Vợ chồng tôi đều 29 tuổi, cưới nhau được gần 3 năm. Từ lúc cưới đến giờ, chúng tôi thuê phòng trọ sống riêng ở Sài Gòn. Gia đình bên chồng tôi đã ly hôn. Trước lúc cưới, chồng tôi qua bên ba anh ngồi đợi từ sáng đến chiều ông mới chịu gặp. Chồng tôi muốn trong ngày cưới của hai đứa, ba anh đến làm chủ hôn nhưng ông không đồng ý. Ông còn nói với chồng tôi là: hãy coi như ông đã chết rồi, anh làm gì thì làm, không liên quan đến ông. Nhưng mục đích chính là không muốn tham dự lễ cưới vì ông sợ tốn tiền. Từ lúc cưới đến giờ, tôi không thấy chồng mình liên lạc hay qua thăm ba anh. Mẹ chồng không cho vợ chồng tôi gì cả, ngày đưa dâu bà không thèm đi mà chỉ ở nhà chủ yếu để trang điểm, sửa soạn cho bản thân. Bên chồng chỉ có cậu, dì đại diện cùng bạn bè làm chung với chồng tôi đi đón dâu.
Tính tôi ít nói, sống nội tâm; ít khi thể hiện tình cảm yêu thương ra bên ngoài với ai; tình cảm mẹ chồng con dâu không được tốt nên từ lúc cưới đến giờ tôi chưa hề điện thoại hỏi thăm hay nói chuyện gì với mẹ chồng. Thỉnh thoảng vợ chồng tôi về quê thăm mẹ chồng. Mỗi lần về, tôi đều mua ít quà, quần áo, bánh hoặc trái cây. Tuy nhiên lần nào bà cũng chê ra mặt, chê quần áo, bánh là hàng chợ, trái cây phun thuốc, ăn không đảm bảo sức khỏe... Trong khi đó, vợ chồng tôi chỉ làm công nhân, phải sống trọ, mỗi tháng thu nhập không nhiều mà có điều kiện mua sắm hàng xịn. Chồng tôi nghe mãi cũng phiền nên dịp gần đây, mỗi lần về quê thăm mẹ, anh không muốn tôi mua gì, chỉ về thăm, biếu ít tiền rồi đi ngay trong ngày. Tôi nói với chồng là ba anh đã không chấp nhận tôi là dâu con nên sau này ông ấy già, bệnh hay mất đi, tôi sẽ không thăm, cũng không viếng. Nếu anh có hiếu thì một mình đi thăm nhưng đừng bao giờ ép buộc tôi phải đi. Còn mẹ chồng tôi sau này có già bệnh, tôi sẽ phụ giúp tiền thuốc men hoặc mướn người nuôi chứ nhất quyết không chăm sóc. Suy nghĩ đó của tôi là sai hay đúng? Mong chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên.
Hoa
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Gương gợi ý:
Chào bạn Hoa,
Mẹ chồng - nàng dâu là đề tài muôn thuở của các gia đình. Nhưng trong cái bất biến ấy lại có cái vạn biến từ suy nghĩ, hành động của những người trong cuộc. Câu hỏi của bạn "không chăm sóc bố mẹ chồng là đúng hay sai?" Xin trả lời bạn như sau:
Thứ nhất, suy nghĩ của bạn về việc báo hiếu với bố chồng. Xin hỏi bạn đã coi ông ấy là bố chồng mình chưa? Bạn đã bao giờ chủ động thăm ông một lần chưa? Khi sống không thăm nom đã đành, khi chết bạn còn quyết định không đến viếng. Đó là sự bất hiếu. "Nghĩa tử là nghĩa tận", một người xa lạ khi biết tin người quen qua đời, họ còn xót thương, đến viếng. Bố chồng bạn dù sao cũng là người sinh ra chồng bạn, trong người con bạn cũng chảy dòng máu của ông ấy. Vả lại người khác nhìn vào sẽ đánh giá không tốt về bạn. Có thể không nói ra nhưng chồng bạn sẽ buồn và thất vọng, ảnh hưởng không tốt đến tình cảm hai vợ chồng.
Thứ hai, suy nghĩ của bạn về báo hiếu mẹ chồng: Có nhiều nơi, phong tục vào ngày cưới là mẹ chồng không đi đón dâu mà chờ ở nhà. Liệu quê chồng bạn có tồn tại phong tục này? Việc bà không cho các bạn cái gì, có thể khi ấy bà đang khó khăn, nếu không phải vậy các bạn cũng chỉ nên tủi thân, buồn một chút chứ không nên trách móc bà. Vấn đề mua quà biếu có thể do không hợp ý nên bà nói vậy. Các bạn đã có cách giải quyết khá phù hợp rồi. Những lý do bạn nêu đã đủ để rũ bỏ trách nhiệm của bạn với mẹ chồng chưa? Người ta nói "Trẻ cậy cha, già cậy con", ngoài trách nhiệm còn có tình người nữa. Lúc ốm đau về già, cha mẹ cần nhất là con cái ở bên cạnh chăm sóc, đỡ đần. Bạn cũng làm mẹ và sau này bạn cũng sẽ già. Hãy sống sao để làm tấm gương cho con cái nhìn vào noi theo. Khi mẹ chồng bạn già, ốm yếu, bạn có thể thuê người chăm nom. Đây cũng là điều bình thường mà hiện giờ nhiều người vẫn dùng. Tuy nhiên, thuê người không có nghĩa là phó mặc mẹ hoàn toàn cho họ. Bạn vẫn nên chạy qua để xem xét tình hình sức khỏe của mẹ và để mẹ đỡ buồn, bởi bạn mới chính là người nhà của bà.
Bạn phải chịu nhiều thiệt thòi, trải qua những áp lực từ gia đình chồng. Có lẽ, chồng bạn rất thấu hiểu những điều đó nên đã có cách xử lý làm giảm bớt mâu thuẫn và áp lực cho bạn. Tuy nhiên, bạn cũng nên xem lại mình trong cả suy nghĩ và hành động. Bạn nói rằng mình sống nội tâm và ít khi thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Vì thế, tuy là dâu con nhưng bạn chưa bao giờ gọi điện hỏi thăm hay nói chuyện với mẹ chồng. Bạn không trao yêu thương thì sao có thể nhận lại yêu thương, không trao nụ cười sao có thể nhận được niềm vui. Hãy mở rộng lòng mình, gần gũi với bố mẹ chồng hơn, khi đó chồng bạn sẽ càng trân trọng bạn và bạn sẽ không còn phải đau đầu vì những suy nghĩ như hiện tại nữa.
Muốn được chuyên gia Nguyễn Thị Gương tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.