Tham gia các vụ tố tụng, bảo vệ cho những cán bộ, công chức, người lao động bị điều tra, truy tố và xét xử về các vi phạm quy định trong công việc nói chung, các tội tham nhũng nói riêng, tôi đã gặp không ít trường hợp "quýt làm cam chịu".
Tôi từng bảo vệ cho anh Thành, giám đốc một chi nhánh ngân hàng thương mại tại TP HCM. Anh đã ký vào hợp đồng tín dụng và khế ước nhận nợ để giải ngân 10 tỷ đồng nhằm đảo nợ cho một doanh nghiệp đã vay ngân hàng trước đó. Là người có chuyên môn vững vàng, lại biết rõ tình trạng kinh doanh của khách hàng rất rủi ro, không có khả năng trả nợ, anh Thành ban đầu đã từ chối cho vay. Tuy nhiên, vị chủ tịch ngân hàng đã gọi anh. "Đó là việc của anh, chú cứ yên tâm ký đi. Tội đâu anh chịu trách nhiệm", ông chắc nịch, "Anh còn phải giữ cả một ngân hàng, chứ vài tỷ này đâu đến lượt chú phải lo". Quá tin và nể nang ông chủ, anh đã ký duyệt cho vay theo chỉ đạo miệng này.
Doanh nghiệp không trả được tiền, năm 2015, khách hàng vay bị khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng. Tòa truy trách nhiệm, vị chủ tịch không bị quy vào sai trái gì. Còn người trực tiếp bị cáo buộc sai phạm do không xem xét, thẩm định kỹ lưỡng khoản vay chính là Thành.
Anh bị truy tố tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", theo điều 179, Bộ luật Hình sự năm 1999. Chúng tôi tra xét trên văn bản, giấy tờ, điều kiện vay vốn, tất cả khá đầy đủ, hợp lệ. Nhưng điều tra kỹ, hầu hết nội dung trong hồ sơ vay vốn được chính khách hàng "vẽ" ra. Chính anh Thành biết điều này, nhưng giờ đây, việc làm của anh thì rành rành "bút sa gà chết".
Trong nhiều năm làm luật sư, tham gia không ít vụ việc có yếu tố "quýt làm cam chịu", tôi thấy không ít vị sếp là người giật giây, chỉ đạo, điều khiển, xúi giục, thậm chí ép buộc người dưới quyền trực tiếp thực hiện hành vi phạm luật. Công khai chỉ đạo làm sai trước nhiều nhân viên, nhưng chỉ bằng "lệnh miệng", khẩu thiệt vô bằng - lời nói gió bay, nhưng rất ít khi các sếp quân tử dám làm, dám chịu. Hầu hết trong các vụ án, "quýt" không chỉ tìm mọi cách chối tội, mà còn đổ tội sang chính người theo mình, giúp mình. Pháp luật tuy vẫn xem xét trách nhiệm của họ nhưng khá khó, vì họ thường tạo ra tình trạng vô can, ngoại phạm. Và anh Thành đã bị mức án ba năm tù.
Trong một xã hội hướng tới thượng tôn pháp luật, "sống và làm việc theo pháp luật" không chỉ là khẩu hiệu suông mà đã trở thành nguyên tắc trong các quan hệ công việc.
Luật đã chỉ rõ, cán bộ, công chức cũng như người lao động có trách nhiệm chấp hành quyết định của người quản lý. Tuy nhiên, luật cũng nêu rõ, nếu có căn cứ cho thấy quyết định của cấp trên trái pháp luật thì cấp dưới phải báo cáo lại. Nếu cấp trên sau đó vẫn tiếp tục ra văn bản yêu cầu làm, cấp dưới vẫn phải thi hành, song khi đó người thi hành sẽ được miễn trách với điều kiện phải báo cáo với cấp trên của người đã ra quyết định. Việc quyết định và báo cáo cũng đều phải thể hiện bằng văn bản. Chỉ riêng trong quân đội, cả quyết định và báo cáo mới có thể bằng bằng miệng. Đó là quy định tại điều 9, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và Điều 27 của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2008 và 2014).
Vậy chúng ta có bắt buộc phải thực hiện mệnh lệnh theo "bút phê" hay "miệng phê" sai luật của lãnh đạo hay không? Xin thưa, anh có quyền lựa chọn thực thi hoặc không. Điểm mấu chốt ở chỗ, nếu việc đó đúng pháp luật thì không sao. Nhưng nếu việc đó sai luật, cấp dưới chỉ được miễn trách nếu đã báo cáo bằng văn bản mà cấp trên sau đó vẫn tiếp tục có văn bản yêu cầu cấp dưới thực hiện như ở trên. Còn nếu "lệnh miệng" của cấp trên sai luật, cấp dưới vẫn làm, người trực tiếp thực hiện sẽ phải chịu trách nhiệm, ngay cả khi cấp trên thừa nhận đã chỉ đạo sai.
Một hệ lụy không hiếm gặp ở Việt Nam: cấp trên sai, hiển nhiên ông ta phải chịu trách nhiệm, nhưng nguy cơ kèm theo là vị này sẽ kéo theo cả một bộ sậu cấp dưới cũng phải chịu trách nhiệm về cái sai của cấp trên, nếu như họ không phát hiện hoặc không can đảm "cãi lại" bằng giấy trắng, mực đen.
Với hầu hết chúng ta, những người làm thuê, làm công ăn lương, ta có quyền và nghĩa vụ chấp hành "sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động" theo quy định tại điều khoản 5.2.b của Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, cũng điều khoản này của Bộ luật Lao động 2019, hai chữ "hợp pháp" đã bị bỏ đi. Đây là một lỗ hổng luật pháp cần sửa ngay.
Trước pháp luật, ai làm nấy chịu. Với người đi làm thuê, để tự bảo vệ mình, phải nhớ nguyên tắc thượng tôn pháp luật. Không khi nào, vì bất cứ lý do gì mà chấp nhận làm những việc rõ ràng, sai trái, vi phạm pháp luật. Tôi vẫn khuyên khách hàng của mình, nên tìm mọi cách thuyết phục, giải thích và trì hoãn thực hiện khi sếp có lệnh miệng không đúng; hoặc khéo léo xin ý kiến của sếp bằng văn bản, kể cả bút phê, email, tin nhắn để làm bằng chứng cần thiết sau này. Nếu khó phản đối trực diện với các ông chủ, hãy gián tiếp thông qua cách trình bày các vấn đề vướng mắc để xử lý chuyện đúng sai. Một cách "căng" hơn nữa, báo cáo lên cấp trên cao hơn để ngăn chặn và có thể loại trừ hoặc ít nhất là giảm thiểu trách nhiệm pháp lý sau này.
Còn nếu anh không thay đổi được tình hình mà vẫn chấp nhận thì phải sẵn sàng chịu hậu quả. Nhưng hãy nhớ, nếu không thể thỏa hiệp, người làm thuê còn có thể nghỉ việc. Trong vài chục bị cáo liên lụy đến đại án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng, tôi biết một phó phòng tín dụng đã xin nghỉ việc vì không muốn ký vào hồ sơ tín dụng sai trái.
"Cây cao thì gió càng lay, càng cao danh vọng càng dày gian truân". Vì thế, người càng có quyền, có chức và có trách nhiệm thì càng phải hiểu biết và tôn trọng pháp luật, nói không với phạm pháp. Còn nếu không bước qua nổi cái lợi quá lớn, hà tất vị ấy đã lường trước gian truân?
Trương Thanh Đức