Tôi và bạn gái quen nhau 3 tháng thì cô ấy dính bầu. Cả hai chưa xác định mối quan hệ nghiêm túc nên không muốn kết hôn. Tuy nhiên, không hiểu sao cô ấy nhất quyết giữ lại em bé. Tôi cũng không chắc chắn cái thai đó có phải của mình hay không.
Chỉ còn hai tháng nữa cô ấy sẽ sinh con và nói rằng không muốn tôi chịu trách nhiệm gì, cũng không ghi tên tôi trong giấy khai sinh của em bé.
Tôi thực sự thấy như vậy là làm khó cho mình. Việc này có thể ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình của tôi sau này không? Tôi có quyền yêu cầu bạn gái phải xét nghiệm ADN để chắc chắn đứa trẻ đó có phải con tôi hay không? Nếu đó đúng là con tôi, tôi phải làm các thủ tục gì để đứng tên cha đẻ trong giấy khai sinh cho cháu và cần có những nghĩa vụ ra sao?
Luật sư trả lời
Theo điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Luật Hôn nhân và gia đình), con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa án xác định.
Về việc xác định con, điều 89 Luật này quy định: Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó là con mình. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu tòa án xác định người đó không phải là con mình.
Với trường hợp của bạn, do cô ấy có ý định không kê khai người cha khi khai sinh cho cháu bé nên để xác định bạn là cha thì bạn phải yêu cầu Tòa án xác định cháu bé là con bạn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn có quyền yêu cầu cố ấy đưa cháu bé đi giám định gen ADN. Trường hợp bạn khởi kiện thì việc có giám định ADN hay không do tòa án quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật.
Trường hợp được tòa án công nhận cháu bé là con bạn, về nguyên tắc bạn có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền ghi bổ sung thông tin về người cha trên giấy khai sinh của con bạn.
Trường hợp cô ấy chấp nhận đề nghị của bạn đưa cháu bé đi giám định ADN và kết quả cháu bé là con bạn thì bạn đăng ký khai nhận cha, con theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ- CP ngày 15/11/2015. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân và trực tiếp nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Hồ sơ đăng ký nhận cha, mẹ, con gồm:
a) Tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha - con hoặc quan hệ mẹ - con;
c) Bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân, chứng minh nơi thường trú ở khu vực biên giới của công dân nước láng giềng.
Về nghĩa vụ của người cha:
Theo điều 15, điều 69 Luật hôn nhân và gia đình, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con không phụ thuộc nam nữ có đăng ký kết hôn hay không. Do vậy, bạn vẫn có các nghĩa vụ đối với con của bạn, cụ thể:
1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Ngoài ra, theo quy định tại điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi; cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Trên thực tế, việc cấp dưỡng do cha, mẹ thỏa thuận. Nếu có tranh chấp thì bên trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Luật sư Đỗ Trọng Linh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội