8h sáng nay, nhiều người dân đã đổ về TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội) tham dự phiên xử vợ chồng Chu Văn Đức - Trịnh Thị Hạnh Phương. Hơn 10 năm bị hành hạ, cô gái Nguyễn Thị Bình đã phải chịu 424 vết thương.
Hơn 10 năm sống chung với chủ quản, Bình mang trên người 424 vết thương. Ảnh: Hoàng Hà. |
8h15, chiếc xe chở vợ chồng Đức - Phương đỗ xịch trong sân TAND quận, dòng người quanh tòa xôn xao. Trong khi Đức khá bình thản thì Phương đã bật khóc khi bị áp giải vào phòng xét xử.
Có mặt từ sớm là bà Hà Thị Bình, em Nguyễn Thị Bình (tên khai sinh là Thông) và những người thân của cô ở Vĩnh Phúc. Trong chiếc áo khoác vàng và quần bò, cô bé người làm trông béo hơn. "Giờ em chỉ biết nhờ luật pháp xử lý. Cô chú ấy tội đến đâu thì cứ xử đến đó", Bình nói.
Để đáp ứng nhu cầu của người không có điều kiện dự khán, tòa đã cho lắp đặt hệ thống loa đã được nối từ phòng xử ra phía ngoài.
8h30 phiên xử bắt đầu. Theo cáo trạng, trong khoảng 10 năm giúp việc, Bình chỉ được nuôi ăn, ở mà không được trả lương. Hằng ngày, Bình phải dậy từ 4h sáng dọn hàng, phục vụ việc bán phở, đến 14h chiều dọn hàng về, sau đó tiếp tục dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo... Ngoài ra, Bình không đươc tiếp xúc nhiều với xã hội, không được học hành, mỗi khi mắc lỗi đều bị chửi mắng, đánh đập.
Với gương mặt khá căng thẳng, Phương khai, khoảng năm 1993, bà Nguyễn Thị Quảng (mẹ Bình), quê Vĩnh Phúc đến ở phụ giúp vợ chồng Đức Phương bán phở và mang theo một đứa con nhỏ. Khi bà Quảng rửa bát, dọn dẹp quán phở, Bình chơi với con chủ nhà. "Hai mẹ con Bình nhận tiền công thỏa thuận là một triệu đồng mỗi tháng", Phương nói, dưới khán phòng ồ lên vì số tiền công khá lớn tại thời điểm cách đây 10 năm.
Bị cáo Phương cho biết, sau khi đến làm được một năm, bà Quảng có nói về đưa tiền cho mẹ sửa nhà, sau đó biệt tăm. Lúc đó gia đình cũng muốn thuê người làm, thấy cháu Bình ngoan ngoãn nên giữ lại cho "vui cửa vui nhà".
Vợ chồng Đức - Phương tại tòa. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại phiên tòa Phương khai rằng, do nghĩ đánh bằng dây điện chỉ hằn lưng, nên mỗi lần Bình phạm lỗi đều được" ăn" dây điện. "Vài lần sau khi dùng dây điện đánh, lúc cháu đi ngủ tôi có lần mò xem đánh thế có đau lắm không. Tôi chỉ thấy rơm rớm máu", Phương kể.
"Một lần cháu đánh rơi cái thớt vào chân. Khi ấy đang cầm sẵn con dao thái tỏi, tôi đâm vào chân cháu và bảo Mày làm tao đau chân, tao đâm mày xem mày có đau không? Bình bị thương 10 ngày, tôi đã đưa cháu đi băng bó, bôi thuốc. Những ngày sau đó tôi đã khóc rất nhiều", Phương kể lại.
Nghe chính lời bị cáo kể lại hành động dã man, phòng xử rộ lên nhiều tiếng xì xầm tỏ thái độ bức xúc. Bị cáo Đức thì cho rằng, do luôn coi Bình như con trong nhà nên không bao giờ nghĩ tới việc trả công. Việc Bình không được đi học là do em không có giấy khai sinh cũng như "không có khả năng đi học".
Theo lời bị cáo này, do Bình hay đánh nhau, ăn cắp vặt và cãi chủ nên phải... răn đe. Năm 2006-2007 là giai đoạn Bình bị đánh đập nhiều nhất. "Khi Bình mắc lỗi trong lúc phơi quần áo, tôi dùng sào phơi dậm vào chân cháu. Khi đang sửa điện, cháu mắc lỗi, tôi dùng kìm kẹp vào phía sau lưng", Đức khai.
Dừng lại giây lát, vẫn gương mặt khá lạnh lùng, Đức tiếp lời: "Tôi chấp nhận vi phạm pháp luật để đổi lại có đứa cháu biết ăn biết làm như hôm nay". Phía dưới tòa, nhiều người ồ lên, phẫn nộ. Phía trên, một số thành viên Hội đồng xét xử lắc đầu, ngao ngán.
“Nếu con anh có vi phạm thì anh có đánh như thế không?”, một thành viên Hội đồng xét xử lên tiếng. “Con tôi mà hư tôi cũng đánh như thế”. “Vậy anh có dùng kìm không?”. Bị cáo Đức ngập ngừng: “Không”.
Lời khai của vợ chồng Đức - Phương sáng nay có nhiều mâu thuẫn. Trong khi Phương thừa nhận có đi dép đạp vào mặt Bình, dùng muôi múc nước trần phở hắt vào người giúp việc nhưng Đức lại nhiều lần khẳng định trước tòa: "Vợ tôi không đánh mà chỉ túm tóc cháu".
Trước thái độ loanh quanh của Đức, Hội đồng xét xử đã nhiều lần phải nhắc lại câu hỏi. Chỉ đến khi, đại diện VKSND đọc lại lời khai của Đức tại cơ quan công an, Đức mới thừa nhận, mình có chứng kiến việc Phương ra tay đánh đập em Bình.
Phòng xử án chật kín người quan tâm. Ảnh: Hoàng Hà. |
Theo cáo trạng của VKSND quận Thanh Xuân, Chu Văn Đức và Trịnh Thị Hạnh Phương bị truy tố về tội hành hạ (khung hình phạt cao nhất 3 năm tù) và gây tổn hại cho sức khỏe người khác (khung hình phạt 2-7 năm tù).
Cô gái Nguyễn Thị Bình cũng yêu cầu vợ chồng Đức Phương phải trả tiền công giúp việc tính từ khi Bình 16 tuổi (12/8/1999-20/10/2007) mỗi tháng là 300.000 đồng, tổng số tiền là 28,8 triệu đồng. Bình đề nghị bồi thường thiệt hại về sức khỏe 10 triệu đồng.
Kết thúc buổi làm việc sáng nay, một số người nhà của vợ chồng Đức - Phương vây lấy Bình và yêu cầu gia đình em phải xin tòa cho vợ chồng chủ được nhẹ tội. Công an đã phải can thiệp, đưa Bình về nhà.
Chiều nay, tòa tiếp tục làm việc.
Diễn tiến vụ án - Trưa 20/10/2007, Nguyễn Thị Bình được cứu thoát khỏi sự hành hạ của vợ chồng Đức Phương, sau nhiều năm bị đầy đọa. - Ngày 7/11/2007, cặp vợ chồng này bị bắt và khởi tố tội hành hạ người khác. - Ngày 8/11/2007, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chỉ đạo xem xét trách nhiệm, kỷ luật chính quyền và công an nơi em Bình ở. - Sáng 9/11/2007, hai người ở Vĩnh Phúc đến nhận là bác rể và em trai của Bình. Theo đó, Nguyễn Thị Bình tên thật là Nguyễn Thị Thông, sinh năm 1983, quê ở huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. - Chiều 10/11/2007, bà Hà Thị Bình, người đưa em Bình trốn thoát, nhận bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố. - Ngày 11/11/2007, tổ trưởng dân phố, tổ trưởng chi hội phụ nữ nơi xảy ra vụ hành hạ em Bình đã bị bãi nhiệm. Cùng ngày, bà Bình liên tục bị "khủng bố" điện thoại với lời lẽ tục tĩu. - Ngày 17/11/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu nhanh chóng điều tra, xử lý vụ em Nguyễn Thị Bình. - Ngày 3/12, Viện pháp y Quốc gia kết luận, Bình không biểu cảm khi tiếp xúc, toàn thân có 424 vết sẹo, có nhiều vết da sậm màu, hậu quả của tổn thương tụ máu ở da và dưới da... Sức khỏe bị giảm do thương tích gây nên là 34%. - Ngày 20/12, cơ quan điều tra Công an quận Thanh Xuân thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với vợ chồng Đức Phương từ tội cố ý gây thương tích sang tội gây tổn hại cho sức khoẻ người khác. |
Tiến Dũng - Xuân Tùng
Ý kiến bạn đọc:
Người gửi: Khánh Hoàng
Những người như vợ chồng Đức Phương phải bị xử thật nặng để răn đe cho những kẻ khác. Mức nghị án của VKSND từ 2 đến 7 năm tù là quá ít cho những kẻ bóc lột và đánh đập tàn nhẫn trẻ em, vi phạm công ước quyền trẻ em.
Người gửi: Trần Phương
Mức lương trả cho em Bình hơn 10 năm qua không thỏa đáng và quá rẻ so với lương của người giúp việc bình thường. Lương tháng của người giúp việc cũng là 600 nghìn đồng, tính lương 300 nghìn đồng là không công bằng cho em Bình.
Người gửi: Tran Gia Bach
Nếu vụ án này không được xử nghiêm minh để răn đe thì e rằng sẽ còn nhiều chuyện đau lòng nữa tiếp tục xảy ra. Những người hành hạ dã man người khác như vợ chồng chủ quán phở cần phải bị trừng phạt.
Người gửi: Viet Hong
Một gia đình sống giữa thủ đô lại có thể ngang nhiên thực hiện những hành vi thiếu tính người như vậy nhiều lần và trong một thời gian dài là không thể chấp nhận được. Hành động của họ phải bị lên án, mức hình phạt cần nghiêm trị ở mức tối đa. Mức bồi thường cho em Bình cũng phải tăng lên vì với tổn hại sức khoẻ nhiều năm thì 10 triệu đồng là quá nhỏ.