Lương tháng của chồng thấp hơn tôi nhưng anh có thêm nguồn thu ngoài còn tôi thì không, tính ra tổng thu nhập một năm của chồng cao hơn tôi. Chúng tôi ở hai tỉnh khác nhau, quen từ thời đại học, sau khi ra trường đi làm vài năm thì cưới, rồi tôi về quê anh làm dâu và sống cùng bố mẹ chồng. Khi mới cưới, lương của chồng tôi thấp vô cùng; cưới xong không có trăng mật, cũng không lại mặt nhà gái. Ngày thứ ba sau cưới tôi đã vác hồ sơ đi xin việc, được nhận cái là đi làm luôn.
Tôi là phiên dịch, trước khi cưới công việc ở Hà Nội của tôi có thể coi là tốt. Về quê lương thấp hơn rất nhiều, công việc lại vất vả, nhưng nghĩ tới kinh tế trong nhà nên tôi cũng không kén chọn. Cưới xong toàn bộ tiền mừng cưới chồng bảo đưa hết cho bố mẹ chồng để trả tiền cỗ bàn, tôi không ý kiến. Sau đó anh còn lén lấy cả vàng hồi môn bán trả nợ mà không nói với tôi, tôi khóc rồi giận dỗi, cãi nhau với anh một trận. Được vài ngày tôi lại phát hiện ra lén lấy thêm một cái nhẫn vàng đi bán để cho bạn vay tiền khám bệnh. Tôi không giận anh cho bạn vay, chỉ giận vì anh không hề nói qua với tôi một lời. Sau đó bố mẹ chồng nghe thấy vợ chồng cãi nhau nên bảo tôi đưa vàng cho mẹ bỏ vào két, chứ tự tôi cũng có giữ được đâu (phòng tôi lúc đó nhỏ, không có chỗ để két sắt). Tôi cũng đưa cả cho bà, chỉ giữ lại cái kiềng và vòng tay mẹ đẻ tặng làm kỷ niệm.
Một thời gian sau mẹ chồng nói bóng gió cái kiềng để không thế cũng phí, bà đang muốn mua cái vòng cổ mà chưa có tiền. Tôi nghĩ mẹ nào cũng là mẹ nên chủ động cùng bà đi đổi thành vòng cổ cho bà. Bố mẹ chồng tôi không có thu nhập gì, không lương hưu, sinh hoạt hoàn toàn phụ thuộc vào vợ chồng tôi. Ngày trẻ ông làm cai thầu xây dựng, dù chỉ làm các công trình nhỏ nhưng cũng kiếm ra tiền, chi tiêu hào phóng quen tay. Thời gian đầu tôi về làm dâu, lương chồng quá thấp, lương tôi cũng không cao nhưng tết nhất giỗ chạp vẫn phải làm sao cho có thể diện, tôi xót tiền nên hay cằn nhằn với chồng. Anh bảo tôi quá xem trọng vật ngoài thân, tôi lại nhịn. Cũng may sau này chồng tôi đổi chỗ làm, thu nhập dần khá lên. Tôi ngoài đi làm ở công ty còn mở thêm cửa hàng quần áo ở nhà, ban ngày thuê người bán, tối về tôi tự bán.
Rồi vợ chồng vay tiền ngân hàng sửa lại nhà cửa cho khang trang rộng rãi hơn. Dù còn phải trả nợ nhưng ông bà đi du lịch trong nước, nước ngoài, mua xe đạp đua... vợ chồng tôi đều cố gắng đáp ứng, vì chồng muốn báo hiếu bố mẹ, tôi cũng không tiện phản đối. Do ở hai nơi khác nhau, tính cách lại trái ngược, ngoài ra bố mẹ chồng kỹ tính, quá chú trọng lễ nghĩa cũ, tôi hơi xuề xòa lại thẳng tính, thời gian đầu tôi mới về cũng chưa được hài hòa lắm. Nhưng tôi thuộc dạng "ruột để ngoài da", bị nhắc nhở cũng không tự ái lâu, mình sai thì sửa, không sai sẽ lựa lời trao đổi cho bố mẹ hiểu. Dù sao lúc chưa lấy chồng, ở nhà tôi thỉnh thoảng cũng bị mẹ mắng chứ đâu phải toàn cưng nựng đâu. Mẹ chồng nặng lời hay cằn nhằn tôi cũng chỉ cảm thấy khó chịu lúc đó rồi thôi, coi như bệnh chung của các bà mẹ.
Mình người trẻ, suy nghĩ thoáng hơn, không cần thiết chấp nhặt với người già chi cho mệt mỏi. Chưa kể hai bên tính cách khác biệt, tôi thấy khó chịu thì chắc ông bà cũng không dễ chịu gì. Lâu dần, hai bên cũng dần thích ứng với nhau, coi như mẹ chồng nàng dâu tạm thời không có mâu thuẫn gì. Chị chồng lấy chồng gần nhà, tính tình cũng trung bình khá, tuy quan điểm sống có khác nhau nhưng không can thiệp vào cuộc sống của các em nên chúng tôi không có xích mích gì.
Nếu nói trong nhà có người nào thường xuyên làm tôi thấy ngột ngạt nhất, hẳn là bố chồng. Bố đẻ tôi tính tình rất dân chủ, từ nhỏ đã cho các con được phát biểu ý kiến và làm theo mong muốn của chính mình (miễn là chính đáng), nếu bị các con chỉ ra lỗi sai cũng sẵn sàng nhận dù không xin lỗi (cái này với chị em tôi mà nói không quan trọng, ai mong bố mẹ xin lỗi mình làm gì đâu). Bố mẹ không bao giờ có tư tưởng "bố mẹ nói luôn đúng", "con cái phải luôn nghe theo bố mẹ" này kia. Trong khi bố chồng tôi tính tình nóng nảy, bảo thủ, gia trưởng, luôn muốn con cái gọi dạ bảo vâng, dù bố mẹ nói đúng hay sai cũng không được cãi lại (cứ biện luận lại thì tức là cãi rồi).
Đối với hàng xóm hay họ hàng, ông cũng nhiều lần xung đột, mâu thuẫn vì tính cách cố chấp, nói năng không lựa lời, đôi khi còn mắng chửi người khác rất quá đáng. Nhiều khi thấy ông chửi người khác vô lý quá, tôi là con dâu không tiện góp ý nên trao đổi lại với chồng, khuyên anh góp ý với ông. Chồng tôi toàn gạt đi, bảo tính ông thế rồi góp ý cũng vô ích. Dần dần, tôi nhận ra trong thâm tâm chồng mình rất sợ bố, cũng không trông mong ở anh nữa, tôi lựa lúc ông vui vẻ thì góp ý ít một. Chẳng biết có tác dụng hay không nhưng tôi vẫn làm để yên lòng là chính, vì thấy bố mẹ sai mà coi như không biết thì tôi không quen.
Tôi làm dâu 10 năm, trong những năm đầu mẹ chồng và chồng bị bố chồng mạt sát (thật sự là chửi nặng lời) trước mặt tôi không biết bao nhiêu lần. Thậm chí có lần ông còn đánh mẹ chồng tôi, chồng tôi cũng có lần bị đánh, nhưng ông chưa bao giờ đánh chửi tôi. Sau này khi có con, tôi nhẹ nhàng góp ý, bố cố gắng không nên nặng lời với bà và chồng con trước mặt các cháu nhé, trẻ con chưa phân biệt được đúng sai, nhỡ đâu lại tưởng những lời trong lúc nóng giận của ông là thật, rồi sinh ra coi thường bà và bố thì không hay chút nào. Ông không nói gì nhưng tôi thấy sau đó ông hạn chế đi rất nhiều. Chắc hẳn ông cũng cảm thấy ý kiến của tôi có lý nên tiếp nhận trong im lặng.
Bố chồng cũng rất thương con thương cháu, đôi khi con dâu bận ông chủ động phụ giúp một số việc như phơi quần áo hộ (giặt thì có máy giặt rồi), hay buổi sáng đưa cháu đi học để các con đi làm đỡ vội vàng. Chiều vợ chồng về muộn, ông bà cũng đi đón con hộ chúng tôi. Những việc này, tôi đều rất biết ơn. Nhưng các cháu càng lớn, cách giáo dục của tôi và bố chồng càng trở lên mâu thuẫn. Tôi khuyến khích các con thẳng thắn bày tỏ ý kiến, đối với yêu cầu của người lớn nếu thấy không hợp lý có quyền phản bác lại và đưa ra lý do của mình xem có chính đáng hay không, chỉ cần ăn nói lễ phép, không hỗn láo là được. Ông lại xem việc "cãi" lời người lớn như thế bản chất đã là hỗn láo nên không chấp nhận được.
Thậm chí với cháu gái mà đôi khi ông vẫn dùng những từ ngữ rất nặng nề như "Im mồm, tao nói mà mày không nghe có ngày tao đập chết. Mày nghe rõ chưa"? Ông mắng ngay trong bữa cơm nên cháu sợ quá khóc lên, ông quát tiếp: "Mày có im ngay không con kia? Còn khóc nữa tao đập". Tôi xót con quá nên bảo ông là bố cứ bình tĩnh, lát nữa ăn cơm xong con từ từ bảo cháu. Ông đang nóng nên vẫn phải mắng tiếp vài câu mới dừng được. Tôi không muốn con tiếp nhận cách giáo dục đó nhưng góp ý sợ ông nghĩ con dâu vượt quyền, dâu con mà lên mặt "dạy" bố chồng cách dạy cháu này nọ, vì thế đành chọn cách trao đổi với chồng.
Chồng tôi gạt đi, bảo ông nóng tính, lúc tức lên thì nói vậy thôi chứ có đánh nó thật đâu, một lúc ông hết tức lại bình thường ấy mà. Tôi thấy như vậy không ổn nên bàn chuyện ra ở riêng, chồng không đồng ý. Một là vì kinh tế, bố mẹ không có thu nhập, nếu ở riêng thành ra phải chi tiêu cho hai nhà, còn thêm tiền thuê nhà và tiền các con ăn học thì nặng gánh quá. Hai là vì anh muốn ở gần, tiện chăm sóc ông bà.
Tôi không thuyết phục được anh nên đành tạm gác lại chuyện ở riêng, chỉ cố khắc phục bằng cách mỗi lần con bị ông nặng lời thì gọi con lên phòng, an ủi và phân tích cho con hiểu, là người lớn cũng có những lúc không kiểm soát được cảm xúc, nếu con không muốn vì nóng giận mà làm người khác buồn giống ông nội thì cần học cách kiểm soát cảm xúc của mình cho tốt, khi bị ông mắng hãy nghĩ tới lời dạy của mẹ để rút kinh nghiệm cho mình... Sau khi sinh con thứ hai được một năm, tôi bị chồng phản bội, đau tới run rẩy cả người nhưng vẫn cố đợi tới lúc bình tĩnh lại mới hỏi chồng.
Trong thâm tâm tôi vẫn hy vọng anh sẽ dũng cảm nhận sai và xin lỗi. Chồng chỉ thề thốt, phủ nhận, thậm chí thề độc rằng từ trước tới giờ anh chưa từng phản bội tôi. Tôi đau khổ, giơ bằng chứng ra cho anh xem, hỏi anh tại sao lại dám thề trái với sự thật, lời thề của anh không có giá trị gì sao? Anh bảo nó là "gái", anh bị bạn bè rủ rê, với anh đây chỉ là gặp dịp thì chơi, hoàn toàn không có tình cảm gì nên không tính là phản bội.
Tôi thất vọng, cảm thấy nhân sinh quan khác nhau quá xa nên không hề muốn nói thêm gì với anh mà quyết định đưa con về ngoại. Sau đó anh nhiều lần xin lỗi tôi, còn gọi điện cho bố mẹ tôi trình bày sự việc, xin lỗi và hứa sau này không tái phạm, nhờ bố mẹ khuyên nhủ tôi. Cuối cùng, tôi quyết định tha thứ, vì anh là một người bố tốt, mỗi ngày đều dành chút thời gian chơi với các con, cũng không phải người chồng tồi, ít nhất biết chủ động chia sẻ việc nhà với vợ, cũng chưa bao giờ nặng lời hay vũ phu với vợ, lại lễ phép và được bố mẹ vợ yêu quý.
Để tránh sự việc tái diễn, tôi cũng cố gắng cải thiện bản thân, ví dụ tìm hiểu nâng cao kỹ năng phòng the để chiều chồng tốt hơn; để các con ngủ với ông bà và vợ chồng có nhiều không gian riêng tư hơn. Thậm chí thỉnh thoảng tôi còn xin nghỉ thứ bảy để rủ chồng đi nhà nghỉ đổi gió. Tôi cũng không nhắc lại chuyện cũ, không kiểm soát anh đi đâu, làm gì, với ai, chỉ thỉnh thoảng nhắc nhở chồng đi đâu làm gì hãy nhớ đến các con. Anh cũng thể hiện sự thay đổi của mình, quan tâm tới vợ hơn, hàng ngày luôn đúng giờ đưa đón vợ đi làm, dành nhiều thời gian cho con hơn.
Gần đây, vợ chồng chuẩn bị sinh con thứ ba, tôi lại tiếp nhận tin không vui. Nhà chồng tôi ba đời độc đinh, lại là trưởng họ, nhất định phải có con trai, tới đứa thứ ba hai vợ chồng bàn nhau làm IVF cho chắc ăn. Đi khám tôi mới phát hiện nội tiết của mình suy giảm, dự trữ buồng trứng quá thấp, nếu làm IVF chọn giới tính thì xác suất thành công vô cùng thấp. Tôi đã ra Hà Nội khám lại, bác sĩ vẫn kết luận như vậy. Bác sĩ khuyên tôi nên đi xin trứng. Tôi nghĩ, người ta hiếm muộn, chưa có con cái mới đi xin trứng, dù sao tự mình đẻ ra vẫn thân thiết hơn xin con nuôi. Còn tôi đã có hai con gái rồi, bây giờ lại phải xin trứng để đẻ ra một đứa con chỉ có huyết thống của chồng sao? Thực lòng tôi không muốn chút nào. Tôi nghĩ, nhiều cặp vợ chồng không con cái gì vẫn sống với nhau tới lúc bạc đầu, chúng tôi có hai con gái đáng yêu, có khi nào anh vì tôi mà chấp nhận không có con trai?
Tôi nói với chồng không muốn xin trứng. Chồng cũng không phản đối nhưng lại chẳng từ bỏ. Anh bảo bác sĩ chỉ nói hy vọng rất thấp, không bảo hoàn toàn hết hy vọng, vậy còn nước còn tát, mình cứ làm vài lần biết đâu lại được. Tôi cảm thấy cách này rất lãng phí, mỗi lần làm tốn không ít tiền, làm vài lần là cả một số tiền lớn. Quan trọng là ném đi một số tiền lớn nhưng hy vọng lại rất mờ mịt, để tiền đó mà lo cho các con hay quỹ dự phòng ốm đau cho bố mẹ không hơn sao? Chưa kể bác sĩ cũng nói làm IVF nhiều lần ảnh hưởng rất lớn tới cơ thể phụ nữ, tôi đã bị suy giảm nội tiết và suy giảm dự trữ buồng trứng, làm liên tục nguy cơ mãn kinh sớm là cực cao. Tôi chán nản, nói hay thôi em đồng ý ly dị và nuôi hai con, để anh lấy vợ khác kiếm thằng cu?
Đây là do em không sinh được con trai nên nếu ly dị em cũng không oán trách gì, sau này vẫn thường xuyên đưa con về thăm anh và ông bà, cũng không yêu cầu chia tài sản (nói thật là nếu có chia cũng chẳng có gì mà chia, vì nhà và xe đều đứng tên bố mẹ chồng, dù vợ chồng sửa nhà hết cả tỉ bạc nhưng trên giấy tờ không phải nhà của chồng tôi thì chắc lúc ra tòa tôi cũng không có phần được chia). Chồng không chịu, bảo tôi ích kỷ, không chịu cố gắng giữ gìn gia đình cho các con, còn hy vọng mà chưa gì đã bỏ cuộc. Anh cũng nói cả đời này chỉ có một người vợ là tôi. Tôi hỏi, vậy nếu em cố gắng nhưng cuối cùng vẫn không có con trai, làm tới nỗi em mãn kinh sớm, cũng vẫn không có con trai, lúc đó sẽ thế nào?
Anh không chút đắn đo, bảo đi bước nào tính bước đó, sao em chưa làm đã nghĩ tới tình huống tiêu cực? Biết đâu mình thuộc trường hợp may mắn hiếm có thì sao? Sau đó, trong lúc tôi còn đang phân vân thì phát hiện mình có bầu, niềm vui bất ngờ chưa được bao lâu thì vài tuần sau lại lưu thai. Nghỉ ngơi hai tháng, tôi cùng anh đi làm IVF một lần, kết quả thất bại, được hai phôi nhưng bất thường cả cả. Bác sĩ lại khuyên tôi nên cân nhắc, trường hợp của tôi tỉ lệ thành công thực sự rất thấp. Tôi hỏi chồng giờ tính sao? Anh bảo nghỉ ngơi rồi lại làm tiếp thôi.
Tôi hoang mang, đây là do anh quá lạc quan, suy nghĩ quá tích cực, hay anh không hề để ý tới tâm tình và sức khỏe của tôi? Tôi không sợ sinh con nhưng chỉ muốn có con tự nhiên, anh muốn có ba con thì sinh thêm một đứa nữa, trai hay gái gì đều được. Vậy mà anh nhất định phải có con trai nên tôi cảm thấy áp lực trên vai mình lớn vô cùng. Dường như nếu muốn sinh con trai cho anh thì xin trứng là lựa chọn hợp lý nhất, cũng là lựa chọn có khả năng nhất, nhưng cũng là lựa chọn tôi không muốn nhất.
Tôi không muốn phải tự mình phá nát gia đình đang trọn vẹn của các con, cũng không muốn mang thai con của người khác, để rồi đứa bé ấy sẽ chia sẻ bớt tình yêu thương và quyền lợi đáng ra thuộc về các con tôi. Chưa kể với khát khao có con trai/cháu trai của chồng và bố mẹ chồng, tôi tin khi đứa cháu trai ra đời, nó sẽ thành "cái rốn của vũ trụ" ngay và luôn. Suy nghĩ này của tôi liệu có ích kỷ quá không? Hy vọng được các bạn cho tôi lời chia sẻ. Chân thành cảm ơn.
Nguyệt Hà
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc