Trương Quế Chi -
Một tập thơ đầy ắp suy nghĩ, băn khoăn và cảm giác tự tin xen lẫn nghi ngờ của một cô gái trẻ biết mình đang lớn.
Tên sách: Tôi đang lớn
Tác giả: Trương Quế Chi
NXB Trẻ, 2006
Trương Quế Chi nổi danh trước hết với tư cách là một dịch giả nhỏ tuổi nhất có tên trong sách Kỷ lục Guinness Việt Nam. Nhưng dịch thuật chỉ thể hiện được một góc tài năng và sự đam mê của Chi, thơ ca mới là nơi thể hiện rõ nhất con người: thích chiêm nghiệm, cá tính, thông minh và biết tự trang bị cho mình một vẻ ngoài lạnh lùng, lý trí để che giấu thế giới nội tâm giàu xúc cảm, thậm chí là yếu ớt.
Chi lý trí ngay từ cách cấu trúc tập thơ. Tôi đang lớn chia làm 3 phần: Đang lớn là... đang lớn; Đang lớn... đang yêu...; Đang lớn... đang nhìn...
Đang lớn... là đang lớn là cách một cô gái thế hệ 8X giải thích cho những cảm nhận về sự biến đổi của chính mình qua tuổi 16, 18 đầy biến động. Chi lặng lẽ tự vấn tuổi 16, tự vấn cơ thể, viết đồng dao cho tuổi 18 để tìm kiếm hiện sinh và thể hiện những băn khoăn về ý nghĩa tồn tại của mình trong cuộc đời. Trong những câu thơ lấy cái tôi làm nhân vật chính, người đọc sẽ cảm nhận ở Chi một chút ngỡ ngàng, thảng thốt của một cô bé tập làm người lớn bằng những nỗ lực phân biệt cái đích thực và giả dối, cái ảo và cái thật, cái hiện sinh và hư vô. Chi trình bày một cái tôi lớn dần lên qua từng bài thơ: "Tôi hy vọng mình là một con người/ Tôi không tin mình là một con người/ Tôi tự huyễn hoặc mình là một con người/ Tôi thất vọng mình là một con người/ Và tôi thương tôi là một con người (Người).
Nếu như phần 1 của tập thơ chất chứa đầy tính triết lý, có lúc là khô khan thì Đang lớn... đang yêu... mềm mại hơn, tình cảm hơn với những lời trần tình của một người con gái biết rõ bản thân mình sẽ tan chảy ra nếu thiếu đi tình yêu nâng đỡ. Thơ viết về tình yêu của Chi là khát vọng được lặn sâu vào những góc khuất của người yêu và khám phá hình ảnh của chính mình từ những không gian riêng tư đó. Chi đặc tả mắt, làn da, cơ thể và cả những đụng chạm xác thịt nhưng câu thơ không hề sex, không gợi nên những cảm nhận xác thịt thô tục. Chùm bài Tưởng tượng của Chi ngắn, lời thơ thường kết thúc trước khi ý thơ "chịu" khép lại những gợi mở của nó cho người đọc: "Anh thiêu em/Trên cánh đồng mùa đốt rẫy/Cánh tay thần linh/ Đẩy em vào cạm bẫy khói mờ... (Tưởng tượng 2)/ Anh gục vào em/ Tìm hơi sữa/ Em tan chảy/ Vụng về hát ru" (Tưởng tượng 4)...Đang lớn... đang nhìn... trở về với những quan sát lạnh lùng như giọng điệu của phần thơ thứ nhất. Đây là nơi Chi nghe, nghìn... và thể nghiệm những suy nghĩ của mình về cuộc sống. Trong những băn khoăn của Chi, có thể nhận thấy những suy nghĩ đã bắt đầu "lớn" dù không mới:
Sáng
Một cuốn thơ và một bát cơm
Thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
Tôi chọn cuốn thơ
Trưa
Một cuốn thơ và một bát cơm
Thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
Tôi chọn cuốn thơ
Tối
Một cuốn thơ và một bát cơm
Thưa nghệ sĩ, anh sẽ chọn cái nào?
Tôi cần cơ hội để biết:
Thơ hay đến mức nào để từ chối bát cơm.
(Chọn)
Thơ Trương Quế Chi là thứ thơ khiến người ta không thể chỉ đọc một lần. Nhưng phải chăng vì còn trẻ, vì nỗ lực tập lớn, nên thơ Chi có những vần điệu hơi khô khan, hơi triết lý - một thứ triết lý trẻ con chưa đủ độ lão luyện để nửa kín nửa hở trong những ngôn từ giàu cảm xúc hơn. Ý tưởng thơ vì vậy dẫu hay nhưng đôi lúc được thể hiện có phần vụng về và khô cứng.
Thanh Huyền