Nếu bạn gặp tôi của hơn chục năm trước đây, cái thời đầu óc non nớt với những suy nghĩ trẻ con giản đơn, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi phát hiện ra đằng sau một cô bé gái lớp 2 đó là một bí mật không nhiều người được biết.
Ngày ấy, kinh tế gia đình tôi vẫn chưa thực sự khá giả. Bố mẹ tôi chắt bóp từng đồng tiền để nuôi ba anh em ăn học, vất vả nhưng căn nhà nhỏ chưa lúc nào thiếu vắng tiếng cười.
Một buổi chiều ảm đạm đầu thu, tôi còn nhớ như in khoảnh khắc bố trở về nhà, nói to về việc vừa nhận được lương ở cơ quan, tiếng cười sảng khoái xen lẫn nét âu lo những khoản đóng học đầu năm học cho các con.
Bố treo chiếc quần trên giá, như thường lệ. Tôi bỗng nghĩ về chiếc đồng hồ xinh đẹp nhỏ Oanh khoe vừa được bố đi công tác mua tặng, về bộ màu nước đẹp hết sảy của thằng Tún anh nó không dùng nữa nên cho ...
Tôi chưa từng có một món đồ chơi nào đẹp đẹp một chút để có thể mang ra khoe khoang với tụi bạn. Tôi vẫn luôn lặng thinh khi chúng nó tự hào kể về những ông bố bà mẹ giàu sụ và tâm lý. Trong giây phút ấy, tôi không biết điều gì đã thôi thúc mình, không biết điều gì đã đẩy tôi đến gần chiếc ví của bố, ngay khi bố vừa ra khỏi cửa nhà.
100 ngàn đã nằm trong tay tôi, run run và sung sướng, sợ hãi và mừng rơn. Tôi chạy vội ra khỏi nhà, cố giấu vẻ lấm lét.
Ở thời điểm đó, 100 ngàn là một khoản tiền khổng lồ với những đứa trẻ con như tôi. Tôi mua được nhiều món đồ nhỏ xinh, mua cả chiếc bút mực màu xanh lục tặng nhỏ Thảo, người chưa từng chê cười tôi vì sự nghèo khó, mua bộ màu nước to và nhiều màu gấp đôi bộ của thằng Tún.
Rồi chúng nó sẽ phải nhìn tôi mà ghen tị. Rồi tôi sẽ nói, rằng bố tớ nhận được lương nên đã thưởng cho tớ những thứ này, liệu còn đứa nào dám huênh hoang nữa không? Tôi nghĩ thế, và mừng thầm.
Nhưng niềm vui ấy chưa kéo dài được bao lâu. Khi tôi trở về nhà, trời nhá nhem tối, khoảng sân vắng oang oang tiếng nói chuyện của bố mẹ. Tôi sợ hãi đi thật chậm, bố mẹ đang cãi nhau, về một phần tiền trong túi bố bỗng dưng biến mất. Bố có hỏi, nhưng tôi nói vừa đi chơi về, nên không biết. Tôi tỉnh bơ, ngạc nhiên là một đứa trẻ con có thể nói dối giỏi đến như vậy.
Tối đó, mẹ nằm ngủ cạnh tôi. “Bé có biết trăm nghìn của bố đâu không? Không dưng mất tiền, người nhà cũng nghi kị lẫn nhau”.
Tiếng mẹ nhỏ lắm, vỡ vụn, hình như mẹ khóc. Sáng tỉnh giấc, mẹ đã ngồi cạnh giường. Mẹ nhìn thẳng vào mắt tôi và hỏi: “Mấy món đồ chơi trên bàn học, con lấy đâu ra vậy?”. Giọng mẹ vẫn thế, nhẹ nhàng nhưng có điều gì đó khiến tôi sợ hãi, mắt cay xè, và tôi khóc, nức nở như một đứa trẻ.
Mẹ ôm tôi, chẳng nói gì thêm.
Ngày hôm sau, trong nhà không còn tranh cãi chuyện 100K biến mất nữa, bố bảo mẹ đã mang tiền đi mua cái xoong mới mà quên mất. Tôi nín thinh, tôi nhìn sang mẹ. Sự im lặng ấy ám ảnh tôi cả những năm tháng sau này, như một bài học không lời, không đòn roi, không trách mắng, nhưng vang vọng, và khắc sâu.
Nếu bạn gặp tôi của hơn một năm trước, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên về một cô gái giấu mọi nỗi đau sau những nụ cười trước mặt bạn bè, sau những cuộc vui chẳng bao giờ muốn dứt, sau những công việc làm thêm tất bật và lo toan.
Tôi chạy loăng quăng gần như cả ngày, để không thấy mình bơ vơ, không thấy mình lạc lõng giữa nhịp sống hối hả của mọi người. Và khi đêm đến, là khoảnh khắc nỗi buồn xâm chiếm, nỗi buồn khi mối tình đầu dứt áo ra đi.
Tất cả niềm tin, mọi yêu thương gửi trao đều đã bị hất trả, không thương tiếc. Sự quay lưng đột ngột của một chỗ dựa vẫn tin rằng mãi mãi khiến tôi rơi vào trạng thái chuếnh choáng. Những đêm dài mộng mị chẳng rõ có ngủ hay không, những đêm dài ròng rã nước mắt, những day dứt về chuyện cũ, những toan tính “giá như”, những uất ức dồn nén...
Mọi thứ vỡ òa, đau đớn, và đắng cay.
Tôi vẫn chăm chỉ với vai trò cộng tác viên cho vài tờ báo thân thiết. Tôi kể với độc giả những điều mình thấy, những thứ đầu mình nghĩ. Tôi bình thản nói về mọi thứ trong cuộc sống này, kể cả niềm vui hay nỗi buồn. Tôi không quá băn khoăn hay quan tâm về một vấn đề nào đó.
Tôi ngăn mình chạm vào những món đồ nhắc về quá khứ, chạm vào một miền ký ức tươi đẹp nhưng đã quá xa xôi. Nhiều người trong số ấy nói tôi vô cảm, nói tôi không có chút cảm xúc, dưng dưng nên luôn tìm cách bình thường hóa mọi chuyện...
Nhiều người trong số họ đã không hiểu, khi ta nghĩ nó bình thường, thì nó không thể bất thường. Điều gì cũng có thể, và thời gian sẽ hàn gắn mọi nỗi đau.
Nếu bạn gặp tôi của vài ngày trước, bạn sẽ thấy một sự ủ dột cố hữu, hậu quả của đợt ôn thi giữa kỳ dồn dập và kết quả của bài thi tiếng Pháp không như ý. Tất cả đổ lên đầu tôi, gần như cùng một lúc.
Nhưng còn ngày hôm nay, tôi đã có thể vui, dẫu những sai lầm, những nỗi đau vẫn luôn nằm sâu trong miền ký ức không thể xóa, nhưng đã ngủ yên. Thời gian sẽ bào mòn tất cả, và ai ai trong chúng ta cũng có cơ hội làm lại từ đầu. Thay đổi chưa bao giờ là quá muộn cả, điều quan trọng là chúng ta có muốn hay không mà thôi!
Nguyễn Thị Thùy Dung
Cuộc thi ‘Viết cho tuổi học trò’
Cuộc thi nhằm giúp các bạn trẻ chia sẻ những câu chuyện về tuổi học trò, vui hoặc buồn, khiến bạn bật cười hay muốn khóc khi nghĩ đến. Nhưng đó là nơi cất giữ một phần con người bạn, là cuốn cẩm nang đúc kết những bài học sẽ theo suốt cả cuộc đời.
Hãy chia sẻ với chúng tôi con người đó, câu chuyện đó của bạn hoặc những người xung quanh để những bài học của bạn sẽ trở thành của mọi người, để giúp cho ai đó còn đang chưa tìm được lối thoát sẽ nhận ra sự đồng cảm và niềm hy vọng vẫn tồn tại trong cuộc đời này và để tuổi học trò mãi mãi là những dấu ấn không quên trong mỗi chúng ta.
Cuộc thi do FPT Polytechnic phối hợp với VnExrpess và iOne.net tổ chức
Xem thông tin chi tiết về cuộc thi và gửi bài tham dự tại đây