Đọc bài "Tôi đã dạy con đếm số khi mới 22 tháng tuổi như thế nào", qua câu chữ, tôi có thể thấy tình yêu thương và tâm huyết tràn ngập của bạn. Nói thật, đọc những gì bạn viết, tôi có hơi mỉm cười, vì bạn làm giống hệt tôi lúc mang bầu.
Bé nhà tôi 18 tháng có thể nhớ bảng chữ cái, 24 tháng có thể tính cộng trừ đến 10, xếp hình 60 miếng dành cho trẻ 5 tuổi. Còn bây giờ cháu vừa qua 5 tuổi, ngoài tiếng Việt cháu có thể nhận biết tiếng Anh và tiếng Trung, tính cộng trừ đến hàng nghìn. Tuy vậy, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến nói trên kia "tuỳ từng bé".
Vì tình yêu thương mà tôi chuẩn bị cho con những gì tốt nhất trong tầm hiểu biết. Tôi không muốn nuôi dưỡng một thiên tài mà muốn nuôi dưỡng một đứa trẻ hạnh phúc.
Tất cả những gì con tôi có được bây giờ là bởi vì:
1. Bé thích nên bé đòi tôi "chơi cùng". Tôi không hề dạy bé, chỉ cho "tip" (gợi ý), và bé tự tìm tòi tự học.
2. Lý do quan trọng hơn là gen di truyền. Bố cháu 4 tuổi biết đọc (tự tìm ra quy luật), từ lớp một đến thạc sĩ, chưa bao giờ xếp thứ 2, giải quốc gia quốc tế sưu tập đủ cả. Nên tôi thấy con thế cũng bình thường.
Tôi muốn chia sẻ với các ông bố bà mẹ ở đây một chút, là kinh nghiệm mà cũng là lời chân thành. Tôi thấy người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung có cái nhìn hơi không thỏa đáng về cách nuôi dạy con cái. Đừng coi con là một cái máy, đầu vào như thế này thì kì vọng đầu ra phải thế kia. Con bạn là một con người bằng xương bằng thịt và là độc nhất vô nhị trên thế gian này, nên công thức để nuôi dạy con bạn cũng là độc nhất.
Một con người nói nôm na có một nửa là thể chất, một nửa là trí óc. Trong nửa thể chất, có một nửa là sức khỏe hình thể và một nửa là sức khỏe tinh thần. Còn trong một nửa trí óc, có một nửa bị chi phối bởi bán cầu não trái và một nửa do bán cầu não phải.
Bán cầu não trái chi phối các môn như toán học, âm nhạc, ngôn ngữ. Bán cầu não phải chi phối các môn nghệ thuật như hội họa, điêu khắc... Đáng buồn là người lớn ở Việt Nam chỉ quan tâm đến phần bán cầu não trái, tính nhẩm ra chỉ có 1/4 của một con người mà quên đi 3/4 còn lại. Như thế có thỏa đáng không?
Tôi đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của con (cả hình thể và tinh thần) vì nó chiếm đến 1/2 con người. Chưa kể, tôi muốn nuôi dạy một đứa trẻ hạnh phúc, không phải một thần đồng. Có sức khỏe, làm gì cũng dễ hơn nhiều. Tôi cho bé đi giao tiếp với thiên nhiên, với các bé khác rất thường xuyên. Trẻ con học qua trò chơi mà. Tôi quan sát cách con xử lý tình huống, các mối quan hệ, mâu thuẫn... để hướng dẫn con (chứ không dạy hay can thiệp).
Cái đó quan trọng hơn rất nhiều so với việc biết đọc viết lúc 4 tuổi hay lúc 6 tuổi. Các bố các mẹ có thể chưa biết, thiên hướng tính cách của trẻ đến 7 tuổi coi như đã hình thành. Càng lớn, trẻ chỉ càng phát triển theo hướng đó, cực kì khó thay đổi. Và chắc các bố mẹ cũng nghe nhiều, ngày nay EQ quan trọng hơn IQ rất nhiều. Chẳng thế mà anh chàng có IQ cao nhất nước Anh đang làm bồi bàn.
Rèn luyện ý chí của con qua thể thao (bé nhà tôi bơi 2-3 buổi/ tuần, sinh hoạt câu lạc bộ võ thuật 1-2 buổi/ tuần), tham gia các cuộc chay bảo vệ môi trường hoặc gây quỹ từ thiện cùng bố mẹ.
Thêm một chút tinh tế, màu sắc vào cuộc sống qua âm nhạc. Bé nhà tôi từ lúc sinh ra giọng nói to, vang và rất thích hát nên tôi cho con học với cô giáo thanh nhạc. Bé thấy cô dùng piano đệm cho hát nên cũng đòi học thử. Buổi tối cả nhà cùng nhau xếp lego, chơi trốn tìm. Thỉnh thoảng bé "nhớ" toán thì bắt bố mẹ ra đề cho làm. Cuối tuần cả nhà leo núi, hoặc đi bộ trong rừng, thả diều...
Niềm tự hào lớn nhất của tôi là nuôi dạy được một đứa trẻ khỏe mạnh, tự tin, cực kì thân thiện và hạnh phúc, chứ không phải giỏi toán hay giỏi ngoại ngữ. Tôi nhắc lại, đừng dạy con (bạn có chắc là bạn hoàn toàn đúng 100%?), mà hãy để con trải nghiệm thật nhiều thứ khác nhau, cùng lúc đó quan sát và tìm ra thiên hướng của con, nuôi dưỡng điểm mạnh của con.
Con gái tôi, không nghi ngờ gì là một đứa trẻ chịu sự chi phối cực mạnh của bán cầu não trái, vì thế khi nó vẽ những bức tranh trông đến phì cười (tệ hơn rất nhiều so với những đứa trẻ khác), tôi hoàn toàn vui vẻ.
Ngược lại, nếu con bạn là một đứa trẻ chịu sự chi phối của bán cầu não phải, đừng ép cháu phải học toán giỏi, phải nhớ được bao nhiêu từ tiếng Anh... Hãy quan sát và tìm hiểu, biết đâu cháu có thiên hướng nghệ thuật thì sao? Con tôi đòi học piano, nhưng cháu không bao giờ tập ở nhà, nên tôi hỏi cháu có muốn nghỉ không (vì nghĩ cháu không hứng thú lắm), thì cháu lại không đồng ý nghỉ.
Tôi đến gặp cô giáo hỏi, cô giáo tha thiết xin cho cháu học tiếp vì cháu rất có năng khiếu (não trái mà), nhưng tôi để con tự chọn lựa. Trẻ con phải thích thì mới làm tốt được, chứ dù có năng khiếu mà cháu không thích, càng ép càng phản tác dụng thôi. Trẻ con thường sẽ thích những gì nó giỏi. Động viên khuyến khích tạo cơ hội để con biết là mình "giỏi" thì sớm muộn cháu sẽ tự có hứng để phát huy.
Công thức chung duy nhất để nuôi dạy con cái là tình yêu thương của bố mẹ gia đình. Còn lại, mỗi cháu là một cá thể độc nhất vô nhị. Nuôi dưỡng giáo dục con cái là xuất phát từ con cái chứ không phải từ kỳ vọng của bố mẹ.
Tôi vẫn ví mỗi đứa trẻ là một hạt giống. Cha mẹ cần tìm hiểu, quan sát xem hạt giống đó là hạt giống gì thì mới có cách vun trồng tốt được. Con bạn là hạt giống cây táo, bạn chỉ có thể vun trồng làm sao cho nó ra cây táo trĩu quả, xanh tốt khỏe mạnh nhất. Chứ cứ nằng nặc muốn có cây cam, bón dinh dưỡng như nuôi cây cam, thì cuối cùng nó vẫn ra cây táo mà lại không phải cây táo tươi tốt nhất, còn bản thân người trồng thì buồn bã thất vọng. Vì vậy các bậc cha mẹ ạ, hãy nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc nhất nhé
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.