Đọc bài viết: “Không lập gia đình có phải là tội ác", tôi muốn chia sẻ với tác giả. Tôi là phụ nữ, đã có gia đình và một con gái đang ở lứa tuổi teen. Cuộc sống mà tôi yêu thích là được sống một mình, thế nhưng vì rất nhiều lý do tôi đã lập gia đình. Khi cưới tôi nói với chồng rằng tương lai sẽ ly hôn. Chồng biết rõ về tôi nhưng anh vẫn cưới vì hy vọng sẽ thay đổi được tôi. Chồng tôi không rượu bia, cờ bạc, gái gú, hút thuốc, chỉ biết làm việc, chơi thể thao, thỉnh thoảng cà phê và ở nhà. Tôi không thích có con nhưng ông trời không chiều lòng người; dù bị đa nang, lạc nội mạc tử cung mà tôi vẫn có con. Tôi không thích làm dâu nên chồng phải ở rể, tôi chỉ đi làm, đi học, chăm sóc bản thân. Đến khi có con, tôi cũng chẳng phải làm gì vì mọi việc lớn nhỏ đã có người giúp việc, mẹ và chồng lo hết, con đến tuổi đi học thì có gia sư. Đến giờ 40 tuổi tôi vẫn chỉ nói chuyện với con là chính chứ không vật vã như những người mẹ khác. Tôi quá sung sướng ở vai trò người mẹ, người vợ thế nhưng lại chẳng thấy vui vẻ gì cả, khó chịu, bức bối. Tôi đã ly hôn, đang cố gắng thực hiện một số thứ để có thể sống cuộc sống mình muốn.
Bạn đọc đề cập, so sánh, nói nhiều đến cái khó, cái khổ của việc sống độc thân, cái vui vẻ, hạnh phúc của việc lập gia đình; chẳng nhẽ những người chủ động lựa chọn, yêu thích cuộc sống độc thân là những người mù, điếc, ngu ngốc, yếu đuối, ít học… cả thảy hay sao? Nếu vậy thì dân ở những nước phát triển, những nước giàu chắc họ đều bị thế hết nhỉ? Vì họ không thích kết hôn, không thích sinh con mặc cho nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện tối đa về phúc lợi xã hội, thế mà tỉ lệ kết hôn và sinh đẻ vẫn chẳng khá hơn là bao. Đến mức độ phát triển nhất định, khi con người chẳng màng đến hôn nhân, sinh đẻ thì những đứa trẻ bước ra từ phòng thí nghiệm là một tương lai đầy khả thi, không gì là không thể cả.
Những cảnh báo, hù dọa, chê bai cuộc sống độc thân nhan nhản khắp nơi, từ báo đài, sách, truyện, rồi truyền miệng… trong mấy ngàn năm nay chứ có phải ít đâu mà bảo rằng những người muốn sống độc thân không biết. Trừ những người độc thân bị động, những người thích sống độc thân nhưng không có bản lĩnh và khả năng sống như họ muốn thì những người chủ động lựa chọn, có bản lĩnh, có khả năng sống được cuộc đời ấy họ phải độc lập về tinh thần, tài chính. Điều cốt lõi là họ hoàn toàn có thể sống vui vẻ, tròn đầy với chính mình.
Có một điều mà những người thích cuộc sống hôn nhân thường không hiểu, không biết, không hề có khái niệm đó là nếu không thể sống một mình vui vẻ, tròn đầy … thì các bạn chẳng thể nào có thể có một mối quan hệ tốt đẹp, bền vững với bất cứ ai….vì các bạn chẳng có gì để cho đi, chẳng thể nâng đỡ được ai cả… Thế nhưng, nghịch lý luôn hiện diện trong đời sống rằng chính vì không thể sống một mình, sợ cô đơn, vì những nỗi lo hiện sinh, vì sự trống rỗng nội tâm, vì chạy trốn chính mình, sợ phải đối diện với bản thân, bất lực với hiện tại, nên các bạn luôn muốn “thuộc về” một nơi chốn nào đó, tập thể nào đó, … để khẳng định sự tồn tại, để tập thể đó hướng dẫn các bạn nên hay không không nên làm gì…
Những biện luận về duy trì nòi giống, xã hội, quy luật của tự nhiên nghe có vẻ vĩ đại nhưng thực chất cũng chỉ để phục vụ cho niềm vui và an toàn của bản thân mà thôi, đao to búa lớn làm gì. Các bạn tự cho rằng hạnh phúc gia đình thì vĩ đại hơn hạnh phúc độc thân sao? Quan niệm hạnh phúc của mỗi người khác nhau nhưng cái cảm nhận nội tại ấy ở mỗi người là như nhau. Dù thích hay không thích xu hướng độc thân này thì các bạn cũng phải chấp nhận, vì nó là hiện thực khách quan nằm ngoài ý chí của các bạn. Nếu thích rao giảng về hạnh phúc gia đình thì các bạn nên rao giảng đúng đối tượng, đó là con cái của các bạn.
Đích cuối cùng là cái chết, chết kiểu gì cũng xong, quan trọng là sống sao để tận hưởng cuộc sống, vui vẻ là thành công rồi. Hoặc chí ít hãy cười trước khi được hạnh phúc, kẻo chết mà chưa kịp cười. Hãy chọn con đường cho riêng mình, lên kế hoạch cho những điều tồi tệ nhất, chịu trách nhiệm với nó thì cứ thế tận hưởng thôi.
Huệ