Chỉ còn gần hai tháng nữa là tết rồi, cuối cùng tôi đã buông bỏ trách nhiệm, thứ đè nặng lên đôi vai bé nhỏ này, thứ tôi đã luôn hết lòng và dành sự ưu tiên. Từ năm cấp hai tôi đã tự làm tự học, từ đó đến khi học đại học hay sau này, tôi chưa bao giờ nghỉ tết, nghỉ lễ, bởi đó là những dịp sẽ được trả lương cao, hơn nữa tôi ám ảnh những tiếng chửi rủa. Từ nhỏ tôi đã phải mạnh mẽ để bảo vệ mẹ bởi mẹ bị động kinh (ai có người thân bị vậy sẽ hiểu được nỗi thống khổ, bất an ấy).
Năm tôi 19 tuổi, mẹ gặp tai nạn vì lên cơn. Trước nay mẹ là động lực, điểm tựa để tôi sống, phấn đấu. Thời gian ấy tôi khóc rất nhiều, bị cấm khẩu luôn. Rồi nhìn hai đứa em nhỏ, đứa 10 tuổi và 13 tuổi, tôi dặn lòng phải ráng lên, để mẹ an lòng vì đã có tôi. Đứng trước lựa chọn học hay nghỉ học để nuôi em, rồi may mắn được bà hàng xóm neo đơn giúp đỡ, chăm em giúp, tôi đã chọn vừa học vừa làm. Nhớ lại sao lúc đấy tôi mạnh mẽ thế.
Cha tôi bê tha rượu chè, lười biếng, chửi đánh vợ con, ruộng vườn bỏ hoang nhưng mở miệng ra là than thân trách phận. Dù ông bà đã mất nhưng cha được nhà nước nuôi ăn học tới nơi tới chốn, rồi vì ăn chơi lêu lổng nên dở dang. Nhậu vô là cha than trách số phận, chửi rủa thiên hạ, trong khi nợ nhỏ lẻ có, nợ to có mà mãi không chịu trả người ta. Ngoài ra những lúc say cha còn đánh nhau, té xe đủ cả. Nhiều lúc tôi nghĩ sống vậy mà cha cũng sống được, sao trên đời có người tệ đến mức thế.
Tôi lo cho em mình từ A đến Z, chỉ mỗi việc học thôi mà em không lo học hành. Năm thứ ba đại học em lỡ dở việc học, đi lấy chồng. Em sinh con xong, tôi bảo đưa con tôi giữ, ráng học xong năm cuối. Em tôi cũng không chịu, cuối cùng ở vậy chồng nuôi. Tôi nhận ra, tất cả là do lỗi của mình, tự làm khổ mình. Lúc sinh viên, mỗi khi mùa màng hay gì em đều thu xếp về để gặt, phơi lúa, sau có tiền tôi đều thuê máy gặt, cày, bừa. Tất cả đám, giỗ, chạp, tết đều một tay tôi lo liệu, sắm sửa. Nhà cửa tôi sửa sang, vườn tược cũng dọn rồi trồng cây. Tôi đã ôm đồm quá nhiều, đã khiến họ nghĩ đó là nghĩa vụ của tôi, việc hiển nhiên tôi phải làm.
Tôi đã sai trong việc nuôi dạy hai đứa em, cứ nghĩ bù đắp và lo thay phần mẹ, vừa đóng vai mẹ và chị đối với một đứa mới lớn như tôi thật sự không dễ dàng. Đến cái áo khoác gió 3-4 năm tôi không dám mua, ăn không dám ăn. Tôi đã cố gắng hết sức có thể, có những lúc mệt đến kiệt sức. Tôi rất nhớ mẹ, nhớ vô cùng, nhớ đến nỗi hoang tưởng mẹ vẫn còn bên mình, nhớ đến mức khóc òa trong đêm.
Đến bây giờ tôi đã mệt, phải sống cho riêng mình nên cắt hết các việc từ mùa màng, giỗ chạp, tết. Tôi chỉ mua bảo hiểm cho cha, còn lại đứng ngoài mọi thứ trong cuộc sống của ông. Cha vẫn vậy, ngày càng chửi rủa tôi thậm tệ. Âu cũng là cái nghiệp, đời luôn có nhân quả, tôi cũng xác định sau này ông già cả tôi sẽ thuê người chăm nom. Tâm tôi không thể làm gì hơn việc tròn trách nhiệm với công ơn sinh thành. Với đứa em lấy chồng rồi tôi cũng vậy, không liên quan, lớn rồi tự chọn, tự lo cho cuộc sống của mình. Tôi cũng đặc biệt nói rõ với em đừng mượn tiền tôi. Bây giờ tôi chỉ lo cho đứa út học đại học, nếu em nó muốn học thêm hay gì tôi vẫn lo. Tôi chỉ bảo em ráng sống sao cho mẹ an lòng, chị hai chỉ giúp được đến vậy, cuộc sống sướng khổ do em tự quyết định.
Tôi nhận ra mình tự làm khổ bản thân, ôm đồm, giờ thấy nhẹ hẳn, dành thời gian cho bản thân hơn, buông bỏ oán hận người cha tệ bạc. Hôm nay, khi về lại nhà vài hôm, cha ngày nào cũng nhậu và chửi cả đêm. Tôi không biết khiếp trước đã mắc nợ gì nhà này nữa. Tôi mệt mỏi vô cùng, bao nhiêu buồn tủi tự nhiên hiện về dù đã cố quên, cố cho qua vì dù gì cũng là cha mình. Bây giờ tôi đã điều chỉnh bản thân, buông bỏ chấp niệm, sân si, thương nhớ, như thế tôi mới thanh thản, tâm an, mẹ ở nơi xa xôi ấy cũng an lòng. Tôi cho phép bản thân được yếu đuối, khóc thật to như đứa trẻ nốt lần này nữa thôi. Ngày mai, hãy vui vẻ, cười thật nhiều "tôi" nhé. Mây của trời, hãy để gió cuốn đi. Cảm ơn các bạn đã lắng nghe và chia sẻ với tôi.
Huyền Nga