Đêm 7/6/1998, Lawrence Russell Brewer, 31 tuổi cùng hai người đàn ông da trắng đã bắt cóc một người đàn ông da đen khuyết tật 49 tuổi.
Họ xích ông ta ở mắt cá chân vào phía sau xe bán tải và kéo lê 5 km trên một con đường nông thôn gần Jasper, Texas. Nạn nhân đã chết sau đó.
Các công tố viên cho biết tội ác này là một trong những tội ác thù hận tàn bạo nhất trong lịch sử Mỹ, nhằm mục đích thúc đẩy tổ chức da trắng thượng đẳng do Brewer khởi xướng. Trong phiên tòa xét xử năm 1999, họ gọi Brewer là kẻ tâm thần phân biệt chủng tộc.
Brewer có liên hệ với Ku Klux Klan và đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình trong tù vì tội trộm cắp, tàng trữ cocaine và vi phạm lệnh ân xá.
Khi Brewer bị kết án tử hình vào năm 1999, công tố quận cho biết không ủng hộ hình phạt này nhưng nó lại cần thiết trong trường hợp của Brewer. "Đây là tình huống nếu không tuyên án tử hình thì anh ta sẽ lại giết người", công tố viên nói.
Song đến lúc đối mặt cái chết, tử tù Brewer vẫn gây ra nhiều thị phi.
Theo thông lệ của nhiều bang, tử tù có quyền được ăn bữa cuối cùng trước giờ hành quyết. Brewer đã yêu cầu: Hai miếng thịt gà rán với nước sốt và hành tây thái lát; một chiếc bánh mì kẹp thịt xông khói phô mai ba miếng; một món trứng tráng phô mai với thịt bò xay, cà chua, hành tây, ớt chuông và ớt jalapeños; một bát đậu bắp chiên với sốt cà chua; một pound (0,45 kg) thịt nướng với nửa ổ bánh mì trắng; ba fajitas (thịt nướng cuộn kiểu taco Mexico); pizza nhiều thịt; 0,6 lít kem; một miếng kẹo bơ đậu phộng với đậu phộng nghiền và ba loại bia rễ cây.
Hôm 21/9/2011, khi tất cả món ăn này được bày như một bàn tiệc buffet, anh ta đã nhún vai và nói "tôi không đói nữa". Brewer sau đó được gọi điện thoại cho gia đình và bạn bè. Hắn chết trên bàn tiêm thuốc độc lúc hơn 18h cùng ngày.
Ngày hôm sau, điều này đã gây ra một sự náo động lớn trong số các nhà lập pháp Texas.
Thái độ của tử tù Brewer đã gây ra sự thất vọng cho thượng nghị sĩ Texas John Whitmire, người đã quyết định viết một lá thư cho giám đốc điều hành của Sở Tư pháp Hình sự Texas để thể hiện quan điểm: "Việc trao cho một người bị kết án tử hình một đặc quyền như vậy là vô cùng không phù hợp."
"Hắn ta (Brewer) không bao giờ cho nạn nhân của mình cơ hội được ăn bữa cuối cùng. Vậy tại sao lại phải đối xử với hắn ta như một người nổi tiếng chỉ hai giờ trước khi hành quyết hắn ta? Thật sai trái khi đối xử với một kẻ giết người tàn bạo theo cách này. Hãy để hắn ta ăn cùng một bữa ăn trên bàn ăn như những tù nhân khác", thượng nghị sĩ bày tỏ.
Thượng nghị sĩ cũng cảnh báo trong thư rằng nếu truyền thống "bữa cuối thịnh soạn" không được thực thi ngay lập tức, ông sẽ tìm kiếm một điều luật của tiểu bang để chấm dứt nó khi các nhà lập pháp nhóm họp trong kỳ họp lập pháp tiếp theo.
Chỉ vài giờ sau, giám đốc điều hành của Sở Tư pháp Hình sự Texas cho biết mối lo ngại của thượng nghị sĩ là có cơ sở và việc chấm dứt "bữa cuối thịnh soạn" bị Texas chấm dứt ngay lập tức, sau 87 năm duy trì truyền thống này.
Kết quả là, từ năm 2011, các tử tù Texas không còn được kén cá chọn canh cho bữa cuối cùng của mình và phải ăn bất cứ thứ gì đầu bếp nhà tù nấu.
Truyền thống "bữa cuối thịnh soạn" ở nhà tù Mỹ
Hiện vẫn chưa rõ liệu các tiểu bang khác có thực hiện động thái tương tự hay không. Một số tiểu bang giới hạn chi phí bữa ăn cuối cùng - theo trang web của Bộ Cải huấn, mức trần của Florida là 40 USD, với thực phẩm được mua tại địa phương. Ở các bang khác có thể thấp hơn hoặc thậm chí không giới hạn kinh phí, như Texas trước khi bỏ truyền thống này.
Trong 19 tiểu bang Mỹ, nơi án tử hình được áp dụng, theo USA Today, 12 tiểu bang cho phép bữa ăn cuối cùng đặc biệt không giới hạn giá. Sáu tiểu bang chỉ phục vụ thức ăn trong tù, bất kể người bị kết án yêu cầu gì. Rượu và thuốc lá thường bị từ chối.
K. William Hayes, nhà sử học về án tử hình cho biết những tài liệu tham khảo lịch sử về bữa ăn cuối cùng của một người bị kết án có từ thời Hy Lạp, Trung Quốc và La Mã cổ đại. Một số tài liệu cũng cho rằng bữa ăn này bắt nguồn từ mê tín dị đoan về các bữa ăn có thể xua đuổi sự ám ảnh của những người bị kết án sau khi bị xử tử.
Truyền thống lâu đời này bị bao phủ bởi tranh cãi, bất đồng về đạo đức và thậm chí là lo ngại về số tiền mà người nộp thuế phải trả cho bữa ăn.
Một số người cho rằng đây là hành động từ bi cuối cùng trước khi áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất. Trong khi phía ngược lại, nhóm người cho rằng đây là sự phỉ báng với những người mãi mãi bị tổn thương bởi tội ác của họ và đối với người nộp thuế phải trả tiền cho bữa ăn cho những kẻ không đáng
Deborah Denno, giáo sư luật và giám đốc sáng lập của Trung tâm Luật và Thần kinh học tại Đại học Fordham cho rằng bữa ăn đặc biệt này cũng là "sự công nhận nhân tính" của một người trước khi họ qua đời, là cách để xoa dịu cảm giác tội lỗi của những người ngoài cuộc.
Mặc dù tiền cho bữa ăn cuối cùng cũng chỉ là số tiền nhỏ so với tổng chi phí kết án và hành quyết tử tù, nhưng giáo sư Denno cho biết việc sử dụng tiền đóng thuế của người dân để "mua vui" cho tử tù, là điều kinh khủng đối với các nạn nhân.
"Sẽ có những người nhìn vào án tử hình và nghĩ rằng bất kỳ biện pháp nào ngoài bánh mì và nước đều là quá nhiều đối với một kẻ giết người".
Tử tù thường gọi món gì cho bữa ăn cuối cùng?
Bữa ăn cuối cùng mà tù nhân yêu cầu bao gồm nhiều món ăn và có thể rất phong phú như đã đề cập ở trên, hoặc rất ít món.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell sau khi nghiên cứu 193 yêu cầu về bữa ăn cuối cùng tại Mỹ, khoai tây chiên, soda, kem, hamburger, gà, bít tết và bánh nướng là những món thường được tử tù yêu thích nhất.
Hơn hai phần ba số người bị kết án đã gọi đồ ăn chiên, chủ yếu là khoai tây chiên, và thức uống có ga như Coca-Cola. Điều này có thể phản ánh tử tù đang cố gắng giải quyết tình trạng căng thẳng cực độ bằng cách vây quanh mình bằng những món ăn quen thuộc, theo ông Brian Wansink, Giám đốc Phòng thí nghiệm Thực phẩm và Thương hiệu tại Đại học Cornell, New York.
Một số tử tù đã từ chối ăn bữa cuối cùng vì quá lo lắng nên không muốn ăn. Ví dụ như kẻ giết người hàng loạt David Mason bị hành quyết năm 1993 trong phòng hơi ngạt, chỉ uống một cốc nước lọc đá.
Song cũng có kẻ muốn tận hưởng, đã yêu cầu bữa cuối gồm cua hoàng đế Alaska với bơ tan chảy, salad rau bina, cơm chiên thịt lợn, sườn heo kiểu Trung Quốc, kem sốt fudge nóng và sáu lon Coca-Cola.
Năm 1963, tử tù Victor Harry Feguer trước khi bị treo cổ vì cáo buộc giết người, đã yêu cầu một quả ô liu duy nhất vẫn còn nguyên hạt. Ông nói với lính canh rằng hy vọng một cây ô liu sẽ mọc lên từ ngôi mộ của mình "như một dấu hiệu của hòa bình".
Hải Thư (Theo Jackson Ville, CBS, Guardian, Reuters, Mirror, Fox10)