Cha mẹ bỏ nhau khi tôi xúc cơm ăn còn chưa vững, họ nhìn tôi như hiện thân của nhau để rồi căm ghét, có chăng họ cho tôi miếng ăn sống qua ngày chỉ là vì không thể chối cãi rằng tôi là con của họ. Tôi như một món hàng để họ đưa đẩy, duy nhất bà ngoại đã đứng ra cưu mang và chăm lo cho tôi bằng tình yêu thật sự. Sau đó tuổi cao sức yếu, bà rời xa tôi để về thế giới bên kia. Tôi lang thang từng ngày trên khắp con đường xóm, theo đám trẻ vui chơi nô đùa nhưng cũng chỉ đứng nhìn chúng chơi, ai cho gì ăn nấy.
Tôi phải chăn trâu thả bò để kiếm cơm ăn sống qua ngày. Tôi cũng được đi học nhưng rồi không có tiền đóng học phí, mỗi lần đến lớp lại bị nhắc nhở mà hổ thẹn, không dám đến nữa, cơm còn không có mà ăn thì sao có tiền đóng học, mua sách vở, quần áo. Thời gian cứ thế trôi qua, người ta hay nói "trời sinh voi sinh cỏ", tôi vẫn được sống. Đủ cứng cáp là tôi tự lang bạt bên ngoài, làm thuê, người tốt người xấu đủ cả, có người dạy bảo tôi bằng sự chân thành, có người lại nịnh tôi để phục vụ cho mục đích riêng của họ.
Đủ 18 tuổi, tôi được gọi nhập ngũ. Ngày đầu bỡ ngỡ, ngày tiếp theo quen hơn, tôi thầm nhủ: "Vào đây thật sung sướng, có cơm ăn, có việc làm, có quần áo mặc, có người chỉ dạy cho những thứ mà tôi chưa từng tiếp xúc". Tôi ao ước mình có thể ở đây mãi thì tốt biết mấy. Tôi cố gắng tiếp thu thật tốt những gì được dạy, có chút thành quả là tấm bằng khen cuối năm. Tôi xúc động và sung sướng vì đã vượt qua chính mình và được ghi nhận.
Không lâu sau tôi xuất ngũ, một lần nữa lại phải thay đổi môi trường sống. Từ đó đến giờ đã gần 10 năm trôi qua, tôi đã tồn tại được gần 30 năm, tự đứng vững trên đôi chân của mình, có một công việc ổn định, cuộc sống nhàn rỗi hơn nên có thời gian viết lại cuộc đời mình. Tôi không mong ai thương hại nhưng mong rằng qua câu chuyện này các bậc làm cha làm mẹ đừng bao giờ để con cái phải chịu cảnh như tôi.
Vinh
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.