Tôi là nhân viên văn phòng ở công ty tầm trung của nước ngoài với mức lương tương đối thấp. Tôi ở đây đã hơn 5 năm vì công việc này cho tôi sự thoải mái về tinh thần, có thời gian chăm sóc gia đình và tìm hiểu các kênh đầu tư. Điều tôi biết ơn nhiều nhất khi ở đây là không bị áp lực trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ; vẫn nhận đủ lương trong giai đoạn phong tỏa vì dịch Covid. Tuy nhiên, tôi đã nhiều lần muốn nhảy việc vì công việc này không thể phát triển lâu dài, tôi không đam mê và đó không phải điểm mạnh của bản thân. Tôi cũng hiểu rõ nếu ở một nơi quá lâu, mình sẽ trở nên chây ì và khó tiến lên phía trước.
Gần đây, công ty đang tái cơ cấu và đưa ra những chính sách như: một người làm việc của hai người; mọi nhân viên đều là seller; tận dụng nhân lực của công ty để tiết kiệm chi phí thuê ngoài;... Hơn nữa, công ty muốn cắt giảm nhân sự bằng cách gây áp lực để mọi người chán nản rồi chủ động nghỉ việc. Khi nghĩ về tương lai của công ty, tôi chỉ thấy một bức tranh xám xịt. Trước biến động trên, tôi càng muốn nghỉ việc hơn bao giờ hết. Đặc biệt bộ phận của tôi hay nhận những yêu cầu gấp và xoay vòng trước những thay đổi của cấp trên. Những nguyên nhân trên làm tôi thật sự mệt mỏi, chán nản, mỗi ngày tôi đều tự hỏi: Tại sao mình vẫn làm công việc này? Không lẽ mình tệ đến mức phải chấp nhận việc như thế sao?
Vài tháng trước, tôi lên kế hoạch ôn luyện ngoại ngữ rồi học các kỹ năng cần thiết để tự tin nhảy việc nhưng hiện tại, tôi vẫn dậm chân tại chỗ. Đó là sự yếu kém của bản thân khi chưa đủ quyết tâm và chưa cân bằng thời gian giữa công việc - gia đình - phát triển bản thân. Nhân tiện, tôi xin thể hiện sự ngưỡng mộ đến những chị em phụ nữ đã luôn không ngừng phát triển bản thân mỗi ngày dù đang ở hoàn cảnh nào. Tôi đang trong trạng thái chê công việc tương đối đơn giản với mức lương tương đương hoặc không đủ tự tin với những việc lương cao, yêu cầu ngoại ngữ và các kỹ năng mềm.
Nếu cứ vừa làm việc vừa tìm việc, có lẽ một hai năm nữa, tôi vẫn ở đây và chán việc. Vậy nên, tôi quyết định nghỉ việc hẳn, dứt bỏ cảm giác chán ngán, nhìn lại bản thân và tập trung phát triển các kỹ năng cần thiết rồi tìm công việc mới. Tiền trợ cấp thất nghiệp cùng khoản tiết kiệm nho nhỏ giúp tôi đóng góp chi tiêu gia đình trong 8-10 tháng.
Về tài chính, vợ chồng tôi sống trong một căn hộ, có ít tài sản cùng khoản nợ ngân hàng gần một tỷ đồng. Sau dịch Covid, thu nhập của chồng giảm đi nhiều, chỉ đủ chi tiêu và hỗ trợ ba mẹ ở quê nhưng anh vẫn ủng hộ quyết định của tôi. Anh khuyên tôi: Chúng ta không phải cây cối, có thể di chuyển để tìm nơi khác phù hợp hơn. Tôi quan niệm rằng mình có thể bán bớt đất lấy tiền giúp đỡ người thân hoặc làm thiện nguyện nhưng không chấp nhận việc bản thân ở nhà ngồi chơi, sống ỷ lại vào chồng. Vậy nên, khi chồng kiếm tiền nhiều hay ít, tôi vẫn chi tiêu trong khả năng kiếm tiền của mình. Đó cũng là nguyên nhân tại sao tôi không dám nghỉ việc ngay dù chán việc khá lâu rồi.
Chủ động thất nghiệp là chặng dừng chân để tôi nghỉ ngơi một chút, nhìn lại bản thân cần gì và muốn gì, nạp lại năng lượng và tiếp tục hành trình phía trước. Nó rủi ro hơn khi kinh tế đang suy thoái, việc làm khan hiếm nhưng dù sao, chấp nhận khó khăn trước mắt để thay đổi vẫn hơn làm một công việc an toàn với cảm xúc tiêu cực. Khi còn là sinh viên, với sự nhiệt huyết và chút mộng mơ, tôi thường nghĩ về bản thân 10 năm sau với những phiên bản khác nhau nhưng không ngờ tuổi 30 của hiện tại, tôi chọn thất nghiệp chủ động để tìm kiếm hướng đi phù hợp với bản thân. Xin chúc các anh chị độc giả nhiều sức khỏe và an yên vui sống mỗi ngày.
Linh Trang