Khắc cốt ghi tâm lời vàng ngọc của mẹ kính yêu: “Nếu phải chọn giữa con đường bằng phẳng và con đường chông gai thì con nên nhớ con đường bằng phẳng luôn có nhiều người đi và đến lúc nào đó nó sẽ trở nên chập hẹp, thậm chí phải tranh giành và chen lấn. Ngược lại, nếu chọn con đường chông gai mà nhiều người e dè thì con có cơ hội rộng đường thênh thang trải nghiệm những thách thức, qua đó con sẽ trưởng thành và đủ tự tin để đi trên bất kỳ con đường nào”.
Tôi tốt nghiệp đại học bằng tất cả sự nỗ lực, bươn chải và vất vả của mẹ để góp nhặt từng đồng nhỏ cho tiền học phí và các khoản chi tiêu khiêm tốn giữa đất Sài Gòn xa hoa. Tự nhủ với lòng, sự hy sinh của mẹ đã quá nhiều nên từ nay tôi phải tự đi trên đôi chân của mình. Ra trường, giã từ nơi đã gắn bó với cuộc đời sinh viên, tôi trở lại quê nhà là vùng đất Trà Vinh, một trong những tỉnh nghèo nhất của Việt Nam và bắt đầu với nghề “chèo đò”.
Hàng ngày, tôi đi trên con đò nhỏ qua sông, sau đó tay thì cầm giày, quần xắn qua khỏi gối, lội sình gần một cây số để đến trường vì cây cầu để qua sông vẫn đang trong quá trình xây dựng. Mặc dù cẩn thận nhưng vẫn có những hôm trượt chân, té ngã. Khi đứng lên nhìn lại bộ quần áo thì nó đã được “nhuộm màu”. Nhưng điều đó vẫn không đáng sợ bằng những hôm bận việc đi muộn, bước vội lên đò, ra đến giữa sông thấy nước mấp mé chực tràn vào lòng đò mà bản thân lại không biết bơi, lúc đó chỉ biết cầu trời “xin cho con còn được về nhà ăn cơm cùng ba mẹ”. Vất vả như thế nhưng tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ từ bỏ con đường mà mình đã chọn bởi không biết tự lúc nào con đò, dòng sông, sự hồn nhiên, vụng dại của những em sinh viên của vùng quê nghèo đã trở thành chiếc mạng nhện của vô vàn cảm xúc yêu thương, buồn vui lẫn lộn đan xen. Mọi thứ đã giữ chân tôi lại khi có không ít những đồng nghiệp đành phải buông tay khi đối diện cơm áo, gạo tiền và cuộc sống đời thường đầy những bon chen.
Thế rồi tôi đậu cao học ở Sài Gòn, bên cạnh những hỗ trợ của cơ quan, để có đủ tiền trang trãi cho mọi sinh hoạt mà không phiền đến gia đình, tôi lại bắt đầu cuộc hành trình: “Hai giờ đêm bắt xe tốc hành đi hai trăm cây số để bảy giờ sáng có mặt tại trường. Kết thúc buổi học, lên xe trở về, năm giờ chiều vừa đặt ba lô xuống thì đã có học trò ngồi chờ”. Có nhiều hôm, thương ba phải thức giấc nửa đêm để đưa từ nhà ra xe trong khi ba thường bệnh mất ngủ nên tôi tự đi một mình, cảm giác rờn rợn và không khí lạnh của màn đêm, lại là thân gái nên tôi cắm cúi đi như bị ma đuổi, ra đến xe thì không còn thở nổi. Thời gian thấm thoát trôi qua, tôi sắp tốt nghiệp cao học thì ba mẹ định cư sang Mỹ. Lo lắng tôi sẽ ngã quỵ bất kỳ lúc nào vì đã không ít lần nhập viện vì sức khỏe kém, nên ba mẹ buộc tôi phải đi cùng. Thế nhưng vì lời cầu xin ba mẹ hãy cho thêm thời gian để làm nốt những việc còn dang dở, nên ba mẹ đành gạt nước mắt để tôi ở lại Việt Nam.
Khi tôi có tấm bằng cao học trên tay cũng là lúc hôn nhân của tôi chính thức tan vỡ, mối tình đầu từ thời thanh mai trúc mã cho đến ngày đã có sự nghiệp trong tay đã giết chết mọi cảm xúc trong tôi. Thui thủi một mình giữa bốn bức tường sau những giờ làm việc mệt mỏi, tôi phải nuốt nước mắt vào lòng trong câm lặng vì không muốn mọi chuyện đến tai ba mẹ thế nhưng khi đứng trước sinh viên tôi vẫn là cô giáo vui tính, đầy nhiệt huyết, tràn trề niềm tin và hy vọng vào cuộc sống vì tôi không muốn trước mặt các em là một con người của sự u buồn, chán nản và tuyệt vọng.
Để lấy lại thăng bằng cho cuộc sống, tôi lao vào làm việc không mệt mỏi, tham gia công tác xã hội, giúp đỡ các em sinh viên có được việc làm sau tốt nghiệp, chia sẻ cùng các em những kinh nghiệm mà tôi đã có được bằng những trải nghiệm đầy nước mắt của bản thân. Mất đi tình yêu của một người, nhưng tôi đã có được tình thương của rất nhiều người. Tôi đã lấy lại niềm tin và niềm vui của cuộc sống để từ đó cảm nhận sâu sắc những vần thơ của Nhật: “Giữa mùa thu tàn, vươn lên từ rác, một cảnh trêu nhan”.
Và giờ đây, khi ngồi kể lại câu chuyện của mình, tôi luôn cảm ơn ba mẹ đã tôn trọng quyết định cho tôi được chọn và làm những điều mà mình đam mê, được góp phần bé nhỏ vào việc giáo dục tri thức cho những em sinh viên nghèo của vùng sâu, vùng xa. Cảm ơn mẹ đã luôn đồng hành cùng tôi dù cách xa đến nửa vòng trái đất, mẹ đã cho tôi niềm tin và điểm tựa để thực hiện hoài bão của mình. Với những thành quả có được trong công việc hiện tại, tôi có thể tự hào nói với mẹ và các em sinh viên: “Đây là giá trị đích thực mà tôi đã có được khi chọn cho mình con đường chông gai”.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Phùng Thị Phượng Khánh