Thủ tướng Phan Văn Khải và Tổng thống G. Bush gặp gỡ báo chí sau hội đàm tại Nhà Trắng. |
Theo Thủ tướng, VN chiến thắng trong chiến tranh, thắng lợi trong đổi mới, nâng dân tộc ta lên tầm cao mới nên chúng ta rất tự tin. Việt Nam - Mỹ từ chiến tranh thù địch nay đã chuyển thành đối tác.
Thủ tướng cho biết, ông đã tìm hiểu về Tổng thống Bush rất kỹ trước khi gặp mặt. Ngay phút đầu tiên gặp Tổng thống Bush tại Nhà Trắng, ông đã tạo không khí ban đầu đầy thoải mái. Trong suốt cuộc hội đàm, phần lớn đề nghị của VN đều được Tổng thống Bush đồng ý. Một số vấn đề chưa thống nhất như dân chủ, nhân quyền, tôn giáo... ông Bush cũng thể hiện sự hứng thú chứ không căng thẳng.
"Riêng về tôn giáo, ông ấy nói rất nhẹ nhàng, đàng hoàng, không đối nghịch gì cả. Tôi có nói, trước giải phóng VN chỉ hơn 100.000 người theo đạo Tin Lành, nhưng nay có tới 1 triệu người theo đạo này, cho thấy tôn giáo này phát triển rất nhanh. Họ khen VN gần đây thực hiện chính sách tôn giáo tốt", Thủ tướng nói.
- Thưa Thủ tướng, đâu là kết quả chính trị của chuyến thăm chính thức Mỹ?
- Trong khuôn khổ nhà nước, đây là lần đầu tiên ta cùng với Tổng thống Bush xác nhận mối quan hệ hai nước. Đấy là mối quan hệ đối tác xây dựng hợp tác nhiều mặt, trên bình diện ổn định lâu dài, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Đó là điều từ xưa đến giờ mình chưa thiết lập được với Mỹ (cũng như với Canada), đồng thời nhằm giúp Mỹ hiểu rõ chính sách đối nội, đối ngoại của chúng ta, kể cả những chính sách đối với bà con người Việt ở nước ngoài và cũng hiểu rõ chính sách chúng ta đối với Mỹ.
Tổng quát chung, chuyến đi đạt kết quả tích cực với những thỏa thuận đạt được ở mức cao nhất, tranh thủ được sự đồng tình rộng rãi của dư luận Mỹ đối với việc thúc đẩy quan hệ với VN. Điều đó sẽ đẩy lùi hiểu biết sai về VN, đẩy lùi những mưu toan phá hoại quan hệ hai nước.
- Thủ tướng có thể nói thêm gì về việc rung chuông mở đầu ngày giao dịch tại Thị trường chứng khoán New York?
- Đây là một thái độ trọng thị và đúng là kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến công du lần này của tôi. Hơn thế nữa, trong cuộc làm việc với ông John Thain - giám đốc điều hành Thị trường chứng khoán New York, họ hứa sẵn sàng nhận vài công ty của VN làm ăn tốt đăng ký giao dịch ở đây, mà đăng ký giao dịch ở đây có nghĩa công ty đó huy động vốn toàn thế giới.
Đồng thời họ sẵn sàng giúp đỡ VN về kỹ thuật để phát triển thị trường chứng khoán trong nước. Đó là những thiện chí đáng quí.
- Nói về chuyến thăm chính thức Canada, trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc, Thủ tướng cũng nhận định đây là chuyến thăm lịch sử?
- Đó cũng là nhận định của Thủ tướng Paul Martin khi ông trả lời báo chí ở Canada. Canada là nước quan hệ ngoại giao với chúng ta 30 năm rồi, nhưng đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng sang Canada.
Trong cuộc hội đàm, Thủ tướng Paul Martin khẳng định mạnh mẽ sẽ tiếp tục quan hệ hợp tác với chúng ta, cụ thể là trong khi Canada cắt giảm viện trợ đối với rất nhiều nước thì họ lại đặt VN vào danh sách 25 nước sẽ tiếp tục được nhận viện trợ.
- Theo Thủ tướng, chúng ta đã đạt được điều gì ngoài những hợp đồng kinh tế từ các diễn đàn doanh nghiệp, các nhà đầu tư Mỹ và Canada?
- Chưa bao giờ VN đi với một phái đoàn hùng hậu như vậy gồm gần 200 người, trong đó có đến 80 nhà doanh nghiệp. Tôi nói với các doanh nghiệp Mỹ và Canada: VN là một đất nước đổi mới, phát triển, mở cửa, có nền chính trị xã hội ổn định, một đất nước năng động.
Do đó xin mời các bạn hãy đến VN để hiểu đất nước VN rõ hơn - một đất nước có dân chủ, nhân quyền, tôn trọng tôn giáo.
Đây là lần đầu tiên chúng ta tranh thủ được sự tiếp xúc và có nhiều hiểu biết, nhiều thỏa thuận với các công ty, doanh nghiệp không chỉ hàng đầu của nước Mỹ mà của cả thế giới. Họ làm việc với ta không chỉ là nghe ý kiến mà còn đề xuất những dự án hợp tác cụ thể rất hấp dẫn ngay từ năm 2006.
- Một chuyến đi dài ngày với chương trình dày đặc như vậy, hẳn Thủ tướng cũng có những phút giây mệt mỏi?
- Mệt lắm chứ. Ngoài các cuộc hội đàm chính thức, tôi cũng dành thời gian đi thăm hoặc tiếp các công ty lớn hàng đầu của thế giới đến chào mừng như Tập đoàn Boeing, GAP, Nike... Riêng ở Washington, có ngày tôi phải tiếp khách đến 20 cuộc, căng thẳng đầu óc.
Cái lo lớn nhất là chuẩn bị để gặp Tổng thống Bush, gặp các thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ của Quốc hội Mỹ... nhưng tất cả diễn ra tốt đẹp. Còn cuộc gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng D. Rumsfeld rất thoải mái và vui.
Các cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Mỹ và Canada cũng thú vị. Bà con đến dự đông vui thể hiện tấm lòng, tình cảm đối với đất nước. Tôi cũng gợi ý bà con nào có điều kiện thì về thăm quê hương để biết đất nước mình phát triển, đổi mới như thế nào.
- Thưa Thủ tướng, cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi tại Tokyo có kết quả ra sao?
- Với Nhật Bản là đối tác tin cậy lâu dài mà ta đã xác định từ trước. Hôm gặp Thủ tướng J. Koizumi, chúng tôi thống nhất mấy điểm như hai bên đánh giá quan hệ hai bên trong thời gian qua là phát triển tốt, bàn biện pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai nước.
Tôi đã cảm ơn bạn dành cho ta ODA và khẳng định tiếp tục tăng cường biện pháp giải ngân. Trong khi ODA ở các nước trên thế giới đều cắt giảm thì Thủ tướng J. Koizumi cho biết sẽ xem xét tăng ODA viện trợ cho VN.
Trong cuộc hội đàm ngắn, tôi cũng đã cảm ơn Nhật Bản đã kết thúc đàm phán song phương về việc VN gia nhập WTO. Tôi và Thủ tướng Koizumi thỏa thuận sẽ góp phần làm cho Hội nghị cấp cao Đông Á tổ chức tại Malaysia đạt kết quả tích cực. Thủ tướng Koizumi cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với VN để đảm bảo Hội nghị cấp cao APEC tổ chức tại Hà Nội năm 2006 thành công tốt đẹp.
Có thể nói chuyến công du lần này đã đạt kết quả thành công vượt dự kiến.
(Theo Tuổi Trẻ)