Nỗi khổ không dám đòi món nợ 5 triệu đồng của tác giả Châu cũng là nỗi khổ của nhiều độc giả khác:
Có trăm ngàn lý do để mượn nợ thì cũng có trăm ngàn lý do để khất nợ. Bạn là người tốt thì lại càng khó đòi. Công ty tôi ngày trước có một người làm bên nhân sự, lúc phỏng vấn ai cũng cố tạo mối quan hệ, chờ người đó vào nhận việc hai, ba tuần là bắt đầu lân la mượn tiền.
Lúc đầu là rủ rê hùn tiền với "bà chị" cho vay với viễn cảnh thu lãi mỏi tay, sau thấy khó thuyết phục thì chuyển sang mượn tiền do "kẹt vốn", "chữa bệnh". Vì số tiền mượn không quá lớn, vài trăm ngàn đến triệu đồng nên rất nhiều người bị lừa. Rồi đùng một phát, hắn ta không đi làm nữa.
Sợ nhất là cho bạn bè, đồng nghiệp mượn tiền. Nên cá nhân tôi tự đưa ra quy ước: không bao giờ cho ai mượn tiền, trừ trường hợp thân thiết, đáng tin nhưng số tiền sẽ không quá một triệu đồng, và không đặt nặng vấn đề có đòi được hay không để đỡ có tâm lý ức chế.
Tôi cũng cho vài người thuộc dạng thân thiết vay mỗi người 5 triệu thôi vì tôi cũng không quá giàu có, hơn nữa nói thẳng, người ngoài thì tôi không cho mượn nhiều, 5 triệu là phù hợp.
Trước khi chuyển tiền tôi cũng nói luôn khi nào sẽ lấy, ví dụ mượn tiền từ tháng 6 thì đến cuối năm sắp xếp trả cho tôi. Nếu không thấy gì tôi sẽ đòi, tế nhị một chút. Tôi là người cho mượn nhưng lúc đòi lại tiền mà cứ cảm giác đi xin người ta. Vì cuối năm và sang năm mới tôi có khá nhiều dự định cho bản thân. Còn nếu mà người ta khó chịu, vay thì ngọt trả thì khó khăn lần khất, thì cạch luôn không cho mượn lần hai. Bạn bè không dính đến tiền nong thì dễ sống. Tất nhiên khó khăn họ mới vay đến mình, nhưng riêng tôi cho vay có thời hạn.
Một số độc giả chia sẻ cách đòi nợ hữu hiệu bằng Facebook:
Chị ta và tác giả làm chung nên chắc có rất nhiều bạn bè chung trên Facebook.
Bước 1: Hãy nhắn tin nói chuyện riêng với chị ta, yêu cầu chị ta phải trả tiền, nếu chị ta hẹn thì đề nghị cho một cái hẹn chính xác. Tác giả nên chụp màn hình lại tất cả những thông tin trao đổi để làm bằng chứng.
Bước 2: Hãy cảnh báo rằng nếu đến ngày hẹn lần này mà chị ta không trả tiền thì em sẽ cho Facebook của chị ta "sáng nhất" công ty luôn. Nên gửi cho chị ta mấy ảnh chụp màn hình để chị ta tin là đã chuẩn bị và sẽ làm thật.
Bước 3: Cực chẳng đã mới làm bước này. Nếu chị ta vẫn không trả thì hãy xác định là sẽ không lấy lại được tiền. Khi đó hãy đăng status và tag toàn bộ đồng nghiệp là bạn bè chung của em và chị ta vào để mọi người biết được bộ mặt thật của chị ta mà còn tránh. Coi như làm một việc tốt giúp đồng nghiệp không ai bị lừa nữa.
Cách đây mấy năm, tôi cũng bị giống tác giả, nhưng người mượn tiền là bạn học cũ hồi cấp 3. Lấy lý do là con nhập viện cần tiền gấp, mượn tôi 10 triệu đồng. Sau này tôi phát hiện ra cô ta mượn tiền hàng tá người và toàn dùng tiền đó để mua sắm và cả đi du lịch.
Hai năm trời, thỉnh thoảng tôi lại nhắc nhưng cô ta cứ lỳ ra. Cuối cùng tôi phải dọa cho cô ta lên group của khóa (khóa cấp 3 của tôi có một group Facebook chung) thì cô ta mới chịu trả, mà trả tới mấy lần, mỗi lần vài triệu, cũng mất cả nửa năm mới lấy lại hết tiền.
Bạn thử áp dụng cách của tôi xem nhé: Tôi vay giúp một đứa bạn 10 triệu đồng, vay lãi, mấy tháng đầu bạn trả lãi, rồi vài tháng sau bạn không trả, tôi phải tự lấy tiền túi của mình trả lãi hộ bạn
Đến một ngày tôi nghĩ rằng: Người bạn như vậy có đáng để tôi tiếp tục hay không?
Vậy là tôi lên kế hoạch đòi. Tôi liên lạc với bạn, bạn không nghe máy, nhắn tin không đọc, tôi chuyển qua nhắn tin cho các chị của bạn qua Facebook, kết hợp đăng status ví dụ: "Có ai liên lạc được với bạn A không? Tớ gọi bạn không nghe máy". Thêm vài cái status vu vơ kiểu vậy, vì chúng tôi nhiều bạn chung.
Các chị của bạn nhắn tin xin lỗi tôi, vậy là bạn mang tiền trả tôi gấp, xin tôi xóa status, cũng may là bạn còn chút liêm sỉ nên tôi đã lấy lại được tiền, và từ đó chúng tôi không liên lạc với nhau nữa. Chúc bạn sớm đòi được tiền, tiền của mình, nhất định phải đòi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.