Tôi năm nay 37 tuổi, đang làm mẹ của 3 đứa trẻ thơm tho, sạch sẽ, đáng yêu. Tôi viết bài này như một lời cảm ơn gửi tới mẹ chồng - bà nội của các con tôi.
Mẹ chồng tôi là người phụ nữ sinh ra trong gia đình nghèo nhưng có học thức và từng làm lãnh đạo. Vì thế, ở mẹ luôn toát lên tinh thần giỏi việc nước đảm việc nhà.
Tôi đang phấn đấu như mẹ. Nhưng khác là tôi còn trẻ. Tôi đọc nhiều sách và tin vào khoa học hơn tín ngưỡng tôn giáo. Vì vậy, tôi từng lo lắng với tính cách của mình, sẽ khó hòa hợp với mẹ chồng. Thế nhưng, sau khi đã trải qua những thăng trầm và đi biết bao mâu thuẫn trong đời sống hàng ngày, tôi đã nhận ra mình may mắn có được người mẹ chồng tuyệt vời như thế.
Mẹ đã nhẫn nhịn và bao dung khi tôi vẫn còn non nớt chập chững bước vào hôn nhân. Mẹ dạy tôi ứng xử cho phù hợp với gia đình họ hàng nhà chồng ngay từ khi mới về làm dâu. Mẹ đồng cảm và chia sẻ với tôi về những vất vả mà người phụ nữ phải gánh vác trong gia đình. Mẹ còn quan tâm, lo lắng cho tôi và các cháu thật lòng, chu đáo.
Và một điều quan trọng nhất trong cuộc đời là mẹ đã chăm sóc tôi rất cẩn thận những ngày sinh nở. Mới đây, tôi lại vừa sinh lần 2. Tôi nhìn lại và muốn kể cho mọi người nghe mẹ đã chăm tôi ra sao.
Tôi sinh đôi Cò và Sáo. Khỏi phải nói, mẹ vui mừng thế nào khi tôi mẹ tròn con vuông. Tôi đi đẻ lúc nửa đêm nên đến sáng mới gọi cho mẹ. Tôi vừa được đẩy xuống giường thì mẹ cũng từ quê ra đến nơi. Mẹ ôm và thơm lên trán tôi. Với một người không thích thể hiện tình cảm như tôi thì hành động đó của mẹ thật khó để tôi thích nghi. Tôi khẽ nhăn mặt. Mẹ biết nhưng mặc kệ. Mẹ đang vui. Niềm vui của mẹ bỏ qua thái độ của tôi. Và tôi biết điều đó.
Ở viện về nhà, mẹ quay cuồng với cơm cháo, quần áo, tã bỉm cho mẹ con tôi.
Mẹ hầm tim với tam thất bảo cho tôi ăn. Tôi nhăn mặt bảo "Đắng lắm con không ăn đâu". Mẹ luộc ngải cứu bảo tôi ăn và uống cả nước. Tôi bảo "Mẹ luộc chưa nhừ con không ăn đâu". Mẹ rang thịt nạc cho tôi ăn cơm. Tôi bảo "Mai mẹ luộc trứng cho con, thịt nạc mẹ thái dày lắm, con đau răng không ăn".
Rồi mẹ hỏi tôi thích ăn tôm rang hay tôm hấp? Tôi bảo "Tôm hấp, nhưng mẹ bóc vỏ luôn cho con nha". Mẹ bảo tôi kiêng cữ cẩn thận không mai sau sức khỏe nhanh đi xuống. Tôi bảo "Mẹ cứ quan trọng, giờ ai kiêng nữa hả mẹ?" Mẹ bảo để mẹ bế cháu cho tôi ngủ. Tôi bảo "Mẹ cứ để cháu đây, con không ngủ".
Những khi mẹ bế cháu, ôm ấp cháu, tôi bảo "Mẹ đặt cháu xuống, đừng ấp cháu nhiều thế". Mẹ cưng nựng Cò, vì Cò khóc to. Tôi bảo "Mẹ chỉ thiên vị Cò, không nựng Sáo". Tôi thức đêm chăm con để mẹ được ngủ. Đêm thấy cháu khóc, mẹ lò mò sang bảo để mẹ bế cho một đứa. Tôi cau có bảo mẹ: "Mẹ thích con sẽ để mẹ chăm cháu liền cả ngày lẫn đêm".
Tôi dậy nấu đồ ăn sáng cho cả nhà, mẹ bảo tôi "Ngủ thêm chút nữa đi, cứ để đó mẹ làm". Tôi dọn cơm và bảo mẹ đi ăn trước đi. Mẹ đi ăn và 3 phút sau là xong bữa, mẹ lại ra bế cháu để tôi đi ăn.
Ở quê, sáng nào mẹ cũng đi tập thể dục. Nhưng khi ở với tôi, mẹ không đi. Tôi bảo mẹ đi, mẹ bảo: "Đi không yên tâm vì sợ 2 bạn nhỏ khóc, tôi không xoay sở được".
Đến khi Cò và Sáo được 3 tháng, tôi phải đi làm. Mẹ ở nhà vẫn vòng quay cơm cháo quần áo tã bỉm. Tôi đi làm về, nhà cửa, con cái đã sạch sẽ, thơm tho...
Còn rất nhiều điều nữa mà mẹ đã làm cho tôi. Mẹ đã chăm con tôi vô điều kiện. Tôi biết mình thật may mắn vì có mẹ chồng như thế. Từ ngày mẹ tôi ra đi, chỉ còn mẹ chồng để tôi gọi là mẹ. Tình cảm của tôi dành cho bà ngày một nhiều hơn. Khoảng cách con dâu - mẹ chồng ngày càng ngắn lại. Các con tôi cũng rất yêu quý và quấn quýt bà. Và tôi biết, đâu đó trong mắt mẹ cũng ánh lên niềm vui, hạnh phúc khi thấy tôi mở lòng. Và mẹ đã cảm nhận được sự quan tâm từ tôi.
Một ngày nào đó tôi sẽ là mẹ chồng. Nhưng tôi biết mình không thể hy sinh sở thích, cuộc sống cá nhân để dành thời gian chăm con, chăm cháu tốt như mẹ. Tôi cũng không đủ kiên nhẫn và bao dung với sự ương bướng của con cháu như mẹ. Bởi đơn giản, mẹ luôn là tấm gương về sự chăm sóc và vun vén gia đình mà tôi cần học tập mỗi ngày. Tôi biết ơn mẹ chồng của mình nhiều lắm!
Nguyễn Thu Hiền