Theo nhà văn Trang Hạ, chi phí cho cuộc sống không chỉ có tiền, mà còn thời gian và cảm xúc. Chính vì thế chị rất ghét phải mặc cả khi mua hàng. Dưới đây là chia sẻ của chị:
Tôi thường không mặc cả. Mua sắm mà không mặc cả, chắc chắn không phải… người Việt Nam rồi. Vì nói thách, làm giá từ lâu đã trở thành văn hóa, từ chợ tới cửa hàng, dịch vụ, phí… Thế nhưng tôi không mặc cả, từ mua mớ rau cho tới mua xe máy, tủ lạnh.
Tôi nghĩ, mặc cả để rẻ được vài đồng, nhưng ta lại mất thời gian, mất thái độ và cảm xúc. Đôi khi, người bán thực phẩm còn cân cho ta một trọng lượng “khác” nhẹ cân hơn nhiều so với khi ta mua giá họ đề nghị. Rồi đâu cũng vào đó.
Nếu tính bằng tiền còn lại trong ví, tôi chẳng phải bà nội trợ đảm. Nhưng tôi thường tính mọi cảm xúc và thời gian vào tất thảy mọi chi phí đời sống của tôi, chứ không phải chỉ tiền. Nếu thế, tôi lại lãi được những buổi chiều nhẹ nhõm, những mỉm cười của cửa hàng quen giá, xây dựng được mối quan hệ thân thiện với những người ngày nào tôi cũng phải gặp mặt ở chợ.
Câu cửa miệng của tôi luôn là: “Tính cho chị đúng giá đi em!” hoặc “Tôi cần mua chừng này tiền…” rồi để một khoảng tự do cho người bán tự lựa chọn. Và từ đó, họ có thêm một khách hàng dễ tính, hoặc nếu thấy giá đắt - hàng dở, họ cũng mất luôn khách tôi từ hôm đó, mất cho hàng bán ngay kế bên. Tôi không đưa ra giá áng chừng, tôi thường chấp nhận giá người bán thấy là phù hợp (cho họ) hoặc chuyển sang cửa hàng khác ngay lập tức. Mẹo ấy khiến tôi có mấy lợi ích nhãn tiền.
1. Tôi không cần trở thành khách hàng trung thành, các cửa hàng tự động trung thành với tôi. Đúng quá rồi, tôi mang lại lợi nhuận lâu dài cho họ, là một khách hàng dễ thỏa thuận và đồng cảm. Những người bán hàng ngày nay đã có đầu óc tính toán hơn rất nhiều so với thời đại “hàng tôm hàng cá chộp giật” nhiều chục năm về trước. Thậm chí, họ luôn ưu đãi giá đặc biệt và thứ tốt đẹp nhất hòng mong tôi… mua mở hàng cho họ đầu tháng, buổi sáng đầu ngày, thậm chí… đầu buổi chiều, và mê tín rằng, những khách hàng tiếp sau cũng luôn được dễ chịu như vậy.
Tôi chỉ đi chợ nửa tháng, đã bắt đầu có những bà nội trợ đòi được người bán đối xử y như với tôi. Dù họ đã đi chợ cả năm trời ở đây, họ đáng lẽ phải có những mối quan hệ tốt hơn với người bán mới phải.
2. Tôi không mặc cả không có nghĩa là tôi không biết giá trị của mọi thứ. Đó chỉ là cách xử thế của cá nhân. Nhưng dần dần, cách ứng xử dứt khoát, không chấp nhận mặc cả, càng không chấp nhận kiểu “bỏ đi còn gọi lại bán”… khiến nhiều người bán đã thay đổi cách bán và thái độ của họ, ít nhất, khi gặp tôi mua.
Chúng ta có những cách tốt hơn để mặc cả với thế giới này, trong đó có bán mua, có trao tặng, có thiệt có lời. Những điều ấy là một thông điệp rõ ràng mà ta bộc lộ bằng hành vi. Đâu cần phải cò kè rẻ hơn một nghìn thịt, năm trăm rau, một triệu xe máy thì mới là người sành sỏi?
Một cách khác, tôi nghĩ, ăn được của người bán một ngàn đồng nhờ mặc cả, chi bằng ta tiết kiệm chi tiêu, không phung phí thức ăn trong tủ lạnh, mua sắm hợp lý, thì tiết kiệm còn hơn một ngàn đồng mặc cả được. Chưa kể, tôi còn được "khuyến mại" thêm thời gian dư ra và tâm trạng vui vẻ.
Khi đi taxi hay xe ôm, khi trả tiền phí dịch vụ giặt là, khách sạn, tôi vẫn để lại vài đồng típ cho người phục vụ. Tôi chẳng giàu lên bằng vài đồng, vài nghìn, vài chục nghìn ấy, nhưng nó đáng để trả nếu tôi đều cảm thấy hài lòng về họ. Hơn nữa, đó là sự thân thiện duy nhất trên đời này mà chúng ta mua được bằng ít tiền.
Và đôi khi tôi cũng mua những rau đầu đường xó chợ, những hàng hạ giá rao cả ngày ngoài đường. Mua đi cho cụ già đắt hàng, cho người nhà quê chóng về với con cái. Mua hoa dập vài cánh cho người bán được về sớm trưa khỏi nắng, mua vài thứ nhà đã sẵn nhưng người bán ngồi mãi chẳng ai thèm ngó. Sự trắc ẩn có thể khiến tôi tiêu thêm chút ngoài dự định nhưng nó chẳng làm tôi nghèo đi đâu. Không hiểu sao mỗi khi mua không mặc cả ấy, tôi luôn nghĩ tới hình ảnh người mẹ nghèo khổ của tôi ngày xưa ngồi bán hàng rẻ tiền ở xó chợ.
Nhiều bạn bè tôi thích đi siêu thị hơn chợ, bởi ở đó đã niêm yết giá sẵn, khỏi mặc cả (bỏ qua vấn đề chất lượng và nguồn gốc hàng hóa, bởi thực tế mọi thứ đều có thể tìm thấy ở chợ hoặc hàng tạp hóa). Họ không phải là những người ghét mặc cả như tôi, họ càng không có ý định “boa” thêm cho tinh thần phục vụ sốt sắng của thu ngân hay cái máy lạnh rù rì trong siêu thị. Họ chỉ có một mục đích duy nhất, là vào siêu thị thì mua hàng không bị hớ, không bị nói thách.
Tuy nhiên, tôi nhận thấy có một cách khác để sống, đó là: đừng nghĩ rằng cả xã hội đều đang nhăm nhăm lừa tiền và kiếm chác từ mình!
Hoàng Anh (ghi)