Xin được chia sẻ với các bạn câu chuyện cuộc đời từ khi tôi còn bé. Tôi là con út, trên có bốn chị và một người anh, sinh ra và lớn lên tại TP HCM. Các chị đều lập gia đình, có nhà, riêng vợ chồng anh trai cùng ba đứa con đang sống chung nhà với ba mẹ, vợ chồng tôi cũng vậy. Gia cảnh nhà tôi không khá giả. Lúc tôi còn nhỏ, ba làm tài xế, mẹ ở nhà nội trợ kiêm luôn việc buôn bán để chăm sóc và nuôi nấng sáu anh chị em tôi. Có lẽ đông con, một phần chắc có bốn con gái rồi ráng sinh thêm cậu con trai nối dõi nên toàn bộ tình thương của cả nhà đều dành cho anh. Tôi chỉ là sản phẩm của câu nói: "Thôi ráng kiếm thêm một thằng nữa".
Tôi vẫn lớn lên trong tình thương của gia đình, nhưng đâu đó cảm thấy có chút tủi thân và bất công khi cùng là con nhưng tình thương nhận được không đều. Khi tôi còn là học sinh, dụng cụ học tập dùng gần hết sẽ phải tự nhịn ăn sáng để dành tiền mua. Nhà không khá giả nhưng anh tôi chỉ cần xin là sẽ có. Anh xin tiền đóng học phí, không có chuyện gì xảy ra. Tới tôi xin thì ba chửi thề, kêu nghỉ học, khi đó tôi là sinh viên năm thứ nhất. Bẵng đi một thời gian, tôi cũng tốt nghiệp, đi làm, gặp và cưới vợ. Vợ kém tôi hai tuổi, là người con của đất miền Trung nắng gió.
>> Chuỗi ngày tồi tệ sau sinh của tôi
Tôi vẫn nhớ như in, chỉ nửa tháng trước ngày mình cưới, xe bị hỏng nên gọi cho các chị mượn tiền mua xe mới. Đây là lần hỏng thứ ba trong năm, là lần thứ bảy trong bốn năm gần nhất, nó đã quá cũ và rất hao xăng. Thật tiếc khi chị nói vừa cho anh tôi mượn tiền để mở phòng gym. Chị sau đó nói lại với ba, ba hỏi tôi mượn tiền làm gì, tôi nói làm công chuyện của con. Nghe thế, ba chửi tôi xối xả, dọa đám cưới sẽ không tới dự và không ra nhà gái. Khi tôi nói lại, cả nhà bảo: "Anh mày làm ăn, tiền các chị cho mượn rồi. Mày mua xe thì từ từ, sau đám cưới có dư rồi mua". Tôi nghĩ cũng phải, một đứa công nhân quèn, dù mua xe để đi làm cũng là làm ăn nhưng làm sao so sánh được với chủ phòng gym.
Một lần khác, ba khi đó về hưu được vài năm, ở nhà không có gì làm nên hay lọ mọ làm hết cái này đến cái kia. Đỉnh điểm ba lắp bóng đèn, câu dây điện, không có chuyên môn nên tôi bị điện giật hai lần khi bước vào phòng tắm. Cũng may khi đó tôi chưa kịp tắm, chỉ vừa bật đèn để đi vào và bị giật. Tôi nói lại với ba, vì suýt chết nên bản thân không được bình tĩnh, lớn tiếng chút. Mọi người lại nói với tôi: "Ba làm sao mày không phụ, mày chỉ chăm chăm soi mói ba từng li từng tí rồi nói nặng nhẹ. Ông ấy là ba của mày đó". Một lần nữa tôi nghĩ, cũng phải thôi, mình còn sống mà, cái mạng này của mình chẳng quan trọng bằng thú vui khi về hưu của ba là được sửa điện dù không có chuyên môn.
Có rất nhiều thứ vô lý và bất công tồn tại trong nhà tôi, trên đây chỉ là hai lần đỉnh điểm, còn ti tỉ thứ khác. Ví dụ như gia đình anh trai sinh hoạt rất bẩn, ba đứa con của họ ngày càng lớn nhưng vợ chồng anh không dạy bảo được chúng. Vợ chồng tôi ưa sạch sẽ, đi làm cả ngày về rất mệt mỏi, vừa về đến nhà bước vào toilet để rửa mặt thì mùi khai lại xộc lên mũi. Tôi và vợ phải thay nhau dọn. Chúng rất ồn ào, bất cứ lúc nào có mặt ở nhà là xem những chương trình không lành mạnh, không dành cho trẻ con, nói theo những từ ngữ mà tôi cho là rất phản cảm. Khi tôi nói lại chỉ nhận được câu: "Khi nào tụi bây có con đi rồi biết".
>> Bạn gái yêu nghiêm túc nhưng không muốn sinh con
Khi anh trai nhờ tôi chở giúp hai đứa con về nhà (anh mở phòng thể hình cùng đường đi tới công ty tôi làm), chiếc xe máy thì nhỏ, vợ tôi còn phải xách hộp đựng cơm trưa, giờ đèo thêm hai đứa nhỏ năm, sáu tuổi quả thật rất chật. Vậy mà về nhà các cháu lại bảo chúng tôi ngồi ép khiến tụi nó đau. Anh trai hùng hổ đòi đánh vợ chồng tôi, sau đó xúc phạm vợ tôi là người không ăn học. Tôi từ mặt anh trai ngày hôm đó dù vẫn sống chung nhà. Vợ chồng tôi không thể ra ở riêng vì mẹ nói sẽ buồn rồi sinh bệnh, khi nào có con rồi hãy ra riêng.
Do phải chịu đựng những điều như vậy suốt một thời gian dài, dần dần trong tôi hình thành những ý nghĩ không được bình thường. Tôi không còn thích trẻ con nữa, không muốn có con, chỉ muốn cố gắng dành dụm và tiết kiệm để có ngôi nhà nhỏ của riêng hai vợ chồng, trong khi tổng thu nhập chúng tôi chỉ 16 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi tháng, ngoài phụ tiền sinh hoạt cho ba mẹ và chi tiêu cá nhân, vợ chồng tôi chỉ tiết kiệm được gần sáu triệu đồng. Sau ba năm kết hôn, số tiền chúng tôi dành dụm được hơn 100 triệu đồng, đó là cả sự cố gắng tiết kiệm, chắt chiu. Chúng tôi khao khát có một ngôi nhà, dù cho nhỏ như phòng trọ cũng hài lòng rồi.
Dịch Covid đột ngột ập tới, chỗ tôi ở bị phong tỏa suốt ba tháng liền, vợ chồng bị vỡ kế hoạch vì không thể đi mua dụng cụ tránh thai. Đến nay, con tôi gần tròn hai tháng tuổi, vợ rất vui rất hạnh phúc nhưng trong tôi vẫn là một bầu trời lo lắng, không biết giải quyết từ đâu. Tôi suy nghĩ quá nhiều, hay bản thân không được bình thường?
Tôi có bình thường không khi nghĩ con đến là từ sai lầm của tôi? Tôi không có nhà cho mình và con. Sau khi con cứng cáp, trở lại thành phố, chúng tôi phải ra ở riêng, vợ ở nhà chăm con và chắc chắn nghỉ làm ít nhất một năm, trường mẫu giáo chỉ nhận giữ trẻ từ 18 tháng tuổi. Vì vậy tôi đã nghỉ làm, tìm kiếm một công việc khác có tăng ca để bù lại phần thu nhập của vợ. Tiền tiết kiệm của chúng tôi có lẽ sẽ vơi dần khi thiếu hụt vì phải nuôi con, mơ ước mua nhà ngày càng xa vời.
Gần đây khi đọc các bài viết trẻ con bị ám ảnh khi thấy bố mẹ "yêu" càng làm tôi khủng hoảng. Tôi ám ảnh nếu chuyện đó xảy ra với gia đình mình khi vợ chồng con cái phải ở trong phòng trọ chật hẹp. Nhu cầu chuyện ấy của tôi rất cao, việc có con đã khiến tôi phải nhịn gần một năm qua. Cộng thêm việc vợ phải về quê sinh, vợ chồng mỗi người một nơi, chẳng khác nào cực hình. Sắp tới khi ra ở riêng, liệu việc không có nhà, vợ chồng con cái ngủ chung có làm tình cảm chúng tôi nhạt đi?
Tôi có bình thường không khi nghĩ con đến sẽ khiến vợ chồng không còn thời gian dành cho nhau nữa, không còn những chuyến đi chơi cùng nhau bằng xe máy, không còn những bữa ăn cơm chung khi một người giữ con một người ăn...
Tôi có bình thường không khi lo sợ con rồi sẽ giống như những gì tôi từng trải qua. Tôi không có nhà, làm công nhân thì làm gì có sự nghiệp. Liệu áp lực kinh tế, chuyện cơm áo gạo tiền có khiến tôi đối xử với con như ba từng đối với tôi không?
Tôi có bình thường khi ngày vợ lâm bồn, mình ở thành phố không về kịp, về tới bệnh viện chỉ nghĩ đến tiền. Làm sao để kiếm thêm tiền và trông được vào gặp vợ xem vợ có đau lắm không, có làm sao không; trong khi tôi nhìn xung quanh, các ông bố khác chỉ mong vào gặp con. Tôi hoàn toàn không có cảm giác gì đặc biệt khi thấy con?
Kinh tế, tự do, hạnh phúc vợ chồng, mọi thứ trước khi có con thì chúng tôi đều có, giờ sắp đánh mất rồi. Tôi nghĩ như vậy có đúng không?
Quyết
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc