"Em đã đăng ký hiến tạng sau khi chết não", chia sẻ của Danh, đồng nghiệp cùng cơ quan làm tôi xúc động và suy nghĩ. Chúng ta sẽ sống bao lâu? Không ai có thể trả lời câu hỏi này dù có người đã viết "60 năm cuộc đời". Thực tế, có rất nhiều người đã chết trẻ hơn, vì nhiều nguyên nhân. Nếu sống "theo đúng quy trình", mỗi người sẽ từng bước trải qua sanh - già - bệnh - tử. Nhưng, quy trình đó nhiều khi bị phá vỡ.
Ngày Phan Cảnh Thùy, bạn học phổ thông của tôi mất ở tuổi chưa đầy 30 do đuối nước ở vùng biển gần Tam Kỳ, Quảng Nam, tôi đã lặng người rất lâu. Trời ơi, Thùy còn trẻ quá. Ba má Thùy ai cũng vào tuổi gần 60. Ba bạn còn bị tai biến nhẹ vài lần, rất yếu, không thể làm gì được. Má Thùy biết trông cậy vào ai? Khi về thăm nhà bạn, tôi tự hỏi mãi câu ấy. Căn nhà cô quạnh vì thiếu bóng Thùy, người con trai duy nhất của gia đình.
Tôi ngộ ra, chết là một sự thật. Và không phải ai cũng "chết theo quy trình", như bạn tôi hay nhiều người khác là do tai nạn, do bệnh tật, do làm việc quá sức dẫn tới đột quỵ, đủ thứ lý do không thể đặt tên... Nếu đến thăm các bệnh viện, ta sẽ thấy sự thật đó của cuộc đời hiển nhiên đến thế nào. Nhưng chết có phải là hết không? Ngoài tiếc nuối để lại cho người sống thì cái chết của một người, nếu biết chuẩn bị, có thể tạo nên phép màu cho những cuộc đời khác. Đó chính là quyết định hiến tặng một phần hay toàn bộ cơ thể còn sử dụng được cho người cần nó.
Tất nhiên, không ai muốn đột ngột rút ngắn sự sống của mình chỉ vì để hiến tặng mô, tạng. Song, cuộc sống vô thường, nghĩa là ai cũng có thể đối diện với cái chết bất ngờ, nên nếu có thể, sao ta không chuẩn bị cho điều đó trở nên có ích hơn? Tôi âm thầm nghĩ và làm công tác tư tưởng với người thân. Má tôi đồng ý. "Miễn con cảm thấy có ích, con cứ làm", má luôn bật đèn xanh cho những quyết định hệ trọng của tôi. Tôi hỏi Danh thủ tục, bạn chuyển cho tôi trang web đăng ký hiến mô tạng của đơn vị điều phối ghép mô tạng Bệnh viện Chợ Rẫy. Cuối đơn có dòng: "Tôi viết đơn này trong tình trạng hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết của mình". Tôi điền tất cả thông tin cá nhân, xin hiến các bộ phận như thận, gan, tụy tạng, tim, phổi, ruột, da, giác mạc, xương, mạch máu, van tim. Về di nguyện xử lý cho cơ thể sẽ hiến sau khi chết, để thuận tiện cho tất cả, tôi chọn "hỏa táng rồi gửi tro cốt vào chùa".
Chuẩn bị cho cái chết đối với một Phật tử như tôi chính là một thực tập để không ngỡ ngàng khi nó xảy đến. Chính vì vậy mà tôi không ngại ngần khi chia sẻ về việc này dù tôi biết, không phải ai cũng cảm thấy dễ chịu khi nghe hay và chấp nhận lối suy nghĩ ấy.
Tính đến tháng 8/2019, cả nước đã có gần 30.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Điều kỳ diệu: hơn 4.500 người được ghép tạng đã hồi sinh sự sống. Điều đáng mừng là số người đăng ký hiến mô tạng ở Việt Nam hiện tăng 150 lần so với năm năm trước. Nếu như năm 2014, cả nước chỉ có hơn 200 người đăng ký hiến tặng mô, tạng, chủ yếu là cán bộ của trung tâm điều phối ghép tạng và một số y bác sĩ, thì nay, thêm nhiều người dân đã làm nghĩa cử cao đẹp này. Tuy nguồn mô, tạng được hiến đã tăng, nhưng theo Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, "30.000 người đăng ký hiến tạng là quá ít so với số bệnh nhân cần được ghép". Mới đây, vì thiếu nguồn mô tạng mà các bác sĩ phải ngậm ngùi nhìn một đồng nghiệp trẻ khát khao sống để cứu chữa cho nhiều người khác mất trên tay mình vì "không ai hiến tặng cho anh một phần gan".
Tôi đã hiến máu được 48 lần và lần nào đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP HCM tôi cũng ấn tượng với câu "máu có thể chờ bệnh nhân, nhưng bệnh nhân không thể chờ máu". Mô tạng cũng vậy. Hiện nay, phong trào hiến máu đã phát triển trong cộng đồng, mọi tổ chức, mọi ngành, mọi giới đều tham gia. Tôi mong muốn "phong trào" hiến mô tạng sẽ được nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng để tinh thần "chia sẻ sự sống" được lan tỏa trong cộng đồng.
Với tôi, nghĩ cho cùng, sau khi mình chết, thân thể sẽ mau chóng hoại diệt. Nếu còn có thể tiếp thêm nguồn sống cho ai đó, tại sao ta không làm? Tôi không nghĩ mình đang tặng cho họ mà chính họ có công mang và nuôi dưỡng mầm sống của mình. Nhờ đó, tôi được nối dài sự sống trong một cơ thể khác. Tôi biết ơn họ. Phép mầu của hiến tặng chính là làm cho trái tim mình thực sự bình an.
Lưu Đình Long