Hôm 9/10, nhà thơ Đỗ Anh Vũ đăng bản phổ nhạc bài hát Tôi hỏi cây tần bì, theo bản dịch thơ của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, lời gốc do Vladimir Kirshon viết. Nhạc phẩm kể một chuyện tình người con trai đi tìm cô gái mình yêu, anh chất vấn nhiều sự vật, hiện tượng, từ cây tần bì, cây dương trắng, vầng trăng... nhưng đều nhận sự im lặng, cuối cùng anh được biết cô đã lấy chồng.
Bản dịch thơ của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên
Đỗ Anh Vũ thu âm bài hát từ năm ngoái, chỉ gửi cho bạn bè nghe, được một số người từng học ở Nga khen hay. Đỗ Anh Vũ nói: "Tôi thay đổi từ giọng thứ của bài hát gốc sang giọng trưởng, mục đích giảm bớt sự bi lụy, mang đến nét lạc quan, vui tươi hơn. Chàng trai khi biết sự thật về người mình yêu ngỡ ngàng, nhưng vẫn mong điều tốt đẹp sẽ đến với cô". Ông Phạm Xuân Nguyên nhận xét Anh Vũ tạo sức sống mới cho ca khúc nguyên bản vốn rất quen thuộc.
Bài thơ gốc ra đời năm 1936, được Khrennikov phổ nhạc trong vở kịch Ngày sinh nhật của chính tác giả Vladimir Kirshon. Tuy nhiên, phiên bản này thất lạc nhiều năm. 40 năm sau, bài thơ được Tariverdyev phổ lại, xuất hiện trong phim Số phận trớ trêu, qua tiếng hát Sergei Nikitin, được chiếu ở Nga hàng năm mỗi dịp giao thừa.
Phim kể về anh chàng Zhenya, vì say khướt trong ngày cuối năm mà lên nhầm máy bay, vô tình đến nhà Nadya rồi ngủ bất tỉnh nhân sự, khiến chồng sắp cưới của cô hiểu lầm. Zhenya và Nadya từ chỗ thù ghét dần cảm mến nhau. Nhà thơ Hữu Việt nhớ những năm 1981-1986, khi anh du học ở Nga, ca khúc Tôi hỏi cây tần bì rất nổi tiếng, sánh ngang nhiều tác phẩm như Triệu đóa hồng, Đôi bờ, Thời thanh niên sôi nổi. Năm 2010, Alexander Rybak - quán quân Eurovision 2009 - làm mới ca khúc một lần nữa. Anh đưa tiếng violin da diết vào phần mở đầu, làm tăng tính tự sự của bài hát, được khán giả đón nhận.
Tôi hỏi cây tần bì gắn với đời sống văn hóa nhiều thế hệ người Việt nói chung, du học sinh Việt ở Nga nói riêng. Phạm Xuân Nguyên cho biết được bạn bè hát cho nghe từ những năm 1980. Hai mươi năm sau, khi Trung tâm Văn hóa Đông Tây được thành lập, ông mới có cơ hội tiếp xúc tác phẩm gốc của Vladimir Kirshon. Ông cảm nhận bài thơ, ca khúc đều giản dị, đầy cảm xúc, miêu tả nỗi buồn thơ mộng và đẹp. Câu "Tôi hỏi cây tần bì" ám ảnh tâm trí, cuốn ông theo nhịp thơ năm chữ. Nhà phê bình sử dụng nhiều thanh bằng trong bản dịch, tạo cảm giác chơi vơi, lơ lửng, buồn thương, tiếc nuối.
Ca khúc hiện vẫn được những người từng du học Nga hoặc học tiếng Nga nghêu ngao mỗi khi tụ tập. Ca sĩ Tùng Dương, nhà thơ Đỗ Anh Vũ - thuộc thế hệ 8x - không học tiếng Nga nhưng vẫn ảnh hưởng bởi dư âm văn hóa nước bạn. Anh Vũ thường nghe các đàn anh trong đại học, những nhà thơ, nhà văn thế hệ trước hát ca khúc. Còn Tùng Dương biết đến Tôi hỏi cây tần bì từ nhỏ, qua lời kể và giọng hát của bố anh - người từng làm việc ở Nga nhiều năm.
Năm 2017, phần hòa tấu ca khúc được đưa vào phim Tết Mátxcơva - Mùa thay lá của đạo diễn Trọng Trinh. Phim lấy bối cảnh nước Nga, nơi Minh (Hồng Đăng) và Phương (Hồng Diễm) từng yêu nhau. Hai người chia tay vì biến cố, rồi tình cờ gặp lại sau nhiều năm giữa thủ đô Moskva. Thế nhưng lúc này, Phương lại là vợ Đức (Việt Anh). Tình cảm của họ bị giằng xé, ngăn cách bởi danh phận, trách nhiệm... Đoạn nhạc Tôi hỏi cây tần bì trở đi trở lại nhiều lần, đồng điệu nội dung phim, khiến khán giả day dứt.
Hồng Diễm nói khi quay cảnh nhân vật Phương chia tay Minh, đạo diễn Trọng Trinh đã cho cô nghe bài Tôi hỏi cây tần bì. Khi tiếng violin vang lên, cô xúc động khôn nguôi nên nhập vai nhanh chóng. Hồng Đăng cho biết anh khóc khi nghe nhạc, quay cảnh đọc phần dịch nghĩa bài thơ trong công viên. Nhiều khán giả trẻ khi ấy nói họ phải lòng bản nhạc từ lần đầu nghe, lập tức tìm kiếm thông tin về ca khúc.
Xem xong bộ phim, nhà thơ Lê Tự Minh cảm động. Ông nhớ những kỷ niệm thời học tập, làm việc ở Nga, nhanh chóng dịch bài hát trong khoảng một tiếng. Nhạc phẩm từng được Thanh Lam, Tùng Dương, Thùy Chi trình bày với ca từ khắc khoải: "Em nơi nào hàng cây biết không? Em phương nào tần bì nói đi. Cây xanh lắng im trong trời chiều. Không nói em ở chốn nào".
Bản dịch của nhà thơ Lê Tự Minh
Theo nhà thơ, ca khúc truyền tải thông điệp những điều tốt đẹp bạn không trân trọng sẽ thuộc về người khác. Cuối bài hát, ông dịch: "Người ấy, vợ tôi bây giờ. Cô ấy yêu anh, từng rất yêu anh. Người ấy, vợ tôi bây giờ".
Hà Thu