Chiều hôm ấy, trời mưa như trút nước, tôi đang trách móc ông trời vì đã cướp mất của tôi cơ hội được đi café cùng bạn bè dịp cuối tuần, thì tôi bỗng nhận được một email từ miền Nam nước Anh xa xôi. Email ấy là từ gia đình bác Mary, một gia đình người Anh nồng hậu, thân thiện đã dẫn dắt tôi đến với con người, văn hóa, lịch sử nước Anh. Bác viết email hỏi thăm cuộc sống của tôi ở Việt Nam sau một tháng trở về từ nước Anh.
Bức ảnh chú chó Suki đính kèm trong thư làm ký ức về những ngày đông buốt lạnh cùng Suki đi dạo quanh đường phố Chichester ùa về trong tôi. Bỗng nhiên bao nỗi buồn của tôi không còn tập trung vào cơn mưa chiều đáng ghét kia nữa, mà đã hóa thành một nỗi nhớ khắc khoải, xa xăm. Bao kỷ niệm tôi đã có với gia đình bác, với nước Anh thân yêu hiện lên như một thước phim quay chậm.
![anh-1_1443757683.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-1-8418-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=l2NgLd5fspoHjK6Z4Xfb7g)
Tôi biết đến gia đình bác Mary một cách rất tình cờ, và tôi tin rằng đó là cái duyên giữa chúng tôi. Trong buổi lễ chào mừng các sinh viên đến học ở Anh theo chương trình học bổng Chevening được tổ chức ở London năm ấy, khi mọi người đang trao đổi, nói chuyện với các bạn Chevening đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau, thì tôi để ý thấy một chiếc bàn nhỏ ở góc phòng không có người vây quanh. Tôi tò mò lại gần và được giới thiệu về chương trình Host Family dành cho sinh viên Chevening. Và chính từ cái giây phút ấy tôi đã biết đến gia đình bác Mary, để rồi dịp Giáng sinh năm ấy tôi đã có một kỷ niệm không thể quên với gia đình bác.
![anh-2_1443757699.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-2-5983-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=L8LU3JZCoK54O0qULyHK-w)
Giáng sinh đến, tôi háo hức bắt chuyến tàu tối từ Brighton đến Chichester mặc cho những cơn gió mùa đông rét buốt như đang muốn xé tan chiếc áo khoác mỏng của tôi, và mặc cho hai bài luận dang dở còn đang đợi tôi ở nhà. Bác Mary và chú cho Suki đã đứng ở ga tàu Chichester chờ tôi tự lúc nào, bác vừa lái xe đưa tôi về nhà vừa ân cần hỏi thăm cuộc sống mới của tôi ở Anh. Chính khoảnh khắc ấy đã xua tan đi trong tôi những định kiến về sự lạnh lùng xa cách của người Anh.
Mùa Giáng sinh năm ấy, lần đầu tiên tôi được tự tay trang trí cây thông noel. Và cũng chính nhờ gia đình bác mà tôi biết rằng cây thông Noel đầu tiên được đưa vào nước Anh từ đầu thế kỷ 19, do chồng của nữ hoàng Victoria - là hoàng tử Albert đem về trang trí tại lâu đài Windsor. Và cũng nhờ gia đình bác mà tôi biết rằng khi nấu gà Tây, người ta sẽ cho hai nửa quả cam vào bên trong con gà để thịt thật thơm và ngon.
Dù chỉ ở với gia đình bác ba ngày, nhưng sự nồng hậu ấm áp của gia đình bác đã làm tôi, một con bé lần đầu xa quê hương, quên đi nỗi nhớ nhà, nhớ Việt Nam da diết. Ngoài mẹ tôi ra, bác là người đầu tiên tặng tôi những thứ như bàn chải đánh răng, tất, găng tay, vì bác sợ rằng cơ thể tôi đã quá quen với khí hậu nhiệt đới, hẳn sẽ chưa thể thích nghi ngay với cái gió cái rét của nước Anh. Chia tay lễ Giáng sinh, chia tay gia đình bác ở ga tàu về Brighton, tôi bịn rịn chẳng muốn đi, còn quá nhiều thứ về người Anh, về nước Anh tôi muốn học từ bác lắm.
![Anh-3.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/Anh-3-2831-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=iwXaYEq1FPuQsYOeIfajUQ)
Đúng như người ta vẫn thường hay nói “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”. Tôi tin rằng giữa tôi và gia đình bác có mối lương duyên đến kỳ lạ bởi một năm sau, tôi lại có cơ hội được sống cùng gia đình bác, nhưng lần này không phải chỉ là ba ngày, mà là cả bốn tháng. Nước Anh đã quá ưu ái và thiên vị tôi khi cho tôi một công việc tư vấn từ xa sau khi kết thúc khóa học. Tôi đã đọc được ở đâu đó rằng "Ba năm sau bạn sẽ thay đổi như thế nào phụ thuộc vào những người bạn gặp, những cuốn sách bạn đọc và những nơi bạn đi qua".
Những thay đổi trong tôi không cần đến ba năm để thành hình, thành khối, chỉ bốn tháng ngắn ngủi hòa mình vào cuộc sống của gia đình bác, cái nhìn của tôi về nước Anh, về con người Anh đã đong đầy yêu thương. Để dần dần tôi nhận ra rằng tình yêu của mình dành cho xứ xở sương mù yên bình này đã lớn lên mãnh liệt khi nào không hay. Tôi thường nói với bác, tôi thật sự rất biết ơn số phận vì đã mang tôi đến với nước Anh, đến với gia đình bác. Bác cũng cảm ơn tôi vì đã mang hương vị Việt Nam vào ngôi nhà nhỏ bé của bác.
![anh-4_1443757722.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-4-2860-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oei2T6a0VMeaueg9WJqe0w)
Bốn tháng ngắn ngủi ấy đã dạy tôi rằng hãy biết sống có trách nhiệm, hãy biết sống yêu thương ngay cả với những điều nhỏ bé trong cuộc sống. Tôi học được điều ấy khi hàng ngày cùng bác Mary dắt chú chó Suki đi dạo quanh thành phố Chichester cổ kính. Dù bận đến mấy bác cũng dành thời gian cho Suki vì bác nói rằng chó cần rất nhiều sự quan tâm từ con người, nếu đã quyết định có một chú chó trong cuộc sống của bạn, hãy đối xử với nó bằng tất cả sự ngọt ngào nhất.
![anh-5_1443757743.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-5-1643-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_Vm-Td5o7fxm6fdzlRxgGg)
Bốn tháng ngắn ngủi ấy đã dạy tôi rằng tình yêu bền vững không thể thiếu sẻ chia, thấu hiểu và cảm thông. Đó là những điều tôi thấy được từ vợ chồng bác Mary khi họ cùng chia sẻ công việc nấu nướng, làm vườn, khi thấy họ cùng nhau đi du lịch, cùng đọc và chia sẻ một cuốn sách hay. Như một thói quen, hai bác thường gửi cho tôi bưu thiệp và những tấm hình hai người chụp chung ở những địa điểm du lịch hai bác ghé thăm. Mối tình của hai bác khiến tôi tin rằng, tình yêu chân thành vẫn còn nhiều lắm ở ngoài kia.
Kỳ lạ thay bốn tháng ngắn ngủi được hoàn toàn sống trong nền văn hóa Anh lại càng làm tôi yêu và tự hào về Việt Nam. Tôi đã có cơ hội được quảng bá những món ăn đậm đà bản sắc Việt Nam như nem, phở gà, bún bò Huế đến gia đình bác và bạn bè của bác. Làm sao mà không tự hào và hãnh diện cơ chứ khi những món ăn bạn nấu được chào đón, khen ngợi bởi những con người sống cách quê hương bạn đến gần 15.000 km.
![anh-6_1443757758.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-6-3146-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oTLSfZryATFdXSNycq-Zcw)
Bốn tháng ấy đã giúp tôi hiểu ra một điều, người Anh dù sống trong một đất nước hiện đại phát triển bậc nhất thế giới nhưng vẫn luôn trân trọng nhìn về quá khứ. Tôi cảm động vô cùng khi bác Mary mua tặng tôi một bông hoa để cài lên áo và mời tôi cùng gia đình bác đi thăm biển hoa Poppies bằng sứ đỏ ở tháp London, để tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong Đại chiến thế giới thứ I. Nhờ những chuyến tham quan bảo tàng văn hóa, lịch sử ở London, Chichester và Portsmouth với gia đình bác, mà một đứa vốn chẳng mặn mà lắm với lịch sử phương Tây bây giờ lại có thể ngấu nghiến đọc “The Making of Modern British” không biết chán.
![anh-7_1443757769.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/10/02/anh-7-2375-1443775630.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=KQp7Bd6RNLRjE8UyuDeN2g)
Ngày chia tay, gia đình bác lái xe đưa tôi đến sân bay Gatwick, bác tặng tôi hai cuốn sách về nước Anh, về London, và một cuốn lịch Chichester. Bác hứa với tôi một ngày gần nhất sẽ đến thăm tôi ở Việt Nam. Tôi cố ngăn không cho nước mắt mình rơi khi vẫy tay chào bác, nhưng khi vừa quay đi thì tôi thấy mắt mình đã ướt. Tôi hiểu đây không phải là giọt nước mắt mang hình nỗi buồn, mà là giọt nước mắt hạnh phúc, vì tôi đã tìm thấy gia đình thứ hai của mình. Oscar Wilder đã từng nói “Memory is the diary that we all carry about with us”. Tôi biết rằng kỷ niệm với gia đình bác, với nước Anh sẽ là những trang nhật ký đẹp nhất mang theo trong suốt cuộc đời này.
Trương Thanh Mai