Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo. Nhà tôi nghèo nhất trong hai bên gia đình nội - ngoại. Bố mẹ tôi rời quê hương đi làm kinh tế mới, cuộc sống đỡ vất vả và khấm khá hơn. Tuy nhiên sự khấm khá đó kéo dài chẳng được bao lâu. Trong vòng 2 năm, bao nhiêu công sức của bố mẹ tôi lại đổ sông đổ biển. Nhà tôi trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần. Bố chán nản lao vào cờ bạc, trai gái. Mẹ phải đi vay lãi bên ngoài để trả nợ, số tiền ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng. Mẹ làm việc bất kể ngày đêm để kiếm tiền lo cho hai chị em tôi ăn học và trả nợ.
Ông bà ngoại đã già, không giúp gì được nhiều cho mẹ. Ông bà có 60 triệu tiền tiết kiệm để lo về già cũng đưa cho mẹ. Ông bà nội, các cô chú, cậu dì ai cũng khá giả, xây nhà cao, cửa rộng nhưng không một ai chịu giúp gia đình tôi. Tôi vẫn nhớ mãi cảnh mẹ gõ cửa từng nhà năn nỉ sự giúp đỡ nhưng cái mẹ nhận được chỉ là cái lắc đầu và những ánh mắt khinh thường. Họ bảo cho người ngoài vay lấy lời chứ không cho mẹ tôi vay vì nhà tôi không có khả năng chi trả, rằng nhà tôi vô dụng.
Cái ngày em tôi nhập viện vì đau ốm, bố bị xe người ta đâm, trong nhà tôi không có một nghìn đồng. Mẹ khóc và bảo sao ông trời bất công với mẹ. Tôi cũng đứng núp sau cánh cửa khóc. Hàng xóm thấy thế thương tình mỗi người cho mượn một ít lo viện phí.
Nhiều khi tôi muốn chết đi để không phải chứng kiến cảnh suốt ngày có người vào nhà đòi nợ, cơm không có ăn, áo mặc không đủ ấm. Rồi nghĩ đến bố mẹ, thương em, tôi cố gắng học hành. Ngày tôi đậu đại học, mẹ cười rồi lại nhìn xa xăm. Tôi bảo mẹ không phải lo gì cho con cả, con sẽ tự lập, sẽ kiếm tiền về lo cho bố mẹ và em. Bà nội chửi mẹ tôi không dạy được con, sao phải cho tôi đi học, hãy bắt tôi lấy chồng nước ngoài để có tiền trả nợ.
Ngày tôi bước chân lên thành phố, tôi nói với mẹ: “Con thương bố mẹ và em. Ngày nào đó, con kiếm được đồng tiền thì họ hàng đừng ai mong nhận được sự giúp đỡ từ con. Họ sẽ phải trải qua cái cảm giác mà gia đình mình từng trải qua”. Mẹ khóc: “Con không được suy nghĩ như thế”.
Thời sinh viên, tôi phải làm rất nhiều công việc để có tiền lo học phí, sinh hoạt và gửi về cho mẹ. Tôi không có thời gian nghỉ ngơi, lao vào học hành và kiếm tiền mong ngày nào đó có thể lo được cho gia đình. Năm 3, tôi xin vào làm trong một công ty truyền thông, lương tháng đủ để tự lập mà không cần phải đi làm phục vụ hay rửa chén bát.
Ngày tôi tốt nghiệp, bố mẹ ốm chẳng thể lên trường. Nhìn bạn bè có người thân bên cạnh, nước mắt tôi trào ra. Cô chủ nhiệm ôm tôi và nói: “Cuộc sống phía trước còn nhiều vất vả, em đã đi được đến ngày hôm nay, đừng để mình gục ngã”. Tôi cám ơn cô, người đã chỉ dạy cho tôi suốt 4 năm đại học.
Đã 12 năm qua, cuộc sống gia đình tôi dần khá giả. Em gái cũng ra trường và có một việc làm ổn định. Tôi đang làm trong một công ty nước ngoài. Tôi còn có hai cửa hàng thời trang công sở, một cửa hàng hoa. Gia đình tôi cũng trả hết nợ nần. Hiện tại tôi hài lòng với cuộc sống về những gì mình đã có.
Thế nhưng khi gia đình tôi khá giả, những người họ hàng giờ đây gặp khó khăn tài chính lại quay về năn nỉ bố mẹ tôi cho mượn tiền. Tôi dù có chết vẫn hận họ đến tận xương tủy. Tôi không thể quên những lời nói và hành động của họ năm nào. Tôi không thể quên cảnh gia đình tôi lâm vào bước đường cùng như thế nào. Tôi muốn họ trải qua cái cảm giác bất lực đó. Về tài chính, tôi có thể giúp họ nhưng nội tâm tôi luôn bị giằng xé giữa hai luồng tư tưởng: có - không? Phải chăng con người tôi sống quá ích kỷ và nhỏ nhen? Hay những vết thương khi xưa quá sâu đậm, làm thù hận trong tôi không thể xóa bỏ?
Huyền