Tôi học 4 năm ở trường đại học quốc gia Singapore, làm việc ở nước này 3 năm. Sau đó, tôi sang Australia học thạc sĩ 2 năm và làm việc tại trường đại học quốc gia Australia đến nay là 7 năm. Nói như vậy để thấy tôi hầu hết học và làm việc ở những nước nói tiếng Anh nhưng tôi phải rất cố gắng mới có thể giao tiếp một cách hiệu quả với người bản xứ.
Trước khi sang học đại học ở Singapore, tôi thi đủ điểm IELTS để nhập học nhưng lúc sang đến nơi tôi mới thấy mình khá chật vật trong việc giao tiếp ở trường học và xã hội.
Lúc nói chuyện với bạn bè thì chỉ hiểu được một phần nhỏ đoạn hội thoại của họ. Trong lớp thì ngại tham gia các buổi thảo luận hay phát biểu ý kiến vì chỉ sợ họ không hiểu mình thì thật xấu hổ. Lúc nào tôi cũng sợ người ta hỏi "Where are you from?” (Bạn từ đâu đến?) vì tôi chỉ sợ người ta đánh giá mình đến từ nước nghèo và nói tiếng Anh có giọng tiếng Việt. Thực sự hai năm đầu tiên tôi rất e dè trong việc giao tiếp và nhiều lúc cảm thấy tiếng Anh của mình đang đi xuống vì không có cơ hội thực tập.
Tuy nhiên, dần dần tôi nhận ra rằng, sinh viên bản xứ nói tiếng Anh không giống như giọng Anh - Anh hay Anh - Mỹ mà mình đã học ở trong nước nhưng họ có vốn từ vựng rất tốt và họ rất tự tin sử dụng thứ tiếng gọi là Singlish (Singaporean - English). Thế là tôi bắt đầu lên kế hoạch thay đổi chính quan niệm của mình là không cần phải nói tiếng Anh "hay" và tìm cách nâng cao trình độ giao tiếp của mình lên.
Trước tiên, thay vì "nói nhanh như gió" mà không chuẩn và người nghe không hiểu thì tôi tìm cách nói chậm lại với những phát âm chuẩn từng từ. Tôi để tâm đến các âm gió phía cuối từ để người nghe có thể phân biệt rõ ràng mình đang nói từ gì (ví dụ: nine, night hay nice). Tôi thường xuyên tra từ điển không phải để tra nghĩa của từng từ mà để biết trọng âm rơi vào âm nào trong một từ.
Ví dụ từ "communicate" thì trọng âm rơi vào âm thứ 2 /kəˈmjuːnɪkeɪt/nhưng "communication" thì trọng âm rơi vào âm thứ 3 /kəmjuːnɪˈkeɪʃ(ə)n/.
Tiếp đến tôi tăng cường nghe bản tin, xem phim tiếng Anh và đọc báo, đặc biệt là báo địa phương, để giúp tôi tăng thêm vốn từ vựng và được nghe phát âm chuẩn. Tôi đọc báo địa phương để biết những sự kiện đang xảy ra ở nơi tôi sống và để khi nói chuyện với bạn bè hoặc đồng nghiệp thì mình có thông tin để có thể tham gia vào các cuộc nói chuyện của họ.
Tôi cũng tìm hiểu các thành ngữ tiếng Anh để khi có ngữ cảnh phù hợp thì mình có thể sử dụng. Tôi nghĩ rằng nếu một người nước ngoài học tiếng Việt mà biết cách sử dụng các câu thành ngữ, tục ngữ Việt Nam đúng ngữ cảnh thì người Việt sẽ cảm thấy thích thú và gần gũi khi nghe. Tôi nghĩ mình cũng vậy, nếu mình biết và biết cách sử dụng những câu thành ngữ tiếng Anh thì người bản xứ sẽ rất ấn tượng. Tôi bắt đầu thu thập và tìm hiểu những câu thành ngữ tiếng Anh và dần dần đưa chúng vào các hội thoại. Ví dụ, thay vì nói "I think so" (tôi cũng nghĩ vậy) thì tôi sẽ nói "great minds think alike" (tư tưởng lớn gặp nhau).
Khi đã bắt đầu tự tin hơn trong giao tiếp, tôi không còn cảm thấy tự ti khi mình không hiểu người đối diện nói gì. Thay vì im lặng như trước thì tôi lịch sự hỏi lại họ "tôi chưa hiểu rõ ý này lắm, liệu anh/chị có thể nhắc lại được không?". Hay khi họ dùng một từ lạ nào đó, tôi cũng không ngại hỏi "từ này là từ mới đối với tôi, nghĩa của nó là gì nhỉ?".
Tôi nhận thấy rằng khi mình không "giấu dốt" và muốn học hỏi, người bản xứ không bao giờ coi thường mình mà ngược lại, họ rất nhiệt tình giảng giải cho mình. Họ rất thông cảm cho tôi rằng tiếng Anh không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi và tiếng Anh có một lượng từ vựng rất lớn!
Tôi cũng nhận ra rằng giao tiếp tiếng Anh không chỉ là học cách sử dụng các từ mà phải học văn hóa nơi mình sinh sống. Chính vì vậy tôi tận dụng các cơ hội giao lưu với người bản xứ thông qua các bữa tiệc hay sự kiện văn hóa. Có hiểu về văn hóa địa phương thì mình mới có thể sử dụng ngôn ngữ phù hợp hay có thể tham gia vào các cuộc hội thoại một cách hiểu biết.
Ví dụ, nếu không tìm hiểu tìm hiểu về tháng nhịn ăn của người Hồi giáo thì sẽ khó biết từ "fasting" (nhịn ăn) và tháng nhịn ăn "Ramadan" hay các loại thịt của người đạo Hồi "Halal".
Cuối cùng, một thứ mà cá nhân tôi rất thích là việc đưa sự hài hước vào các cuộc giao tiếp với đồng nghiệp và bạn bè. Trong các cuộc họp hay trong những lần trình bày, tôi luôn tìm cách đem lại tiếng cười cho người nghe để họ không cảm thấy nhàm chán và cũng thu hút sự chú ý của họ.
Ví dụ, có một hôm tôi phải trình bày về dự án của mình và một điều mà ai cũng nhận thấy là dự án của tôi có khối lượng công việc gấp đôi những đồng nghiệp khác, thế nên lúc kết luận phần trình bày tôi nói rằng "lucky me" (tôi thật là may mắn). Mọi người đều bật cười và hiểu hàm ý của từ "lucky" (may mắn) ở đây là gì.
Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài nói chung và các nước nói tiếng Anh nói riêng. Chúc các bạn giao tiếp một cách tự tin và hiệu quả với người bản xứ. Và nếu các bạn vẫn giữ được "giọng Việt" (Vietnamese accent) khi giao tiếp thì đó cũng là nét văn hóa đẹp, tựa như người Đức hay người Indonesia có giọng Đức hay giọng Indonesia khi nói tiếng Anh.
Thu Hương
Mời các độc giả đang sinh sống ở nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm giao tiếp và hòa nhập về địa chỉ email nguoivietvnexpress@gmail.com.