Đừng quá tốn tiền cho đám cưới nếu bạn không muốn rơi vào bẫy nợ nần sau này. Câu chuyện phải bán cả phương tiên đi lại và phương tiện làm việc để trả khoản nợ vay phục vụ đám cưới của anh Thế Sơn, quận 4, TP HCM có thể là bài học cho các bạn trẻ chuẩn bị kết hôn.
Lúc chuẩn bị làm đám cưới, diễn ra vào tháng 9/2012, trong tay tôi có khoảng 80 triệu, vợ tôi có 20 triệu. Thực ra, ban đầu chúng tôi định để đến 2014 mới cưới. Tuy nhiên, tháng 7/2012, cô ấy thông báo có em bé, vậy là gia đình hai bên quyết định tổ chức đám cưới sớm. Các cụ đi xem ngày, cưới ngay tháng 8 âm lịch là đẹp nhất. Thời gian gấp gáp nhưng cả đời mới cưới có một lần, vì thế chúng tôi quyết định đã làm là ra làm.
Tính toán thấy hai đứa đều thu nhập khá, tổng cộng dao động 20-30 triệu/một tháng (tùy theo hiệu quả công việc), vì thế chúng tôi quyết định vay ngân hàng 150 triệu làm đám cưới. Chúng tôi vay với thời hạn 2 năm, lãi suất 14%/năm. Vợ tôi làm cho một công ty viễn thông, còn tôi là nhân viên kinh doanh của một công ty quảng cáo. Hồi còn ở trọ với bạn, trừ tiền ăn uống, mua sắm, đi học thêm ngoại ngữ, mỗi tháng vợ tôi vẫn bỏ ra được 3 triệu. Tôi sống cùng bố mẹ, mỗi tháng đưa mẹ 3 triệu phụ chi tiêu trong nhà, trừ chi tiêu cá nhân, tôi vẫn có tiền dư từ 3 đến 7,8 triệu. Vì thế chúng tôi tự tin sẽ trả nợ dễ dàng. Chúng tôi đều xác định khi vay nợ thì sẽ cố chi tiêu tiết kiệm và chăm chỉ làm việc để có thêm thu nhập.
Việc đầu tiên chúng tôi phải làm là sửa sang lại nhà cửa để có chỗ cho vợ chồng tôi ở sau khi cưới. Nhà tôi nằm trong một hẻm nhỏ. Nhà rộng 50 mét vuông, một trệt một lầu. Tôi là con cả trong nhà, dưới còn một cậu em nữa. Tầng dưới nhà tôi vốn là phòng khách, bếp và nhà vệ sinh. Tầng lầu chia hai phòng, một của bố mẹ, một của hai anh em. Vì tôi cưới vợ nên bố mẹ quyết định ngăn phòng khách ra, cho em trai xuống đó ở. Bố mẹ cũng sơn sửa lại nhà, lát lại gạch nền cho khang trang. Tổng tiền sửa nhà mất 55 triệu. Bố mẹ tôi chỉ có 30 triệu nên tôi phải hỗ trợ 25 triệu.
Đám cưới của tôi có khoản đáng kể như sau: Tiền chụp ảnh, quay phim, trang điểm cô dâu, thuê váy cưới hết tổng cộng 73 triệu. Dù vợ tôi đang bầu bì nhưng chúng tôi vẫn đi Phan Thiết để chụp ảnh, bởi đây là nơi hai đứa tình cờ gặp nhau rồi nên duyên. Đi chụp ảnh xa Sài Gòn, chúng tôi phải tốn thêm tiền ăn ở, đi lại cho ê kíp chụp ảnh và trang điểm gồm 5 người tất cả. Sản phẩm là chúng tôi có hai cuốn album ảnh và 12 bức hình lớn bày ở sảnh cưới, một video dài 30 phút vô cùng lãng mạn kể lại chuyện tình yêu của hai đứa, một video 30 phút như một phóng sự cưới, từ bữa ăn hỏi đến bữa ăn tiệc. Cô dâu chú rể ba lần thay trang phục chụp ảnh, thay hai bộ trang phục trong đám cưới và có một trang phục mặc trong đám hỏi.
Chi phí cho sính lễ ăn hỏi gồm tiền và các vật phẩm như lợn quay, bánh phu thê tổng cộng hết 30 triệu đồng.
Tổng cộng tiền thuê xe đi lại giữa nhà chú rể ở TP HCM và nhà cô dâu ở miền Tây hết 36 triệu, trong đó có một ôtô 24 chỗ ngồi thuê cho đám hỏi, một ôtô 16 chỗ ngồi cho lần cưới thứ nhất ở nhà gái, hai ôtô 24 chỗ ngồi cho việc đón dâu cũng là lần cưới thứ hai ở nhà trai, và một siêu xe bốn chỗ làm xe hoa.
Tiền hoa trang trí đám cưới, trang trí xe cô dâu hết 8 triệu. Nhẫn cưới hết 8 triệu.
Chúng tôi đặt nhà hàng tiệc cưới hơi muộn nên không tìm được nhà hàng có giá ở mức trung bình mà chúng tôi ưng ý. Khách của hai đứa, đặc biệt của tôi, nhiều người là đối tác trong công việc, thuộc tầng lớp giàu có, vì thế tôi không thể chọn nhà hàng quá thường. Cuối cùng tôi quyết định đặt tiệc cưới ở một khách sạn 4 sao. Tôi cũng mời một nhóm nhạc đến góp vui, đây là những người bạn nên họ không lấy tiền. Đáng tiếc đúng hôm tiệc cưới, trời mưa tầm tã, nhiều khách ngại mưa không đi, chỉ gửi phong bì. Tiền khách mừng không đủ tiền đặt tiệc, khiến tôi bị lỗ mất 30 triệu.
Tôi không rõ chi phí tổ chức ăn tiệc ở nhà gái thế nào. Vì cả hai đứa đều làm việc tại Sài Gòn nên tiệc cưới ở nhà gái tùy bố mẹ cô dâu lo liệu. Bố mẹ vợ không cần chúng tôi hỗ trợ gì, ông bà bảo tiền phong bì nhà trai đưa trong đám hỏi, tiền khách mừng có thể giúp ông bà tự xoay xở.
Ngoài ra, chúng tôi sắm sửa đồ đạc cho tổ ấm của mình cũng mất một khoản kha khá: một chiếc giường mới, chăn ga gối đệm, tivi 32 inch, máy lạnh, tủ quần áo, bàn trang điểm của vợ, tổng cộng hết 45 triệu.
Sau cưới, chúng tôi không đi trăng mật ở đâu, bắt đầu cày cuốc trả nợ. Tôi có một sai lầm là vay gói không trả gốc hàng tháng, mỗi tháng chỉ trả lãi 1,75 triệu đồng. Sai lầm thứ hai là không tính đến việc vợ tôi nghỉ sinh con. Bốn tháng cô ấy ở nhà, trợ cấp thai sản đâu có đáng bao so với thực tế thu nhập hàng tháng của cô ấy. Con được 10 tháng, vợ tôi lại dính bầu lần nữa. Chúng tôi giữ lại sinh vì đạo Thiên chúa giáo không cho phép phá thai. Cô ấy lại nghỉ việc, thu nhập gần như không có.
Cho đến ngày phải tất toán khoản vay, tháng 9/2014, tôi chỉ có trong tay 60 triệu. Lúc này tôi buộc phải giao bán tất cả xe máy, máy tính, điện thoại của mình, vợ tôi cũng phải bán vòng vàng được bố mẹ cho làm của hồi môn để có tiền trả ngân hàng nếu không muốn ngôi nhà đang ở bị xiết nợ.
Trong những ngày khốn khổ, tôi nhận thấy mình đã sai lầm khi tính toán việc vay và trả ngân hàng không phù hợp. Đặc biệt, tôi đã quá hoang phí trong đám cưới. Tất cả những bộ ảnh, đĩa phim bây giờ đều xếp nơi góc tủ. Chúng tôi đâu có thời gian mà xem. Những cái hào nhoáng khoe mẽ trong đám cưới cũng đâu có ai nhớ đến, niềm vui trong một khoảnh khắc trở thành gánh nặng trong nhiều năm.
Thế Sơn
Gửi câu hỏi thắc mắc và chia sẻ kinh nghiệm chi tiêu của bạn tại đây hoặc về giadinh@vnexpress.net.