Tôi 45 tuổi, vợ tôi 39. Chúng tôi có 2 con gái, 9 tuổi và 6 tuổi. Cuộc sống vợ chồng không được suôn sẻ, hay cãi nhau về quan niệm sống và cách dạy con. Vợ tôi không được mọi người bên nhà chồng quý mến vì tính ngang bướng, kém hiểu biết và thiếu đảm đang. Tôi rất buồn nhưng trong lòng vẫn cố hy vọng cô ta sẽ thay đổi.
Hôm đó gia đình tôi có giỗ, vợ bảo phải đi làm không ở nhà được. Tôi bỏ qua chuyện đó, nhưng đến trưa khi gọi điện cho vợ có chút việc, tôi mới biết cô ta không đi làm mà đi hát karaoke cùng mọi người trong công ty. Tôi rất buồn bực nên tối đó hỏi vợ xem tại sao lại như vậy. Cứ nghĩ vợ xin lỗi rồi cũng xong nhưng cô ta nói việc đó không quan trọng, bảo tôi soi mói. Tôi thực sự sốc, không hiểu cô ta đang nghĩ gì. Tôi tự hỏi liệu vợ mình có vấn đề về ý thức và nhận thức hay không. Vậy là tôi đuổi vợ về nhà bố mẹ đẻ, cô ta cũng xách vali và mang 2 con đi. Đến nay đã một tháng nhưng vợ tôi không có ý kiến gì trong việc đó và muốn ly dị. Tôi đồng ý với điều kiện 2 con để tôi nuôi hoặc mỗi người nuôi một đứa, nhưng vợ tôi lại muốn nuôi cả hai. Tôi rất buồn, nghĩ đến việc 2 con thiếu bố hoặc mẹ lòng quặn đau, không biết nên làm sao. Xin chuyên gia và độc giả cho lời khuyên chân thành để tôi có hướng giải quyết đúng đắn. Tôi xin cảm ơn.
Hoàng
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa gợi ý:
Chào bạn,
Trong hôn nhân mâu thuẫn là khó tránh khỏi, bởi không ai là hoàn hảo, hơn nữa không phải cặp vợ chồng nào cũng phù hợp hoàn toàn về tính cách, suy nghĩ, quan niệm sống, cách nhìn nhận sự việc. Không ai thích tranh cãi nhưng tranh cãi vẫn là cách giải quyết mâu thuẫn được các cặp vợ chồng chọn.
Trong các mâu thuẫn vợ chồng, con cái luôn là đề tài nóng bỏng và dễ gây xung đột nhất. Nuôi dạy con không chỉ là nhiệm vụ thiêng liêng mà còn là tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Vì thế ai cũng cho rằng cách nuôi dạy của mình là đúng đắn, tốt nhất, yêu con nhất. Đến khi mâu thuẫn xảy ra không ai chịu nghe ai, ai cũng cho là mình đúng và tìm mọi cách để chứng minh. Thậm chí họ còn tranh cãi trước mặt con làm con mất phương hướng, việc dạy con càng trở nên phức tạp. Họ quên mất rằng con là của hai người chứ không riêng ai. Giải pháp cho những xung đột này là cả hai vợ chồng cùng lắng nghe nhau và thống nhất chọn ra vài quan điểm dạy con phù hợp nhất. Ví dụ: dạy con phải theo tâm lý lứa tuổi, dạy con tính tự lập, không tạo áp lực cho con, khuyến khích con, đồng hành cùng con, không làm thay cho con, không suy nghĩ hộ con, không đáp ứng mọi yêu cầu của con, cha mẹ không tranh cãi trước mặt con… Nếu vấn đề nào chưa thống nhất, có thể tìm hiểu thêm, góp ý và thuyết phục có cơ sở, không được xúc phạm nhau.
Đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cũng vì thế người vợ nào không đảm đang thường bị đánh giá và nhận chỉ trích của mọi người trong gia đình chồng. Quan niệm đảm đang không có nghĩa là làm hết việc nhà mà quan trọng là biết quán xuyến sắp xếp việc gia đình. Vợ bạn không được gia đình nhà chồng quý mến vì thiếu đảm đang. Có phải vì vậy mà vợ bạn thấy mình không có ý nghĩa gì với nhà chồng và cô ấy không quan tâm đến đám giỗ mà đi karaoke? Bạn cho rằng vợ mình ngang bướng, tức là hay cãi lại và không chịu nghe bạn. Ngang bướng có thể là cá tính, cũng có thể qua thời gian chung sống, cách vợ chồng ứng xử với nhau không phù hợp làm cho vợ bạn hay cãi. Tính hay chê bai, chỉ trích của bạn khiến vợ khó chịu, càng làm tăng tính đối đầu, ngang bướng, thích chống lại bạn của vợ. Hơn nữa cô ấy chưa nể bạn. Vì vậy, khi muốn góp ý cho nhau điều gì, tuyệt đối không chỉ trích, phê phán mà nên chỉ ra cho vợ thấy như thế nào là tốt, là đúng, đồng thời cần khéo léo, không lôi chuyện cũ ra để phán xét.
Hiện tại vợ bạn và con đã về nhà mẹ đẻ sống và chưa có ý định hàn gắn. Bạn còn băn khoăn cho thấy bạn cũng chưa thực sự muốn ly hôn. Nếu còn yêu thương vợ con, hiểu những gì tôi đã chia sẻ ở trên, bạn có thể nói chuyện lại với vợ, nhờ ai đó làm trung gian có thể hòa giải cho hai vợ chồng. Hoặc thời gian này bạn có thể xem như giai đoạn ly thân. Giải pháp này là con dao hai lưỡi. Bởi đây là khoảng thời gian giúp hai bạn bình tĩnh, suy nghĩ lại những gì đã xảy ra, nếu còn yêu thương và tìm được cách giải quyết thì quay về. Nhưng đây cũng chính là một bước chuẩn bị cho việc ly hôn.
Chúc bạn sẽ giải quyết ổn thỏa chuyện gia đình.
Muốn được Thạc sĩ Lê Thị Minh Hoa tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự