnh đất 56 m2, sau đó, đổi ý xây thêm một tầng để có một phòng ngủ dự phòng cho khách ở quê ra chơi. Gia đình cũng muốn xây hết số tầng quy định để sau này không phải xin phép khi muốn cơi nới.
Tuy nhiên, họ không có một đồng nào khi xây nhà. Toàn bộ kinh phí là do anh em cho và vay không lấy lãi, vào khoảng 700 triệu. Khoản tiền eo hẹp trong khi diện tích xây dựng nhiều nên hàng xóm chủ trương làm khung, đổ mái bê tông, xây tường bao trước. Còn việc làm nội thất như trát, sơn tường, đường điện nước, ốp lát gạch... làm sau.
Để tiết kiệm chi phí, có nhiều phần việc, người chồng tự làm. Thay vì thuê người phá nhà tập trung trong một vài ngày, anh thuê thêm một thợ phụ và tự dùng khoan tháo dỡ ngôi nhà cấp bốn. Không giống các chung cư có quy định giờ giấc sửa nhà, ở khu nhà tôi, việc thi công được tiến hành bất chấp thời gian. Từ 7h sáng tới tối mịt, vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả dịp nghỉ lễ, các hộ vẫn thoải mái đục phá.
Sau khoảng 8 tháng, gia đình họ chuyển từ chỗ trọ về nhà để ở dù nhiều mảng tường chưa sơn trát, một số phòng ở tầng 3-4 chưa làm đường điện, nhà vệ sinh chưa lắp thiết bị vệ sinh...
Thấy nhà hàng xóm có nơi ở mới, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm vì cuối tuần đã có thể ngủ dậy muộn hơn, yên tĩnh đọc sách, xem phim. Thế nhưng, mọi chuyện không như tôi suy nghĩ.
Nhà hàng xóm vẫn túc tắc dành thời gian rảnh để hoàn thiện nốt. Đợt nào dành dụm được ít tiền, người chồng lại mua vật liệu xây dựng để tiếp tục công cuộc xây tổ ấm. Đi làm cả ngày nên anh cũng chỉ rảnh vào buổi tối và cuối tuần, lễ lạt.
Có những phần sửa chữa rất êm ả và yên tĩnh như trát, sơn tường nhưng cũng có những lúc thật kinh khủng như khoan đục tường để làm đường điện, lắp cửa, thiết bị vệ sinh, lan can cầu thang... Giường tôi kê sát vách ngăn cách hai nhà nên cảm thấy tường rung chuyển.
Không chỉ thế, nhiều phần trong ngôi nhà chưa hoàn thiện như thiếu đường ống dẫn nước từ mái xuống đất. Bởi vậy, khi trời mưa, nước từ hố thoát chảy xối xả từ trên mái tầng 4 xuống người qua đường.
Những công việc sửa chữa lặt vặt luôn diễn ra bất ngờ, theo điều kiện của hàng xóm nên cả nhà tôi cũng thấp thỏm theo. Có những lúc 22h, tôi vẫn thấy tiếng khoan ầm ầm như xoáy vào tai mình.
Cũng vài lần tôi sang góp ý, bà cụ trong nhà ra tiếp chuyện lại nói: "Thôi, anh chị thông cảm, gia đình không thuê được người làm luôn một lúc. Có tiền là chúng tôi tranh thủ cố gắng làm nhanh cho đỡ phiền mọi người".
Nhưng rồi, sắp sang cái Tết thứ năm mà ngôi nhà vẫn còn phải sửa. Mới hôm rồi, tôi đi làm về thấy mẹ chồng thông báo, hàng xóm sẽ có đợt làm đường điện ở tầng 5. Có hôm thứ bảy, tôi ra ngoài cả ngày để tránh nạn thì họ không sửa vì cũng cho con đi chơi. Nhưng tới chủ nhật, gia đình ở nhà để ăn uống thì lại phải chịu cảnh sống chung với tiếng ầm của xây dựng.
Thỉnh thoảng lên chơi nhà người quen ở các khu chung cư, tôi lại thèm được sống như họ dù nhà hiện tại của tôi còn rộng hơn nhiều. Tôi chỉ ước ở ngõ nhà mình cũng có quy định không tiến hành sửa nhà cửa vào ngày cuối tuần và sau 19h mỗi ngày.
Nguyễn Thị Quý
Chia sẻ kinh nghiệm ở nhà đất của bạn tại đây.